Ngày xét xử thứ ba vụ án “cố ý làm trái...” xảy ra tại Vinashin, đại diện VKS giữ quyền công tố trước tòa đã đọc lời luận tội đối với các bị cáo. Điều khá bất ngờ là đại diện VKS đã thay đổi tội danh với 1 bị cáo sang tội danh khác có khung hình phạt nhẹ hơn và tính lại thiệt hại của vụ án bằng cách loại bỏ toàn bộ thiệt hại do lãi vay cho các dự án.
Thay đổi quan điểm buộc tội
Trong phần luận tội của mình, VKS nhận định: Các bị cáo trong vụ án đều là những người có chức vụ, quyền hạn, được giao trọng trách quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, tài sản của Tập đoàn Vinashin và các DN thành viên của tập đoàn này nhưng đã có hành vi cố ý làm trái các quy định của pháp luật, trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại tài sản nghiêm trọng. Xét tổng thiệt hại chung của vụ án này, các bị cáo đã phạm vào trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
“Ngoài hậu quả thiệt hại về tiền, tài sản của Nhà nước đặc biệt lớn, hành vi phạm tội của các bị cáo còn làm đình trệ sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư nước ngoài đối với ngành công nghiệp tàu thủy VN; gây dư luận xấu, bất bình trong xã hội, ảnh hưởng đến đời sống hàng chục ngàn lao động...” - đại diện VKS khẳng định. Tại phần luận tội này, đại diện VKS đề nghị xem xét vụ án theo hướng không tính thiệt hại từ tiền lãi vay đối với toàn bộ vụ án.
Đối với vụ án mua tàu Hoa Sen, đại diện VKS cũng cho rằng không thể coi chi phí sửa chữa vết nứt của tàu là thiệt hại do các bị cáo gây ra như cáo buộc của cáo trạng vì đây là chi phí phát sinh không thể lường trước được, vì vậy cần loại bỏ. Tuy nhiên, đại diện VKS lại lấy số tiền tổng mức đầu tư trừ đi giá trị còn lại của con tàu theo thẩm định của Vinacontrol để cho rằng đó là thiệt hại của vụ án. Bằng cách tính như vậy, đại diện VKS đã nâng mức thiệt hại của vụ án mua tàu Hoa Sen lên 650 tỉ thay vì mức 470 tỉ đồng như cáo trạng nêu.
Trong vụ bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, đại diện VKS cũng cho rằng cần phải tính toán lại, trừ chi phí giá trị tài sản ban đầu, vốn đầu tư từ Cty VFC trừ tiền bán vỏ tàu, trừ tiền thiết bị còn lại và chiếc cần cẩu bị Vinacontrol bỏ sót thì thiệt hại của vụ án này còn 18,7 tỉ đồng (cáo trạng cáo buộc thiệt hại 27,32 tỉ).
Đối với hành vi của Nguyễn Tuấn Dương, VKS cho rằng trong vụ Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, bị cáo Dương không bàn bạc thỏa thuận với các bị cáo khác nên không phải đồng phạm trong vụ án “cố ý làm trái..” nên không phải chịu trách nhiệm trong số tiền do Nguyễn Văn Tuyên vay của Vinashin.
“Tuy nhiên, Dương có hành vi sử dụng 20 tỉ đồng vay của Vinashin để nhập máy móc, như vậy là có dấu hiệu sử dụng trái phép tài sản vì vậy cần truy tố Dương tội “sử dụng trái phép tài sản” - đại diện VKS tuyên bố.
Sau khi đánh giá hành vi của từng bị cáo, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX áp dụng khoản 3, Điều 165, BLHS về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tuyên phạt 8 bị cáo, mức án. Cụ thể Phạm Thanh Bình từ 19-20 năm tù; Trần Văn Liêm và Tô Nghiêm cùng mức từ 17-18 năm; Nguyễn Văn Tuyên 15-16 năm tù; Trịnh Thị Hậu 13-14 năm; Hoàng Gia Hiệp 12-13 năm tù; Trần Quang Vũ và Đỗ Đình Côn cùng mức án 11-12 năm tù.
Riêng Nguyễn Tuấn Dương, do đã được thay đổi tội danh từ “cố ý làm trái...” sang tội danh có mức án nhẹ hơn là tội “sử dụng trái phép tài sản” nên đã được đề nghị mức án 3-4 năm tù theo quy định của điều luật.
Không ai đòi bồi thường
Tại phần tranh luận về vụ án, toàn bộ các bị cáo cũng như luật sư bào chữa đều cho rằng các bị cáo không phạm vào tội “cố ý làm trái...”. Các luật sư (LS) cho rằng một dấu hiệu bắt buộc của tội này là chủ thể của hành vi phạm tội phải biết trước hành vi của mình là sai, là gây hậu quả nhưng vẫn cố ý thực hiện. Nhiều LS cho rằng cái sai trong vụ án này đó là sai về việc nhận định tình hình kinh doanh của các bị cáo - doanh nhân dẫn đến thua lỗ, dẫn đến dự án không được phê duyệt.
Một vấn đề nữa được các LS đưa ra là việc xác định thiệt hại của vụ án. Theo quan điểm của các LS thì một trong những yếu tố quan trọng là nguyên đơn dân sự phải có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do những hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo gây ra.
“Trong vụ án này đã không xác định được nguyên đơn dân sự và cũng không có đơn vị nào yêu cầu đòi bồi thường, các hợp đồng vay nợ chưa được quyết toán, các bên vay, nợ nhau đều nhận nợ và cam kết trả nợ nên chưa thể nói có thiệt hại xảy ra. Ngay tại tòa, ông Đỗ Dũng (đại diện Công ty Viễn Dương) cũng khẳng định không yêu cầu bồi thường, khi người bị thiệt hại không yêu cầu mà vẫn đem ra xét xử như vậy là vi phạm tố tụng”- một luật sư phát biểu.
LS Trương Anh Tú, LS Bùi Văn Thấm, LS Nguyễn Huy Thiệp và nhiều LS khác đều cho rằng việc tính thiệt hại của vụ án đều xuất phát từ hợp đồng dân sự giữa CQANĐT với Vinacontrol và cách tính này của Vinacontrol là không chính xác và không có cơ sở pháp lý. “Chỉ riêng việc đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã bỏ cách tính lãi ra cho thấy kết quả giám định của Vinacontrol là không đủ căn cứ”. LS Nguyễn Huy Thiệp nêu quan điểm bào chữa.
Hôm nay (30.3), HĐXX tiếp tục phần tranh tụng và dự kiến có kết luận về vụ án.
Theo báo Lao động, ngày 30/03/2012