Hôm nay, 24/10, TAND TP HCM tiếp tục mở phiên toà phúc thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank - sau đổi thành ngân hàng VNCB và nay là ngân hàng CB).
Liên quan đến số tiền mà phía ngân hàng CB yêu cầu Phương Trang Hoàn trả, đại diện CB cho biết, trong tất cả các hồ sơ liên quan đến những khoản vay mà phía CB đã giải ngân cho Phương Trang thể hiện đều đúng quy định pháp luật.
Theo đó, CB cho rằng, các khoản vay này không phải là các khoản vay khống và thực tế Phương Trang đẫ được giải ngân nên Phương Trang phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho CB.
Đồng thời, đại diện CB cũng khẳng định, CB không có trách nhiệm cũng như quyền hạn để kiểm soát, gíam sát những khoản tiền mà CB đã hoàn tất giải ngân xong cho khách hàng.
Cụ thể, việc khách hàng sử dụng vốn đó như thế nào, có bị ai chiếm đoạt hay không đều không thuộc trách nhiệm của ngân hàng.
Thể hiện trong hồ sơ, công ty CP Phương Trang thông qua các khoản vay tại Đại Tín, mặc dù giấy tờ kế toán thể hiện là hơn 16.400 tỉ đồng và 36 khoản tín dụng đã được tất toán 32 tỉ đồng. Sau đó, còn dư nợ lãi hơn 16.500 tỉ đồng và dư nợ gốc hơn 9.400 tỉ đồng, nhưng nhóm Phương Trang chỉ thực nhận hơn 3.936 tỉ đồng.
Theo đó, khi được luật sư của bà Phấn hỏi về số tiền mà CB yêu cầu Phương Trang hoàn trả, đại diện CB xác định, CB vẫn giữ nguyên quan điểm, yêu cầu Phương Trang hoàn trả lại số tiền dư nợ gốc hơn 9.400 tỉ đồng (tương đương với 46 khoản vay, 1 khoản phát hành trái phiếu).
Đối với tài sản thế chấp đứng tên nhóm Phương Trang và Phú Mỹ, CB xác định toàn bộ hồ sơ thế chấp được ký tại văn phòng công chứng và đều đăng ký giao dịch bảo đảm. Đồng thời, CB khẳng định, CB hoàn toàn không nhận được bất kỳ khiếu nại gì về việc vay tiền, chỉ đến khi ngân hàng Nhà nước vào thanh tra thì mới phát sinh khiếu nại.
Liên quan đến khoản tiền 2.000 tỉ đồng mà Ngân hàng Đại Tín đã cho Phương Trang vay để sử dụng vào mục đích mua trái phiếu Trường Vỹ, đại diện CB cho biết, toàn bộ số tiền này đã được giải ngân bằng chuyển khoản cho Phương Trang. Tất cả hồ sơ mà Ngân hàng Đại Tín sau khi tái cơ cấu và chuyển cho CB, CB vẫn lưu giữ đầy đủ và bảo quản.
Đáp trả lại CB, Phương Trang khẳng định, đơn vị này chưa nhận được bất kì một đồng nào trong số tiền này.
Tuy nhiên, sau đó luật sư hỏi về hai công văn vào tháng 3/2012 và một công văn vào tháng 5/2012 của công ty Phương Trang. Trong các công văn này thể hiện nội dung, xác nhận Phương Trang đã nhận 132,8 tỉ và đã đóng khoản lãi liên quan Hợp đồng mua bán trái phiếu doanh nghiệp là 488 tỉ đồng. Về vấn đề này, Phương Trang cho rằng, nội dung đã làm rõ trong phiên toà sơ thẩm.
Cụ thể, trong phiên toà sơ thẩm hồi tháng 5/2018, luật sư bảo vệ quyền lợi hợp hợp pháp cho Phương Trang đã trình bày, theo yêu cầu và hướng dẫn của Ngân hàng Đại Tín để giải quyết nhanh và kịp thời cho việc giải ngân tiền bán trái phiếu, các Công ty và cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh với Công ty Phương Trang đã phải ký trước các chứng từ (Uỷ nhiệm chi, Séc tiền mặt, Phiếu lĩnh tiền mặt, Bảng kê tiền…) giao trước cho NH Đại Tín.
Tuy nhiên, Ngân hàng Đại Tín – Chi nhánh Sài Gòn đã không chuyển 2.000 tỉ đồng cho Công ty Trường Vĩ như hợp đồng đã ký. Các nhân viên Ngân hàng Đại Tín theo chỉ đạo của bị cáo Hứa Thị Phấn thông qua bị cáo Bùi Thị Kim Loan, bằng phương thức hoạch toán thu chi khống; dùng các các chứng từ ký trước, giao trước để hợp thức hóa hồ sơ, hoàn thành hồ sơ việc chuyển khống 2.000 tỉ đồng tiền mua trái phiếu, nhưng phía Phương Trang không nhận được số tiền này.
Theo Đời sống và pháp lý, ngày 24/10/2018