Cựu đại tá Phùng Anh Lê khẳng định luôn công tâm, 'lấy danh dự ba đời làm công an' để phủ nhận cáo buộc nhận hối lộ, nếu bị kết tội sẽ 'kêu oan đến chết'.
Gần 22h ngày 13/8, trong ngày thứ hai xét xử vụ án nhận hối lộ để thả người trái pháp luật, liên quan bốn cựu công an quận Tây Hồ, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghỉ nghị án.
Trong 22 phút trình bày, bị cáo Phùng Anh Lê, cựu trưởng công an quận Tây Hồ, cựu trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội, nhiều lần phủ nhận toàn bộ cáo buộc của VKSND Tối cao.
"Nhà tôi 3 đời làm công an, từ bố tôi, em gái tôi, đến tôi, con tôi, các cháu tôi, nhưng có thể nói chỉ có tôi làm đến chức vụ cao nhất dòng họ. Tôi thấy tự hào và vinh dự khi được giao trọng trách nên luôn công tâm, đặt nguyên tắc lên đầu", ông Lê nói và cho biết suốt 37 năm công tác, đã nhận 78 bằng khen các loại từ Thủ tướng đến các Bộ trưởng, UBND và thành ủy Hà Nội.
"Với thành tích và sự phấn đấu miệt mài, gia đình giàu truyền thống như vậy, tôi thề không bao giờ đánh đổi những giá trị to lớn ấy để lấy 110 triệu đồng. Tôi thề trước vong linh bố tôi và danh dự gia đình, mạng sống người thân, để đảm bảo tôi vô tội", ông Lê kết thúc bằng việc khẳng định sẽ "kêu oan đến chết".
Bị cáo Vũ Công Ngọc, cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự quận Tây Hồ xin HĐXX xét yếu tố buộc phải làm theo lệnh chỉ huy là ông Lê và không được hưởng lợi.
"Vợ tôi sinh con ngày 18/9, chỉ trước sự việc 4 ngày. Tôi hoàn toàn có thể xin nghỉ chăm sóc. Nhưng vì mỗi vụ án chưa giải quyết, với tôi là một món nợ, nên vẫn đi tìm gặp và thuyết phục bị can Tài đi đầu thú. Nhưng sự việc diễn ra quá nhanh. Tôi không bao giờ ngờ chỉ vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ làm theo lệnh thủ trưởng mà cuộc đời tôi thay đổi. Nếu hôm đó nghỉ chăm vợ sinh, tôi đã không vướng lao lý", bị cáo Ngọc nói.
Phùng Anh Lê nói chú họ "nghiện cờ bạc, vu khống, bị VKS mớm cung"
Trong gần bảy giờ tranh luận, bị cáo Phùng Anh Lê và 7 luật sư cho rằng, cơ quan công tố cáo buộc ông Lê nhận hối lộ, song không có bằng chứng vật chất mà chỉ dựa hoàn toàn vào lời khai của ông Phùng Văn Bảy, chú họ của bị cáo. Trong vụ án, ông Bảy được xác định là "cầu nối" đưa tiền hối lộ của gia đình bị can Tài cho bị cáo Lê.
Bào chữa cho ông Lê, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, việc thân chủ nhận tiền hay không, ngoài lời khai của ông Bảy, không có gì làm chứng. Ngoài ra, trong quá trình lấy lời khai, luật sư nêu, ông Bảy có 14 lời khai "không lần nào giống lần nào".
"Lúc thì ông Bảy nói để tiền trên bàn, lúc nói để trên giường, lúc thì nói trong phòng có người, lúc nói không có ai", luật sư dẫn. "Số tiền vợ bị can Tài đưa cũng không thống nhất, lúc bảo 103 triệu, lúc bảo 120 triệu, lúc bảo bố mẹ cho, lúc bảo vay bạn bè. Chính chị này cũng không nhớ chuẩn xác ai cho mình vay bao nhiêu, bạn bè lúc bảo có cho vay lúc bảo không cho vay", luật sư cho rằng lời khai của các nhân chứng đều "hàm chứa rất nhiều mâu thuẫn".
"Lời khai của những người liên quan đã khác nhau rồi thì lấy đâu ra đảm bảo là ai nhận tiền, nhận bao nhiêu tiền để buộc tội thân chủ tôi", luật sư Thiệp nói.
Bị cáo Phùng Anh Lê tại tòa. Ảnh: Danh Lam
Tiếp lời các luật sư, ông Lê có phần tự bào chữa kéo dài gần hai giờ, trong đó, ông đặt câu hỏi lớn nhất về "tư cách làm chứng" của ông Bảy. Ông Lê cho rằng ông Bảy là "tay cờ bạc chuyên nghiệp", thường xuyên vay tiền, nhờ mình nhiều việc từ làm ăn đến "rắc rối pháp luật".
"Lần nào vay tiền, hay nhờ vả tôi, ông Bảy cũng nói là xin cháu giúp chú lần cuối, bao nhiêu lần cuối", ông Lê cho rằng chú họ thực chất mượn danh nghĩa mình để đòi tiền "chạy án", sau đó mang trả nợ cá nhân.
"Sau này gặp lại, khi biết tôi bị điều tra vụ việc, ông Bảy còn chủ động viết thư tay xin lỗi vì đã làm liên lụy đến tôi", bị cáo Lê nói và đề nghị tư cách làm nhân chứng của chú họ mình.
"Hôm nay, nói một cách tâm linh, tôi lấy tính mạng mẹ tôi, người tôi yêu quý nhất để thề không cầm một đồng từ ông Bảy. Thế ông Bảy có dám lấy tính mạng bố mẹ ông ấy ra để thề không?", bị cáo Lê quay ra hỏi ông Bảy ở hàng ghế nhân chứng. Song chủ tọa Trần Nam Hà ngắt lời, yêu cầu bị cáo tập trung nội dung bào chữa mà "không thề thốt ở phiên tòa, chỉ đưa ra bằng chứng, luận điểm".
"Tòa không xét xử dựa vào chứng cứ tâm linh", chủ toạ nói.
Bị cáo Lê sau đó cho rằng VKS đã "mớm cung, điều khiển" ông Bảy khai theo hướng bất lợi cho mình. "VKS chỉ buộc tội tôi bằng lời khai, nhưng tại sao người khác khai thì VKS công nhận, còn tôi khai thì lại không. VKS chỉ biết gọt gót chân cho vừa giày, chỉ chọn đưa vào cáo trạng những lời khai bất lợi cho tôi", cựu trưởng Công an quận Tây Hồ tranh luận.
VKS: 'Chỉ truy tố bị cáo Phùng Anh Lê một tội danh, do xét tính nhân đạo'
Đối đáp phần trình bày của các luật sư và bị cáo trong gần 3 giờ, công tố viên nêu 13 luận điểm, khẳng định "không buộc tội ông Lê chỉ dựa trên lời khai của một mình ông Bảy" mà còn dựa vào lời khai của ba bị cáo còn lại, cấp dưới của Lê, của nhóm người đưa tiền và phù hợp logic diễn biến sự việc.
"Ông Bảy muốn giúp, còn người nhà bị can muốn được thả người. Ông Bảy đưa tiền, Lê gọi điện cho thuộc cấp và Tài được thả ngay sau đó", đại diện VKS nêu.
Về việc lời khai của ông Bảy có sự khác nhau, VKS cho biết, vụ án diễn ra cách nay 6 năm, việc nhân chứng quên chi tiết không thay đổi bản chất sự việc rằng "ngày đó, khoảng thời gian đó, ông Bảy có bước vào phòng làm việc của ông Lê để gặp và đưa tiền".
Vị trí kết cấu, đồ đạc trong phòng làm việc của ông Lê có thể thay đổi trong trí nhớ ông Bảy, song không ảnh hưởng bản chất việc đưa tiền. Việc thực nghiệm đã được thực hiện khách quan, đúng quy định và có giá trị pháp lý, nhà chức trách nêu.
Trong vụ án, ông Lê bị cáo buộc là chủ mưu là có căn cứ, do trực tiếp chỉ đạo thuộc cấp tha người trái luật. VKS cho rằng hành vi này đã rất rõ ràng song ông Lê còn "vì động cơ vụ lợi" để nhận lợi ích vật chất nên đã đủ yếu tố cấu thành thêm tội Nhận hối lộ. "Song xét khía cạnh nhân đạo của luật pháp, cơ quan công tố chỉ truy tố ông Lê một tội", kiểm sát viên nêu.
Sau sáu lượt đối đáp, cả cơ quan công tố và phía luật sư, bị cáo đều giữ nguyên quan điểm ban đầu. HĐXX tuyên bố dừng phần tranh luận. Tòa sẽ tuyên án trưa nay, 14/8.
Đại điện VKSND Hà Nội công bố bản luận tội, chiều 13/8. Ảnh: Danh Lam
Vụ án được xác định khởi nguồn từ tháng 9/2016 khi Nguyễn Hữu Tài đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt, đánh một người nợ tiền. Khi xác minh, điều tra viên đội hình sự thấy Tài có dấu hiệu của nhiều hành vi phạm tội khác nên đề xuất tạm giữ để điều tra.
Tài bị tạm giữ 4 ngày nhưng người thân của anh ta tìm gặp ông Bảy nhờ giúp đỡ. Ông Bảy đặt vấn đề và được Phùng Anh Lê ra điều kiện "nộp" 110 triệu đồng. Tối 22/9/2016, ông Bảy tới phòng làm việc của ông Lê, giao tiền.
Nhận tiền xong, ông Lê yêu cầu cấp dưới thả Tài. Khoảng 0h ngày 23/9/2016, Tài được về nhà sau chưa đầy một ngày bị tạm giữ. Những ngày sau, cán bộ đội hình sự nhiều lần đề xuất, xin ý kiến ông Lê tiếp tục xác minh. Tuy nhiên, ông Lê không đồng ý cho làm, nhiều cán bộ cũng bị "gạt" ra khỏi sự việc.
Ngày 22/1/2021, Công an Hà Nội lật lại hồ sơ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Tài cùng đồng bọn về tội Cướp tài sản. Sai phạm của ông Lê cùng thuộc cấp được làm sáng tỏ.
Theo VnExpress