Thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, hai cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV mong HĐXX xem xét lại bối cảnh, nguyên nhân phạm tội, trong đó có sức ép buộc phải ký từ cấp trên.
Sau khi đại diện Viện KSND TP Hà Nội luận tội, đề nghị mức án, các bị cáo và luật sư trong vụ đại án BIDV được quyền tự bào chữa và bào chữa.
Các bị cáo tại tòa sơ thẩm.
Luật sư Trần Minh Hải, bào chữa cho cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang cho rằng, những hành vi, sai phạm của thân chủ ông mang yếu tố khách quan. Dù Cty Bình Hà không đáp ứng được điều kiện để được vay vốn, nhưng nếu chỉ ở khoản vay thông thường đó là sai phạm, trong trường hợp này BIDV đã có Nghị quyết “ngoại lệ” để áp dụng. Cty Bình Hà thuộc diện ngoại lệ, luật sư Hải mong HĐXX xem xét lại yếu tố này.
Cũng theo luật sư Hải, việc thẩm định các điều kiện tín dụng và đề xuất cấp hạn mức tín dụng đối với khoản vay của Cty Bình Hà thuộc nhiệm vụ của Tổ thẩm định chung. Ông Lang không nằm trong danh sách Tổ thẩm định chung, không có bất kỳ nhiệm vụ, quyền hạn hay vai trò nào trong Tổ thẩm định chung, không có trách nhiệm về việc thẩm định, đề xuất cấp tín dụng. Vì vậy, luật sư Hải cho rằng, cần loại trừ cho ông Lang các trách nhiệm liên quan gắn với khâu thẩm định cấp tín dụng, đề xuất cho vay đối với khoản vay của Cty Bình Hà.
Ngoài ra, luật sư Trần Minh Hải cũng cho biết, qua phần thẩm vấn công khai, ông Lang đã thành khẩn nhận tội; các văn bản ông Lang ký chỉ mang tính chất thông báo, còn quyết định cho vay thuộc thẩm quyền của Chủ tịch HĐQT. Toàn bộ chỉ đạo, quyết định cho vay là do Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà.
Kết lại, luật sư Hải cho rằng, vai trò của bị cáo Lang trong vụ án này là mờ nhạt và đề nghị HĐXX áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự (hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt).
Trong khi đó, luật sư Hoàng Văn Dũng, bào chữa cho bị cáo Đoàn Ánh Sáng (cựu Phó TGĐ BIDV) ghi nhận cơ quan tố tụng trước đó trong bản luận tội đã áp dụng nhiều tình tiết để giảm nhẹ cho thân chủ của mình. Tuy nhiên, theo luật sư, mức án đề nghị của VKS vẫn rất cao.
Luật sư Dũng cho rằng, hành vi của bị cáo Sáng đã rõ và bản thân bị cáo đã thừa nhận mình ký 5 văn bản trong quá trình đề xuất BIDV giải ngân cho Cty Bình Hà vay. Tuy nhiên, đi sâu phân tích hành vi của ông Sáng trong quá trình ký 5 văn bản, luật sư Dũng khẳng định, thân chủ của mình ký trong bối cảnh tôn trọng hiện thực của dự án.
Theo luật sư Dũng, bị cáo Sáng chỉ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn, chức năng được phân công. Việc món vay của Cty Bình Hà có được duyệt hay không là quyết định của HĐQT. Do đó, luật sư Dũng cho rằng, cần xem xét thêm ở hoàn cảnh, điều kiện phạm tội, bởi bị cáo còn bị gây sức ép từ HĐQT.
“Bị cáo không được hoàn toàn tự do về mặt ý chí để thực hiện. Nên chăng cần áp dụng chính sách hình sự đặc biệt, miễn hình phạt trong trường hợp này.” - luật sư Dũng kiến nghị.
Tự bào chữa trước đó, các bị cáo Trần Lục Lang và Đoàn Ánh Sáng đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc, đồng thời mong HĐXX xem xét lại bối cảnh và hành vi phạm tội, bởi cả hai đều đã thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra.
Ông Đoàn Ánh Sáng cho rằng bản thân có sai phạm, nhưng nguyên nhân phạm tội do thực hiện theo quy trình chung, trong đó có sức ép “buộc phải ký” từ cấp trên.
Bị cáo Trần Lục Lang mong muốn cấp sơ thẩm xem xét việc ông có nhiều cống hiến cho ngân hàng, đóng góp rất lớn cho mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào để làm căn cứ khi lượng hình.
Người duy nhất “quanh co, chối tội” tự bào chữa ra sao?
Theo bản luận tội của VKS, các bị cáo trong vụ đều thừa nhận trách nhiệm, riêng Đinh Văn Dũng (cựu TGĐ Cty Bình Hà) quanh co chối tội. Tuy nhiên, qua điều tra, xét hỏi công khai đã đủ cơ sở xác định bị cáo này chiếm đoạt tiền của BIDV. Ông Dũng bị VKS đề nghị mức án 12-13 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Dũng cho rằng bản thân không chỉ đạo cấp dưới bán bò thịt để chiếm đoạt tiền của BIDV. Trong hợp đồng ký với các đơn vị môi giới, bị cáo chỉ ký thỏa thuận, không chỉ đạo việc chuyển tiền lòng vòng qua trung gian.
Ông Dũng khẳng định bản thân rất tâm huyết với dự án chăn nuôi bò thịt của Cty Bình Hà, đồng thời kiến nghị cơ quan tố tụng rút nội dụng truy tố đối với mình.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, Cty Bình Hà được BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cho vay vốn để thực hiện dự án chăn nuôi bò. Theo quy định, tiền bán bò thu về từ các công ty môi giới và các lò mổ phải chuyển về tài khoản của Cty Bình Hà tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh để ngân hàng kiểm soát và đối trừ công nợ.
Do không có tiền góp vốn, theo sự chỉ đạo của Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà), các bị cáo Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh đã chiếm đoạt tiền bán bò để góp vốn cá nhân, chứng minh vốn đối ứng với BIDV, để BIDV tiếp tục giải ngân vốn vay và sử dụng vào mục đích cá nhân khác. Tổng số tiền các bị can chiếm đoạt của BIDV là gần 150 tỷ đồng.
Tự bào chữa, Trần Anh Quang (cựu TGĐ Cty Bình Hà) thừa nhận hành vi bị cơ quan tố tụng cáo buộc nhưng cho rằng bản thân làm những việc này theo chỉ đạo. Bị cáo Quang nói, lúc đầu, bị cáo nghĩ số tiền gần 150 tỷ đồng là khoản vay mượn, không phải chiếm đoạt. Sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết đó là sai phạm.
Về cáo buộc cùng Đinh Văn Dũng chiếm đoạt tiền của BIDV, bị cáo này mong HĐXX xem xét vì bản thân mang danh TGĐ nhưng thực tế chỉ là lái xe.
“Giám đốc chỉ là cái hình, cái bóng, không quyết được bất kỳ điều gì. Mọi việc đều làm theo chỉ đạo của Trần Duy Tùng.” - bị cáo Quang nói.
Theo Dân trí, ngày 29/10/2020