“Họ cho rằng có người bào chữa tham gia chỉ gây rối, khó khăn cho cơ quan tố tụng khi giải quyết các vụ án hình sự; thậm chí còn nghĩ luật sư vào chỉ để “chạy án” là chủ yếu”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp bức xúc.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: P.V. Ngày 6/10, “nỗi niềm” này của vị luật sư nhiều năm kinh nghiệm Nguyễn Huy Thiệp nhận được sự tán thành 100% của các luật sư tham gia hội thảo “Hoạt động luật sư trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự” tổ chức tại Hà Nội.
Theo ông Thiệp, thực trạng trên đã khiến các cơ quan tố tụng coi nhẹ vai trò của người bào chữa, e dè, cảnh giác khi nghe ý kiến, thậm chí còn cố tình gây khó khăn không cần thiết cho hoạt động hành nghề của người bào chữa.
“Nỗi khổ” khi làm thủ tục gặp thân chủ trong trại tạm giam, tham dự các buổi lấy cung với điều tra viên được ông Thiệp chia sẻ tại hội thảo. “Khi nhận bào chữa cho Tôn Anh Dũng (Dũng “Huế” tại vụ PMU 18), chúng tôi lần mò khắp các trại, hỏi thân chủ ở đâu. Rồi việc xin gặp cũng gian nan, tôi cử hẳn một chánh văn phòng hôm nào cũng gọi điện thoại cho điều tra viên hỏi khi nào gặp Dũng “Huế” để luật sư đi cùng. Các anh đều bảo hôm nay không đi, nhưng thực tế không phải vậy. Cả quá trình tham gia bảo vệ cho Dũng “Huế” tôi chỉ được gặp duy nhất một lần”, ông Thiệp nói.
Nhiều luật sư cùng cho biết, “nỗi khổ” của ông Thiệp cũng là tình huống họ vẫn thường gặp. Việc này không chỉ diễn ra khi làm việc với cơ quan điều tra mà còn ở viện kiểm sát, hay tòa án. “Có tòa bảo luật sư muốn photo tài liệu phải tự mang thiết bị đến. Thực tế có luật sư đã mang hẳn một máy photocopy mini đến, nhưng tòa bảo không có điện để cho dùng”, luật sư Nguyễn Văn Chiến nêu ví dụ. “Việc cản trở luật sư hành nghề cũng là vi phạm luật tố tụng, cần có chế tài xử lý”.
Đại diện cơ quan tố tụng như VKNSD Tối cao, VKS và Tòa án Hà Nội đã tham dự, lắng nghe, tranh luận mang tính xây dựng… tuy nhiên cơ quan công an đã không có mặt theo lời mời của Đoàn luật sư Hà Nội. Trong khi những bức xúc nhất của giới luật sư lại tập trung vào mối quan hệ với cơ quan điều tra.
Ông Đặng Quang Phương (Phó chánh án thường trực TAND Tối cao) gợi ý, bị cơ quan tố tụng nào “làm khó”, luật sư cần có đơn khiếu nại, yêu cầu đơn vị đó làm đúng các quy định của pháp luật. Khi nhiều người cùng lên tiếng, tòa án tối cao sẽ có cơ sở để xem xét, xử lý.
Ông Hoàng Ngọc Cẩn (VKSND Hà Nội) cũng cho biết, VKS chưa bao giờ nhận được văn bản của các luật sư gửi tới, nêu những khó khăn khi làm việc với một số kiểm sát viên. Ông tham mưu, các luật sư cần gửi đơn kèm theo tài liệu, chứng cứ gửi tới các cơ quan tố tụng (công an, VKS, tòa án).
Tuy nhiên, nguyên nhân “im lặng” của giới luật sư, được luật sư Trần Vũ Hải chia sẻ, là do tâm lý cả nể, sợ làm căng quá gây bất lợi cho thân chủ của mình. Một lý do khác, theo luật sư Chiến, còn vì: “Mọi trao đổi chủ yếu bằng miệng, không có văn bản nên không có cơ sở để khiếu nại”.
Tròn một năm trước, trước những bức xúc trên của giới luật sư đã được Đoàn luật sư Hà Nội đã gửi đơn khiến nghị tới Ban Nội chính Trung ương để “tố khổ”. Và hôm nay, vấn đề này vẫn còn mang tính thời sự, tiếp tục được các luật sư nêu ra, mong tìm hướng giải quyết.
Theo VnExpress, 7/10/2007