Đại diện VKS xác nhận các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Anh Minh đã nộp số tiền khắc phục trước phiên tòa.
Chiều nay 15/1, đại diện VKS tiếp tục trình bày phần đối đáp và cho biết, các bị cáo trong vụ án tham gia vào một phần hay toàn bộ quá trình vụ án.
Theo đại diện VKS, tại phiên tòa, một số bị cáo cho rằng, các hành vi sai phạm của các bị cáo xảy ra trong quá khứ cần phải xét bối cảnh vụ việc và dẫn đến cách hiểu là mọi việc đã xảy ra đều bị đưa ra xem xét, xử lý. Có vấn đề gì ở đây không?
Đại diện VKS khẳng định, qua các tài liệu chứng cứ đã thu thập và qua thẩm vấn tại tòa thì hậu quả mà các bị cáo gây ra đã và đang xảy ra những hệ lụy được đề cập trong phần luận tội của VKS. Thiệt hại cho đến nay chưa được khắc phục.
Do vậy việc xem xét, truy tố các bị cáo là hoàn toàn cần thiết, khách quan, công bằng, đúng pháp luật
Qua tranh luận công khai tại phiên tòa, VKS có quan điểm như sau: Bùi Mạnh Hiển, Nguyển Lý Hải và Phạm Tiến Đạt có thêm tình tiết giảm nhẹ vì tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.
Đối với bị cáo Bùi Mạnh Hiển, Lương Văn Hòa, Phạm Tiến Đạt có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đặc biệt là thái độ tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để góp phần giải quyết sớm vụ án. Bị cáo Bùi Mạnh Hiển phải chịu trách nhiệm về số tiền 2,7 tỷ đồng trong tổng số tiền trên 13 tỷ đồng mà các bị cáo đã chiếm đoạt trong tội tham ô tài sản.
Bị cáo Lê Đình Mậu phạm tội với vai trò có mức độ nhẹ, do đó, VKS đề nghị HĐXX giảm hình phạt cho bị cáo Mậu và 5 bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, Bùi Mạnh Hiển, Lương Văn Hòa, Phạm Tiến Đạt, Nguyển Lý Hải so với mức VKS đã đề nghị.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị các bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, Lê Đình Mậu, Bùi Mạnh Hiển, Phạm Tiến Đạt không liên đới bồi thường số tiền thiệt hại 119 tỷ đồng (làm tròn) do các bị cáo gây ra.
Đại diện VKS xác nhận các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Anh Minh đã nộp số tiền khắc phục trước phiên tòa. Các vấn đề khác, VKS tiếp tục giữ nguyên quan điểm.
Sau khi đại diện VKS nêu phần đối đáp, các luật sư đã tiến hành phần đối đáp trở lại.
Lợi ích nhóm gì để cuối cùng 3 ông ngồi đây?
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, qua phần đối đáp lại của Viện kiểm sát đã bộc lộ một số điểm cần có ý kiến lại.
Theo ông Thiệp, sau khi chuyển chủ đầu tư, PVN thực hiện nghiêm túc trình tự thủ tục. Đến nay PVC vẫn là tổng thầu, dự án vẫn triển khai và theo báo cáo gần đến giai đoạn kết thúc dự án.
Như vậy, với riêng kết quả thực hiện trong thực tế nói PVC không đủ năng lực nhưng họ triển khai đến thời điểm này có điều tiếng gì đâu. Thực tế chứng minh quy kết PVC không đủ năng lực là không có căn cứ.
Về hợp đồng 33 và 4194, luật sư Thiệp cho hay, quan điểm VKS nói ngày 24/2, bị cáo Đinh La Thăng biết hồ sơ thiết kế kỹ thuật chưa có nhưng ngày 28/2 đã ký hợp đồng nên quy kết bị cáo Thăng chỉ đạo ký hợp đồng vi phạm pháp luật.
Luật sư Thiệp: "Nếu nói lợi ích nhóm xuất phát từ việc đó thì cần chỉ ra lợi ích gì để cuối cùng 3 ông ngồi đây?"
Theo luật sư, với hợp đồng 33 thẩm quyền ký là thuộc PVPower và PVC, tức chủ đầu tư và nhà thầu. Nhưng vấn đề đặt ra, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án trọng điểm quốc gia, với áp ực tiến độ, thời hạn từ cấp trên quyết liệt, từ đó, bị cáo Thăng quyết liệt chỉ đạo đáp ứng tiến độ.
Dự án được chấp nhận cơ chế dặc thù, như bị cáo Thăng đặt vấn đề, nếu dự án mang tính cấp bách và tầm quan trọng mà nhất nhất thủ tục trình tự lần lượt thì không bao giờ làm được kịp. Do tiến độ, theo cơ chế đặc thù được phép tiến hành đồng thời nhiều nội dung, chứ không nhất thiết việc trước xong mới đến việc sau. Vấn đề cuối cùng là đạt hiệu quả trong thực hiện triển khai dự án, và thực tế hôm nay không thể nói không đạt được.
"Sai sót trong hợp đồng 33 không thuộc trách nhiệm bị cáo Thăng vì bị cáo là lãnh đạo đề ra chủ trương, thay mặt HĐTV ban hành nghị quyết chứ không phải người thực hiện. Khi được áp dụng đặc thù thì có vấn đề cần xem xét quyết định.
Việc ký hợp đồng chưa có tài liệu nào chứng minh bị cáo Thăng chỉ đạo ký hợp đồng 33 bất chấp quy định pháp luật, hay nói cách khác là trái quy định pháp luật", luật sư Thiệp nói.
Một lần nữa luật sư nhấn mạnh bản thân bị cáo Thăng trong kết luận chỉ đạo giao ban ngày 1/6 cho thấy rằng bản thân không biết nội dung hợp đồng 33 nên đã yêu cầu tạm ứng cho nhà thầu tới 10%, trong khi hợp đồng 33 thống nhất 6%.
"Chi tiết này cho thấy bị cáo Thăng không biết nội dung hợp đồng, do đó làm sao nói bị cáo biết mà chỉ đạo làm sai", luật sư nêu.
Về vấn đề tạm ứng, luật sư cho rằng VKS áp dung điều 68 luật dân sự 2005. Quan điểm của luật sư cho rằng đây có sự lẫn lộn. Nếu là tranh chấp phát sinh của hai doanh nghiệp thì việc áp dụng điều 68 là đương nhiên. Nhưng hiện đang xem xét pháp luật hình sự, hậu quả là thực tế diễn ra chứ không phải hâu quả tương lai. Điều này luật sư đã nói kỹ trong phần bào chữa.
Về lợi ích nhóm, theo luật sư, là vấn đề phát sinh trong quá trình luận tội, trước đó chưa được thể hiện trong điều tra truy tố. Với lập luận cho rằng bị cáo Thuận, Thanh là do bị cáoThăng cất nhắc, bổ nhiệm nên cho nên có ưu ái chỉ định PVC làm tổng thầu. Có căn cứ nào để xác định việc cất nhắc bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp mà bị cáo Thăng có lợi ích gì trong việc đó?
Quy trình bổ nhiệm cất nhắc có căn cứ nào sai? Nếu có chỉ ra để thấy sự ràng buộc, còn việc lãnh đạo thấy cán bộ đáp ứng yêu cầu, đủ khả năng thì thậm chí tìm mọi cách lôi kéo nhân sự về là bình tường. Nhưng đâu phải vì cất nhắc mà ưu ái. Đây là suy diễn và nhận xét không hề dựa trên bất kỳ căn cứ nào. Đây là điểm ngay từ đầu luật sư nói có quy kết không phù hợp.
"Nếu nói lợi ích nhóm xuất phát từ việc đó thì cần chỉ ra lợi ích gì để cuối cùng 3 ông ngồi đây?", luật sư Thiệp bày tỏ.
Luật sư cũng nêu ra, một chi tiết chứng minh sự chỉ đạo của bị cáo Thăng là VKS căn cứ lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn để xác định bị cáo Thăng có chỉ đạo trực tiếp về tạm ứng. Trong tất cả lời khai nội dung này lặp lại nhiều lần, đó là vào vài ngày trước chuyển tiền, 13/5/2011, bị cáo Thăng có gọi bị cáo Khánh, Sơn vào phòng làm việc, mắng bị cáo Khánh, Sơn về tiến độ dự án, yêu cầu bị cáo Sơn lo vốn tài chính theo đúng chức năng, còn Khánh liên quan kỹ thuật để làm sao không được phép chậm tiến độ.
Nội dung này có hai vấn đề: Bị cáo Thăng khai rằng thời điểm từ 10-20/5 đang đi tiếp xúc cử tri tại Thanh Hoá, việc này rất dễ xác minh, chỉ cần kiểm tra lịch làm việc đoàn Đại biểu QH Thanh Hoá là xác định được ngay, làm sao nói không thành có.
Nhưng cơ quan tiến hành tố tụng chưa xác minh, chưa điều tra để chứng minh rằng có hay không cuộc gặp mặt. Vấn đề thứ 2, với lịch làm việc như bị cáo Thăng trình bày khẳng định cuộc gặp là không có. Có thể bị cáo Sơn nhớ nội dung tản mác đâu đó rồi khai để minh chứng. Nhưng với chứng minh thời gian thì ls có niềm tin lời khai của ông Thăng.
LS cho rằng có hay không có cuộc gặp không phải là quyết định mà nội dung là trao đổi cái gì? Bị cáo Sơn khai chỉ thể hiện một điều bị cáo Thăng nôn nóng, quyết liệt trong việc yêu cầu đảm bảo tiến độ do thúc ép.
Luật sư Đào Hữu Đăng cũng cho rằng trong vụ án này, tuyệt nhiên không có ai có lợi ích cá nhân trong việc làm trái này. "Không có lợi ích cá nhân sao lại có "lợi ích nhóm"? luật sư Đăng đặt câu hỏi.
Nếu dựa theo tiêu chí này thì không có cầu Chương Dương, thủy điện Sơn La...
Luật sư Đào Hữu Đăng, người bào chữa cho bị cáo Thăng nêu quan điểm về việc VKS đánh giá PVC không đủ năng lực chỉ vì PVC chưa từng làm dự án lớn như vậy, chưa từng là chủ thầu:
"Nếu chỉ dựa tiêu chí này để đánh giá như vậy thì có hợp lý hay không? Nếu chỉ vậy thì không có cầu Chương Dương, vì trước khi xây cầu không có doanh nghiệp đủ năng lực xây cây cầu này. Nếu áp dụng vậy thì không có giàn khoan 30m, 70m, nửa chìm, đưa Việt Nam xếp vào hàng nước làm được giàn khoan nổi.
Nếu dựa theo tiêu chí này đã không có thuỷ điện Sơn La, thuỷ điện Lai Châu vì trước khi làm các doanh nghiệp Việt đâu đủ năng lực, trình độ để làm. Nếu dựa trên tiêu chí này thì vĩnh viễn Việt Nam chỉ dừng lại ở dự án cấp thấp. Do đó, cần có quan điểm đánh giá năng lực khả năng của mỗi người đứng trên quan điểm phát triển để đánh giá năng lực của một nhà thầu", luật sư Đăng nói.
Về ký hợp đồng 33, luật sư Đào Hữu Đăng đồng tình với ông Nguyễn Huy Thiệp, không có căn cứ nói rằng bị cáo Thăng chỉ đạo ký kết 33 không đủ căn cứ pháp lý. Về việc VKS cho rằng ký hợp đồng với mục đích chuyển tiền cho PVC, theo luật sư, bị cáo Thăng có động cơ gì mà chuyển tiền cho PVC? Động cơ ở đây chính là từ động cơ của PVC, vì họ muốn nhận được dự án, nhận được tiền nên ký hợp đồng.
Theo luật sư Đăng, suốt quá trình điều tra, cơ quan tố tụng không hề điều tra những bị can trong nhóm tội cố ý làm trái về "lợi ích nhóm", không hề có lời khai, các bị can không được trình bày họ có lợi ích nhóm hay không, nhưng khi xét xử đại diện VKS lại kết luận như vậy.
"Đại diện VKS nói buồn nhất trong vụ án này là cấp dưới nhận nhưng cấp trên không thừa nhận. Thưa HĐXX, khi chúng tôi tiếp xúc với ông Thăng, ông Thăng luôn đặt ra câu hỏi với nhóm luật sư rằng: Khai như vậy có đổ lỗi cho anh em cấp dưới không?
Ông Thăng luôn nói nếu luật sư trình bày như vậy thì có thể hiểu là ông đổ lỗi cho cấp dưới không? Đó là điều khó khăn của luật sư chúng tôi, trình bày bào chữa cho ông Thăng nhưng không được đổ lỗi cho ai cả.
Quá trình điều tra, ông Thăng luôn nhận trách nhiệm vì áp lực tiến độ, ông ép anh em cấp dưới phải bảo đảm tiến độ. Do sự thúc ép của ông Thăng khiến anh em dẫn đến sai phạm...."- luật sư Đăng nói thêm, trước khi kết thúc phần tranh luận của mình.
Theo báo Thời đại, ngày 15/01/2018