Quyền giữ bí mật của luật sư Nhật Bản Ở Nhật, luật sư không được phép tiết lộ thông tin của khách hàng. Tuy nhiên, nếu biết được khách hàng của mình đang chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng, luật sư được phép thông báo cho cơ quan chức năng sau khi đã làm hết các biện pháp khác nhưng không ngăn cản khách hàng được. Còn lại, tất cả trường hợp khác luật sư đều không được tố cáo, đó là một nguyên tắc nghề nghiệp. Miễn trừ trách nhiệm tố giác cho luật sư Theo tôi, sắp tới nên sửa đổi Điều 314 BLHS. Theo đó, ngoài ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì cần quy định thêm luật sư cũng được miễn trừ trách nhiệm tố giác tội phạm (trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng khác). Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Giữ bí mật theo thông lệ quốc tế Khách hàng tìm đến luật sư là tìm một lối thoát khi đã gặp rắc rối pháp lý. Luật sư vừa nghe xong, chưa giúp được gì lại đi tố giác thì ai dám đến nhờ nữa. Thông lệ các nước cũng quy định đến việc luật sư giữ bí mật cho khách hàng vì đặc thù của nghề. Ngoại trừ việc biết khách hàng đang chuẩn bị phạm tội mà luật sư không thể nào ngăn cản được thì mới báo cơ quan chức năng, còn tất cả những tội phạm mà khách hàng đã thực hiện trước đó, luật sư đều phải giữ bí mật. Luật sư ĐỖ BIÊN THÙY, Đoàn Luật sư TP.HCM Tiết lộ hay tố giác? Quan hệ giữa luật sư và khách hàng trong việc giữ bí mật cá nhân là mối quan hệ phức tạp. Quy tắc quy định không được tiết lộ bí mật khách hàng nhưng BLHS bắt buộc phải tố giác tội phạm. Nếu quy định như thế này, luật sư sẽ phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều về việc im lặng hay tố giác sau khi nghe khách hàng tâm sự. Vì vậy, cần phải nghiên cứu lại để luật sư yên tâm hơn khi hành nghề. Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam |