Cựu bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị VKS nhận định dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ, sức khỏe yếu song vẫn phải áp dụng mức phạt "nghiêm khắc nhất".
Đây là quan điểm được đại diện VKS nêu trong bản luận tội sáng 24/4 tại TAND Hà Nội. Ông Hoàng bị cáo buộc "có vai trò chính" trong vụ án xảy ra tại Sabeco, "hành vi có tính quyết định đến sai phạm của các bị cáo khác".
Cùng bị cáo buộc phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như cựu bộ trưởng, ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị VKS đề nghị 7-8 năm.
8 cựu cán bộ, lãnh đạo TP HCM, gồm: Nguyễn Hữu Tín (cựu phó chủ tịch UBND TP HCM) bị đề nghị phạt 5-6 năm, Lâm Nguyên Khôi (cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) và Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) mỗi người 4-5 năm, Lê Văn Thanh (cựu phó chánh Văn phòng UBND thành phố), Lê Quang Minh (cựu trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư) và Nguyễn Thanh Chương (cựu trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM) đều 3-4 năm, Trương Văn Út (cựu phó phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường) 3-4 năm, Nguyễn Lan Châu (cựu chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường) 2-3 năm, cùng về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo khoản 3 điều 229.
Trong số này, năm bị cáo đã bị xét xử trong một số vụ án khác trước đó nên VKS đề nghị ông Tín phải chấp hành tổng hình phạt là 12-13 năm tù, ông Kiệt từ 10 năm 6 tháng đến 11 năm 6 tháng, ông Thanh 7-8 năm, ông Chương 6-7 và ông Út 8-9 năm.
Theo đại diện VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo giữ bị trí chủ chốt ở Bộ Công Thương và UBND TP HCM nhưng "vì các động cơ khác nhau mà chuyển tài sản Nhà nước sang cho tư nhân trái pháp luật, làm mất niềm tin của nhân dân", gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.
Các bị cáo đều có nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, có nhiều thành tích trong công tác. Nhiều người có tình tiết giảm nhẹ nên cần áp dụng hình phạt dưới khung và cần phân hoá vai trò.
Về dân sự, VKS đề nghị HĐXX tuyên buộc UBND TP HCM huỷ bỏ quyết định cho thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và các văn bản liên quan. UBND TP HCM xử lý khu đất theo đúng quy định nhưng phải quan tâm đến quyền lợi của bên thứ ba.
Bào chữa cho ông Hoàng sau đó, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng "bản luận tội của VKS không khác gì cáo trạng". Diễn biến hai ngày xét xử không được cơ quan công tố cập nhật trong bản luận tội. "Bởi vậy cải cách tư pháp sẽ được thực hiện như thế nào khi mà VKS không thay đổi. Nguyên tắc suy đoán vô tội, một trong những bước đột phá trong tố tụng hình sự cũng không được VKS áp dụng", ông Thiệp nói.
Ông Hoàng được ngồi khi trình bày tại toà do sức khoẻ yếu. Ảnh: Nam Anh.
Trước đó, trong hai ngày xét xử, ông Hoàng phủ nhận trực tiếp phụ trách quản lý Sabeco. Cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (đã bỏ trốn) mới là người được phân công theo dõi, chỉ đạo hoạt động tại đơn vị này. Vì thế, ông nói "không liên quan sai phạm ở Sabeco mà chỉ chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu ngành công thương".
Ông khai từng tham gia một cuộc họp liên quan Sabeco nhưng là điều hành thay thứ trưởng đi vắng. Cuộc họp này bàn về nhiều vấn đề trong đó có chủ trương xây dựng trụ sở mới chứ không phải bàn về việc thoái vốn như cáo trạng quy kết.
Bị cáo Phan Chí Dũng, cựu vụ trưởng Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương, không phủ nhận trách nhiệm nhưng cho rằng hồi đó chỉ nhận thức được Sabeco xây dựng văn phòng "để phục vụ" chính doanh nghiệp chứ không phải là đầu tư ngoài ngành. Các cơ quan trong Bộ Công Thương khi có ý kiến tham mưu cũng chung nhận định như vậy. Tuy nhiên, Sabeco không xây văn phòng mà chuyển sang hướng kinh doanh khác, dẫn đến sai phạm của vụ án.
Sai phạm này đã kéo theo vi phạm của 8 lãnh đạo, cán bộ UBND TP HCM với cáo buộc vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Trong những ngày xét xử, ngoài cựu phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín xin vắng mặt, 7 cựu cán bộ còn lại đều thừa nhận hành vi song mong HĐXX xem xét đến thời điểm và bối cảnh phạm tội thời đó. Họ cho hay chỉ đến khi vụ án bị điều tra mới biết được việc mình làm là sai phạm.
Các bị cáo tại phiên toà. Ảnh: Nam Anh.
Theo VKS, từ năm 2008 đến khi nhà nước thoái vốn vào năm 2017, vốn nhà nước tại Sabeco chiếm 89,59% nên đây được coi là "doanh nghiệp nhà nước". Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu nhà nước với phần vốn góp tại Sabeco, Vụ Công nghiệp nhẹ theo dõi, quản lý chính.
Sabeco quản lý khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng 6.080 m2 được dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, nộp tiền thuê đất hàng năm. Từ năm 2012 đến 2016, ông Hoàng chỉ đạo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cùng Vụ trưởng Phan Chí Dũng chỉ đạo Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.
Sau khi góp vốn và Sabeco đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý, ông Hoàng không giao Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt. Ngược lại, ông Hoàng chỉ đạo thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh để chuyển quyền sử dụng khu đất là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật, nhà chức trách buộc tội.
Bản luận tội xác định, các bị cáo đã dùng quyền sử dụng đất hoặc các quyền về tài sản khác của Nhà nước để góp vốn, liên doanh sau đó thoái vốn (chuyển nhượng vốn) không minh bạch, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.
Theo VnExpress, ngày 24/4/2021