HOTLINE: 0913.215.264

Luật sư nói gì về khoản 3, điều 19 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015

Cập nhật: 30/05/2017
Lượt xem: 1771

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, chúng ta cần phải có sự đánh giá, xác định lại chứ không ‘buông’ hẳn khoản 3, điều 19, Dự thảo BLHS năm 2015.

 
Trên nghị trường Quốc hội, những ngày qua ‘nóng’ tranh luận về khoản 3, điều 19, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự năm 2015 (Dự thảo sửa đổi BLHS 2015).
 
Tại khoản 3, điều 19 của Dự thảo quy định: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.
 
Nếu theo như quy định này của Dự thảo BLHS 2015, thì “Người bào chữa” phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác thân chủ.
 
Mâu thuẫn với Bộ luật, Luật hiện hành
 
Liên quan vấn đề này, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Huy Thiệp và Cộng sự cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ dẫn đến tình trạng vi hiến, đồng thời mâu thuẫn với Luật Luật sư, Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS), mà cụ thể ở đây là điểm g, khoản 2, điều 73, BLTTHS.
 
“BLTTHS vừa ráo mực, vừa ban hành xong, giờ lại mâu thuẫn”, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp phân tích.
 
Theo ông Thiệp, quy định như khoản 3, điều 19 của Dự thảo BLHS 2015 cũng mâu thuẫn với đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư. Điều này cũng không phù hợp với đạo đức ứng xử của rất nhiều nước phát triển trên thế giới và có lịch sử phát triển nghề luật sư hàng trăm năm nay.
 
http://luatsunguyenhuythiep.com
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp
 
“Chính chúng ta đã có rất nhiều đoàn khảo sát, tham quan học hỏi ở các nước đó để về xây dựng Quy tắc ứng xử nghề nghiệp luật sư”, ông Thiệp cho hay.
 
Hiện nay, vị trí vai trò của luật sư đang dần được nâng tầm để đáp ứng xu thế hội nhập chung, tương xứng với vị trí, vai trò của Luật sư trên thế giới. Đặc biệt BLTTHS 2015 đã có những quy định mới nhằm nâng cao vai trò, vị trí của Luật sư. Chẳng hạn, là thời điểm luật sư được tham gia vào hoạt động tố tụng:
 
Nếu BLTTHS năm 2003 quy định, luật sư chỉ được tham gia bào chữa khi khởi tố bị can; trong trường hợp bị bắt quả tang hoặc bắt theo truy nã, bắt khẩn cấp thì được tham gia từ khi có lệnh bắt giữ.
 
Thì theo BLTTHS năm 2015 luật sư bắt đầu được tham gia từ khi người đó có mặt tại cơ quan điều tra (đối với tất cả các trường hợp bắt tạm giữ người). Điều đó cho thấy, tác dụng, vai trò của luật sư trong việc góp phần loại trừ oan, sai đã được thừa nhận. Thêm vào đó, BLTTHS năm 2015 cũng quy định, trường hợp gia đình, thân nhân không có khả năng mời luật sư khi người đó bị truy tố về tội có khung hình phạt cao nhất từ 20 năm, Chung thân đến Tử hình đã phải chỉ định luật sư bào chữa, trong khi theo BLTTHS năm 2003, thì chỉ những người có mức hình phạt cao nhất là Tử hình thì mới có luật sư chỉ định. Điều đó cũng cho thấy vai trò và phạm vi hành nghề của luật sư được nâng lên trong hoạt động tố tụng.
 
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, cái gốc của vấn đề là xác định mục đích quy định như khoản 3, điều 19 để làm gì? Phải chăng, quy định là để dự phòng tình huống luật sư biết mà không tố cáo chính bị can, bị cáo mình bảo vệ?
 
Không ‘buông’ khoản 3, nhưng cần điều chỉnh lại
 
Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Huy Thiệp và Cộng sự cho rằng, chúng ta cần phải có sự đánh giá, xác định lại chứ không ‘buông’ hẳn khoản 3, điều 19, Dự thảo BLHS 2015, vì luật sư không có trách nhiệm gì thì không đúng, nhưng phải được giới hạn như thế nào.
 
Theo ông Nguyễn Huy Thiệp, đối với khoản 3, điều 19, Dự thảo BLHS năm 2015 nên điều chỉnh lại như sau: “Trừ trường hợp không tố giác các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại điều 389 của bộ luật này khi có căn cứ rõ ràng cho thấy tội phạm đó đang được chuẩn bị thực hiện, đang thực hiện.” Như thế mới đúng, còn các tội phạm đã thực hiện, tôi nghĩ không nên quy định vì quy định như vậy sẽ gây xung đột, mâu thuẫn.
 
Đối với  tội phạm “đang chuẩn bị thực hiện” hoặc “đang thực hiện” thì nguồn nguy hiểm có thể gây ra cho xã hội là rất cao, còn tội phạm đã thực hiện thì hậu quả đương nhiên đã xảy ra rồi vì vậy việc điều tra, truy tố, xét xử chỉ nhằm mục đích trừng trị kẻ thực hiện hành vi phạm tội.
 
Mặt khác, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải thuộc về ai khác, bị can, bị cáo có quyền chứng minh mình vô tội nhưng không có nghĩa vụ (theo quy định tại Điều 15 BLTTHS năm 2015) còn Luật sư chỉ có trách nhiệm bào chữa mà không có trách nhiệm chứng minh buộc tội - Luật sư Thiệp phân tích.
 
“Nếu tôi không tố cáo, thì với chức năng, kỹ thuật, kinh nghiệm của mình, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải tìm ra tội phạm. Nếu không tìm ra thì năng lực của anh hạn chế. Tại sao anh lại lấy cái năng lực hạn chế của mình để đổ lỗi cho người khác? Giả sử không có ai tố cáo, anh có làm được không? không ai tố cáo, anh có điều tra được tội phạm không? Nếu không có tố cáo mà không điều tra ra tội phạm thì cần xem lại các hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng”, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu vấn đề.
 
“Quan điểm của tôi không bỏ hẳn nhưng điều chỉnh lại khoản 3, điều 19, chỉ dừng lại ở tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng trong tình trạng “đang chuẩn bị thực hiện” hoặc “đang thực hiện”, ông Thiệp nói.
 
Giữ khoản 3 như dự thảo, mất nhiều hơn được
 
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, nếu để khoản 3, điều 19 như Dự thảo BLHS năm 2015 như hiện nay thì mất nhiều hơn được. Mâu thuẫn sẽ phát sinh, từ đó dẫn đến sự không thống nhất giữa các Bộ luật với nhau, như đã phân tích ở trên.
 
Hơn nữa, với quy định như dự thảo, ông Thiệp suy tư, các luật sư trẻ sẽ rất lo sợ vì các loại tội đặc biệt nghiêm trọng chiếm khoảng 1/4 các tội trong Dự thảo BLHS năm 2015, và như thế rủi ro nghề nghiệp của họ tăng lên.
 
Khi chúng ta đang muốn nâng cao vai trò vị trí luật sư trong hoạt động tố tụng để nhằm loại trừ việc kết tội oan, sai trong xét xử hình sự, nhưng với quy định này sẽ phản tác dụng vì các luật sư sẽ chùng lại, số lượng người tham gia hoạt động hành nghề luật sư cũng sẽ hạn chế vì tâm lý e ngại của lớp trẻ. Và như vậy, đề án phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng số lượng tham gia hoạt động tố tụng sẽ khó đạt được.
 
Ngoài ra, nếu quy định luật sư tố giác thân chủ thì bản thân công dân sẽ mất niềm tin, người ta làm sao còn tìm đến luật sư khi vướng vòng lao lý. Khi đấy, vấn đề oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự có thể lại tiếp tục xảy ra - điều mà toàn xã hội, Đảng và Nhà nước đang cố gắng phấn đấu để loại trừ.
 
Theo VOV, ngày 30/5/2017
Các tin tức liên quan
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN HUY THIỆP VÀ CỘNG SỰ
  Add: 11/B7 Khu Đầm Trấu, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
 Hotline: 0913.215.264
  Phone0243.984.3261 / 0243.984.3262 - Fax: 0243.984.3263
  Email: vietnam@luatsunguyenhuythiep.com 
  Website: http://luatsunguyenhuythiep.com
CÁC GIẢI THƯỞNG
LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI
ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
ĐĂNG KÝ HỦY BỎ
Copyright 2015 luatsunguyenhuythiep.com. ALL RIGHTS RESERVED. Thiết kế websiteSEO - Tất Thành