Trong 8 năm làm tình báo viên, Tổng cục V giao cho bị cáo làm công việc phát triển kinh tế, Tổng cục V lấy công ty của bị cáo làm bình phong. Ngoài ra bị cáo không được Tổng cục V giao nhiệm vụ gì khác - Vũ "nhôm" khai.
Vũ "nhôm": Tổng cục V giao cho bị cáo làm công việc phát triển kinh tế
Sáng 28/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"), cùng hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an là các ông Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành và đồng phạm.
Trong phòng xử, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") ngồi hàng ghế đầu tiên. Phía sau là các bị cáo Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn. Hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an mặc áo khoác xanh, ngồi cạnh nhau ở hàng ghế cuối, thứ 3 - dành cho các bị cáo.
Phóng viên các cơ quan báo chí được bố trí theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi, tại phòng riêng.
Bước lên bục khai báo đầu tiên trong phần xét hỏi, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") trả lời rành mạch các câu hỏi được chủ tọa. Vũ khai thành lập doanh nghiệp từ năm 2000 và được tuyển dụng làm tình báo viên năm 2009.
2 doanh nghiệp gồm Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 do Vũ thành lập và đứng tên làm người đại diện theo pháp luật.
Hai công ty có hoạt động độc lập, ngành nghề kinh doanh bất động sản, ngoài ra còn kinh doanh nhà hàng, dịch vụ. Đặc biệt, hai công ty này mang danh nghĩa tổ chức bình phong của Bộ Công an nhưng Tổng cục Tình báo không góp vốn vào đây.
Vũ khai, trong 8 năm làm tình báo viên, Tổng cục V giao cho mình làm công việc phát triển kinh tế, lấy công ty của Vũ làm bình phong. Vũ trình bày không được Tổng cục V giao nhiệm vụ gì khác.
Trả lời các câu hỏi về nhiệm vụ làm kinh tế, Vũ “nhôm” cho biết, “bất cứ việc nào có sinh lợi được thì bị cáo làm”.
Về việc tại sao trong các tờ trình xin thuê - mua các nhà đất công sản, không thể hiện mục đích là làm kinh tế, mà chỉ ghi là “hoạt động nghiệp vụ”, Vũ "nhôm" khai: Các tờ trình của bị cáo không thể dùng từ ngữ phát triển kinh tế được, mà chỉ nêu chung là hoạt động nghiệp vụ. Đó cũng là nhiệm vụ của bị cáo.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Hữu Bách (nguyên Trưởng phòng, sau là Phó cục trưởng thuộc Tổng cục Tình báo, Bộ Công an), thừa nhận đã soạn thảo, ký nháy và tham mưu trình lãnh đạo Tổng cục V, lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản tạo điều kiện cho Vũ "nhôm" thuê mua các nhà, đất công sản của nhà nước.
Bị cáo Phan Hữu Tuấn, cựu trung tướng, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an, đã trực tiếp ký ban hành hoặc ký nháy để tham mưu, trình lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản giúp các công ty của Vũ "nhôm" mua 6 dự án nhà đất công sản tại Đà Nẵng và TP.HCM.
"Cựu" Thứ trưởng thừa nhận trách nhiệm
Bước lên bục khai báo, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành bình tĩnh trả lời các câu hỏi. Ông Thành cho biết, đảm nhiệm chức Thứ trưởng từ tháng 8/2014 và được phân công phụ trách Tổng Cục Hậu cần, doanh nghiệp Bộ Công an.
Đối với dự án nhà 129 Pasteur (TP Hồ Chí Minh do Tổng Cục IV quản lý, sau đó được công ty Nova 79 của Vũ "nhôm" mua lại), ông Thành khai đã ký 2 văn bản, trong đó, một văn bản thay mặt lãnh đạo Bộ Công an ký trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương bán chỉ định cơ sở nhà đất; văn bản thứ 2 gửi các sở đầu mối nhằm thẩm định giá sau khi có chủ trương.
Ông Trần Việt Tân rời tòa sau phiên xử sáng. Ảnh: Tiến Tuấn.
Về mục đích công ty này mua nhà số 129 Pasteur, theo ông Thành, trong công văn đề nghị của Tổng Cục V lên lãnh đạo Bộ, mục đích là vị trí phù hợp để phát triển cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiệp vụ.
Bị cáo Thành khai, trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra đã trình bày rất cụ thể về việc không biết, không có thông tin nào báo cho bị cáo biết việc doanh nghiệp bán lại dự án 129 Pasteur.
Trước câu hỏi của chủ tọa về việc dự án 129 Pasteur có giúp gì cho hoạt động nghiệp vụ của Bộ Công an không? Bị cáo Thành đáp: Mục tiêu đáp ứng yêu cầu công tác theo đề nghị của Tổng Cục V với dự án này không thực hiện được.
Sau bị cáo Thành, bị cáo Trần Việt Tân cũng được yêu cầu lên bục khai báo. Ông Tân cho hay, khi còn làm Thứ trưởng Bộ Công an được phân công phụ trách Tổng Cục V.
Ông Tân cho rằng, cáo trạng truy tố ông về tội Thiếu trách nhiệm trong quản lý, giám sát Cục B61, bản thân thấy chưa chuẩn xác với nhiệm vụ.
Bị cáo đã ký bao nhiêu văn bản trình cấp Bộ, UBND các tỉnh, thành xin thuê, mua một số bất động sản?
Ông Tân đáp: "Tôi không ký, không ký nháy văn bản nào. Tôi có 6 văn bản và các văn bản này đều là thúc đẩy thủ tục hành chính liên quan đến 3 dự án ở Đà Nẵng, TP HCM".
Ông Tân khai không biết công ty Nova chuyển nhượng các dự án sau khi được mua.
"Là người quản lý trực tiếp, bị cáo có thấy trách nhiệm của bị cáo?" - vị chủ tọa hỏi.
Bị cáo Tân trả lời: Nếu nói quản lý trực tiếp, tôi không quản lý trực tiếp. Trong phân công công tác tôi chỉ phụ trách Tổng Cục V, không phụ trách cục B61, đây là trách nhiệm của Tổng Cục phụ trách trực tiếp tình báo viên.
"Với vai trò là thủ trưởng, bị cáo có trách nhiệm gì không?" - Ông Tân đáp: "Tôi có trách nhiệm vì là người đứng đầu phụ trách lĩnh vực nhưng không nắm được vấn đề".
Theo cáo trạng, Vũ “nhôm” với sự giúp sức của 4 bị cáo (là lãnh đạo cao cấp tại Bộ Công an) đã được thuê mua 7 nhà, đất công sản với giá hời, sau đó sử dụng vào mục đích cá nhân.
Cáo trạng xác định, quá trình điều tra, ban đầu Phan Văn Anh Vũ thừa nhận hành vi phạm tội và có đơn xin giao nộp 7 tài sản do phạm tội mà có để khắc phục hậu quả.
Đến nay Phan Văn Anh Vũ không thừa nhận hành vi phạm tội mà còn có đơn xin không giao nộp 7 tài sản này.
Theo Trí thức trẻ, ngày 28/01/2019