HĐXX nhận định: Đối với hành vi kinh doanh trái phép của bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Thời điểm xảy ra vụ án, nhà nước luôn khuyến khích các hành vi kinh doanh.
Tuy nhiên pháp luật bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh phải đăng ký kinh doanh. Mọi trường hợp kinh doanh không đăng ký là kinh doanh trái phép.
Bị cáo Kiên và người bào chữa cho rằng hoạt động kinh doanh là theo Luật đầu tư, Luật Chứng khoán… nhưng HĐXX xét thấy 6 công ty của Bầu Kiên không đăng ký mã ngành kinh doanh tài chính.
Công Ty Thiên Nam của Bầu Kiên không đăng ký mã ngành 46624 là mã ngành buôn bán vàng bạc…
HĐXX xác định sau khi thành lập, các công ty của bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã tiến hành nhiều hoạt động đầu tư tài chính. HĐXX xác định rõ đâu là hành vi đầu tư trực tiếp, đâu là đầu tư gián tiếp.
Cụ thể, các công ty của bị cáo Kiên gồm công ty B&B, công ty AFG, công ty ACBI, ACI và ACI-HN đã phát hành trái phiếu, dùng tiền thu được mua cổ phiếu của các ngân hàng, góp vốn vào các doanh nghiệp khác…
Án sơ thẩm buộc tội Bầu Kiên kinh doanh trái phép là đúng
Đối chiếu các quy định, HĐXX xét thấy trước khi tiến hành hoạt động đầu tư trực tiếp,các công ty của Bầu Kiên phải tiến hành đăng ký đầu tư.
Tại tòa bị cáo Kiên khai nhận công ty không đăng ký đầu tư tài chính. Có thể khẳng định hoạt động đầu tư của các công ty là đầu tư trái phép.
Xét thấy Công ty ACI HN là công ty TNHH, không được phát hành trái phiếu riêng lẻ. Kháng cáo của Bầu Kiên và người liên quan cho rằng các công ty trên đây không kinh doanh chứng khoán là không đúng.
Về hành vi kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam: Tại tòa, bị cáo Kiên và Lý Xuân Hải nói chỉ kinh doanh giá vàng, là sản phẩm tài chính phái sinh từ việc kinh doanh vàng. Việc mua bán phái sinh này không phải là kinh doanh vàng. Các bị cáo khai như vậy là không đúng.
HĐXX xét thấy Công ty Thiên Nam đã mua bán vàng trên tài khoản nước ngoài. Việc kinh doanh này không có trong giấy phép kinh doanh là hành vi kinh doanh trái phép.
Theo HĐXX,Nguyễn Đức Kiên là người thành lập 6 công ty,là người chỉ đạo hoạt động tại các công ty này.
Sau khi thành lập, các công ty của bị cáo Kiên không đăng ký kinh doanh tài chính, kinh doanh vàng trạng thái. Việc làm này của Nguyễn Đức Kiên là phạm vào tội kinh doanh trái phép.
Tòa cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất vụ án, quyết định hình phạt 20 tháng tù đối với bị cáo là có có sở.
Về việc lừa đảo bán 20 triệu cổ phần cho tập đoàn Hòa Phát khi đang thế chấp tại ACB, HĐXX cho rằng Công ty ACBI đã cam kết 20 triệu cổ phần này không làm nghĩa vụ thanh toán đảm bảo ở bất cứ đâu, trong khi số cổ phần này đã thế chấp cho ACBS.
Việc làm này là gian dối, kể cả việc Hòa Phát cóbiết hay không số cổ phần này đã thế chấp.
Số tiền 264 tỉ đồng do Hòa Phát chuyển, công ty ACBI đã dùng vào việc riêng. Việc làm của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã cấu thành tội lừa đảo như án sơ thẩm đã tuyên. Bị cáo không oan.
HĐXX xét thấy hành vi lừa đảo của các bị cáo là đặc biệt ngiêm trọng, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn. Mặc dù hậu quả đã được khắc phục nhưng hình phạt án sơ thẩm là tương xứng với mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Phạt 6 năm 6 tháng tù vì trốn thuế là có cơ sở
Lời khai của Nguyễn Đức Kiên, Đặng Ngọc Lan và Nguyễn Thúy Hương thể hiện đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 19 giữa B&B và Nguyễn Thúy Hương năm 2009.
HĐXX cũng có đủ cơ sở xác định B&B đã sử dụng chứng từ không hợp pháp giữa B&B với bà Hương để kê khai thuế, dẫn đến việc làm sai lệch kết quả thuế.
Hành vi của Nguyễn Đức Kiên đã dùng chứng từ không hợp pháp để kê khai, trốn thuế 25 tỷ đồng. Tòa sơ thẩm xử bị cáo 6 năm 6 tháng tù là tương xứng.
Tuy nhiên cần xem xét lại số tiền phạt bổ sung với bị cáo so với số tiền thuế đã trốn.
ACB đem tiền đi gửi ngân hàng khác là trái luật
Về hành vi ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền: Đến nay số tiền 718 tỉ đồng gửi vào Vietinbank đã bị chiếm đoạt, chưa thu hồi được.
Tại tòa các bị cáo cho rằng việc ủy thác là không trái luật, hành vi không gây hậu quả, số tiền 718 tỷ đang được Vietinbank quản lý, ACB không yêu cầu các bị cáo bồi thường...
Tuy nhiên theo HĐXX nhận thấy, Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 (sửa đổi bổ sung năm 2004) quy định Ngân hàng là tổ chức tín dụng, kinh doanh tiền tệ, thường xuyên nhận tiền gửi, cấp tín dụng… Ngân hàng thương mại không có chức năng gửi tiền vào ngân hàng khác.
Việc thường trực HĐQT ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào ngân hàng khác là trái luật.
Chức danh của các bị cáo đã được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn. Các bị cáo phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông và trước pháp luật.
Tài liệu có trong hồ sơ thể hiện ông Trần Xuân Giá (Chủ tịch HĐQT ACB) khai Kiên đã đề xuất thành lập hội đồng sáng lập. Hội đồng sáng lập tạo ra những ảnh hưởng trong việc tạo ra các nghị quyết của HĐQT.
Các bị cáo khác đều khai những nội dung thống nhất từ năm 2008, các chủ trương lớn tại ACB đều do ông Nguyễn Đức Kiên quyết định, chưa người nào dám làm trái ý kiến của ông Kiên.
Các chứng cứ trên đây chứng tỏ lời nói của ông Kiên tại cuộc họp HĐQT của ACB đã chi phối chủ trương ủy thác gửi tiền, Nguyễn Đức Kiên phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái này.
Phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao tại Hà Nội đã tiến hành trong 10 ngày qua
Nguyễn Đức Kiên (Nguyên phó chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Á Châu -ACB) kêu oan đối với phán quyết 30 năm tù mà TAND TP Hà Nội đã xét xử bị cáo về các tội lừa đảo, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái và trốn thuế.
5 đồng phạm của Bầu Kiên trong vụ án này cũng là các cựu lãnh đạo ngân hàng ACB bị xét xử về hành vi cố ý làm trái cũng có kháng cáo.
Trong đó, Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB) kêu oan.
Còn 4 người: LêVũ Kỳ, Trịnh Kim Quang,Phạm Trung Cang (cùng nguyên là các phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB) và Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên HĐQT ngân hàng ACB) xin giảm án và xin được hưởng án treo.
Trước đó tại cấp sơ thẩm, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Lý Xuân Hải 8năm tù,Lê Vũ Kỳ 6 năm tù, Tịnh Kim Quang 4 năm, Phạm Trung Cang 3 năm và Huỳnh Quang Tuấn 2 năm tù.
Theo Tuổi trẻ, ngày 15/12/2014