Cựu đại tá Phùng Anh Lê bị đề nghị mức án cao nhất trong vụ án do "vì động cơ lợi ích cá nhân và lạm quyền" đã nhận tiền hối lộ để thả nghi phạm trái pháp luật.
Chiều 13/8, sau hơn một ngày xét hỏi, VKSND Hà Nội công bố bản luận tội và đề nghị mức án trong vụ "chạy án", tha người trái pháp luật, liên quan cựu Trưởng công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê cùng ba cựu công an dưới quyền.
VKS nhận định bị cáo Lê chưa thực sự thành khẩn. Do là "chủ mưu" và hưởng lợi cá nhân 110 triệu đồng, cơ quan công tố, đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu trưởng Công an quận Tây Hồ mức án 9-10 năm tù về tội Nhận hối lộ, cao nhất trong 4 bị cáo.
Trong ba cựu công an là cấp dưới của ông Lê tại Công an quận Tây Hồ, bị cáo Vũ Công Ngọc, cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự và Lê Đình Trung, cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cùng bị đề nghị mức án 8-10 tháng tù treo. Riêng bị cáo Nguyễn Đức Châu, cựu Đội trưởng Cảnh sát hình sự, được VKS đề nghị mức án bằng thời gian tạm giữ, 10 tháng 27 ngày, đề nghị HĐXX trả tự do ngay tại tòa.
Cả ba đều bị truy tố vì tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù, theo Điều 378, Bộ luật Hình sự.
Bản luận tội nêu, 4 bị cáo là những người có nhận thức pháp luật đầy đủ, có nhiều năm công tác rèn luyện trong lực lượng vũ trang nhân dân, đều giữ các vị trí lãnh đạo, đảm nhiệm trọng trách chỉ đạo điều hành. "Hơn ai hết, họ đều hiểu các nguyên tắc giải quyết vụ án phải đảm bảo vô tư chính trực, tuân thủ tuyệt đối, quy định pháp luật hình sự trong giai đoạn từ tạm giữ tạm giam đến điều tra truy tố xét xử và tuyên án", bản luận tội nêu.
Đại diện VKSND Hà Nội công bố bản luận tội, chiều 13/8. Ảnh: Danh Lam
Trong phần xét hỏi kéo dài hơn một ngày, ông Lê là người duy nhất phản đối phần lớn cáo buộc. Ông nói không nhận 110 triệu đồng của người nhà bị can Nguyễn Hữu Tài, đang bị tạm giữ, không chỉ đạo cấp dưới thả Tài trái quy định.
Ông Lê khai quyết định tạm giữ duy nhất mình ký ngày 22/9/2016, là một bị can bị bắt truy nã. Ông "không nhớ, không biết" có ai khác tên Tài được Công an Tây Hồ tiếp nhận cùng hôm đó.
Theo ông, việc ba cấp dưới khai phải làm theo chỉ đạo của "sếp" Lê để thả Tài là không có căn cứ, mà chỉ xuất phát từ "tư thù, cay cú cá nhân.
Song trong phần đối chất hôm qua và sáng nay, những người này đều phủ nhận không có "tư thù", không vu khống cho sếp cũ.
Bị cáo Vũ Công Ngọc, cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự quận Tây Hồ, khai Tài bị tạm giữ do thấy có dấu hiệu phạm tội rõ ràng. Nhưng sau đó, Ngọc bị ông Lê gọi lên tận phòng riêng để "mắng", yêu cầu làm thủ tục thả về.
Cán bộ phụ trách nhà tạm giữ, bị cáo Lê Đình Trung, cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, cũng thừa nhận "buộc phải thả người" theo chỉ đạo miệng của ông Lê qua điện thoại, dù không có quyết định hủy bỏ tạm giữ như quy trình.
Hai người này đều khai, nhận thức được việc thả người này "có vấn đề", nhưng không thể làm trái lời ông Lê.
Bị cáo Phùng Anh Lê tại tòa ngày 13/8. Ảnh: Danh Lam
Hai nhân chứng quan trọng được HĐXX triệu tập, gồm ông Phùng Văn Bảy, chú họ của bị cáo Lê và vợ của Tài (bên đưa tiền hối lộ) đều khai phù hợp với cáo trạng. Theo đó, vợ Tài đưa 110 triệu đồng cho ông Bảy để chuyển cho ông Lê tại trụ sở Công an quận Tây Hồ, khoảng 22h30' ngày 22/9/2016. Khoảng hai tiếng sau khi ông Lê nhận tiền, Tài được thả.
Sau khi thả Tài, Ngọc cùng bị cáo Nguyễn Đức Châu làm báo cáo đề xuất tiếp tục xác minh làm rõ vi phạm của Tài và đồng phạm. Song ông Lê không duyệt, nói sẽ cho đôi bên hòa giải rút đơn.
Vài ngày sau, tại trụ sở Công an quận Tây Hồ, Tài gặp và trả 15 triệu đồng bồi thường cho người bị Tài đuổi đánh. 110 triệu đồng nhận của vợ Tài, thực chất không được ông Lê dùng để hòa giải, bồi thường. Hồ sơ ban đầu về vụ việc của Tài cũng "mất tích", không được đăng ký thụ lý, không được theo dõi trong hệ thống sổ sách của Công an quận Tây Hồ, nhà chức trách nêu.
Ba bị cáo Châu, Ngọc và Trung, do đó bị cáo buôc biết rõ việc tha cho Tài là trái pháp luật nhưng không báo cáo sự việc lên cấp trên có thẩm quyền, cũng không báo cho VKSND quận Tây Hồ biết để kiểm sát.
Vụ án được xác định khởi nguồn từ tháng 9/2016, Nguyễn Hữu Tài đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt, đánh một người nợ tiền. Khi xác minh, điều tra viên đội hình sự thấy Tài có dấu hiệu của nhiều hành vi phạm tội khác nên đề xuất tạm giữ để điều tra.
Tài bị tạm giữ 4 ngày nhưng người thân của anh ta tìm gặp ông Bảy nhờ giúp đỡ. Ông Bảy đặt vấn đề và được ông Lê đồng ý thả Tài với điều kiện "nộp" 110 triệu đồng. Tối 22/9/2016, ông Bảy tới phòng làm việc của ông Lê, giao tiền.
Nhận tiền xong, ông Lê yêu cầu cấp dưới thả Tài. Khoảng 0h ngày 23/9/2016, Tài được về nhà sau chưa đầy một ngày bị tạm giữ.
Những ngày sau, cán bộ đội hình sự nhiều lần đề xuất, xin ý kiến ông Lê tiếp tục xác minh. Tuy nhiên, ông Lê không đồng ý cho làm, nhiều cán bộ cũng bị "gạt" ra khỏi sự việc.
Ngày 22/1/2021, Công an Hà Nội lật lại hồ sơ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Tài cùng đồng bọn về tội Cướp tài sản. Sai phạm của ông Lê cùng thuộc cấp được làm sáng tỏ.
Ngày 29/4/2021,Nguyễn Hữu Tài bị TAND Hà Nội phạt 2 năm tù về tội Cướp tài sản,do đánh con nợ, ép trả 4 triệu đồng. Bốn đồng phạm của Tài bị phạt 15 tháng tù treo đến 20 tháng tù.
Theo VnExpress