Sáng 11-1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên (HĐQT/HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), và Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVC tiếp tục làm việc.
Quan trọng là phải đúng người, đúng tội
Chiều 11/1, phiên xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm đã bước sang phần tranh luận. Mở đầu, đại diện VKS đã đọc bản luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với ông Thăng và các đồng phạm.
Cụ thể, ông Đinh La Thăng bị đề nghị mức án 14 -15 năm tù. VKS cáo buộc, ông Thăng đã có hành vi phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999.
Sau khi kết thúc phiên tòa vào tối 11/1, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, một trong ba luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng đã có những nhận định về mức án được VKS đề nghị cho thân chủ của mình.
"Nếu mức án đề nghị của VKS đủ căn cứ kết tội như cáo trạng thì tôi cho rằng, mức án cũng đã có xem xét đến công trạng, có phần nào đó giảm nhẹ.
Nhưng gốc của vấn đề là xét xử phải đúng người, đúng tội, chính xác hành vi người ta đã thực hiện, phải chứng minh được tất cả yếu tố cấu thành tội phạm. Đó là cái mong đợi và tôi quan tâm", luật sư Thiệp nêu.
Luật sư Thiệp cũng bày tỏ mong muốn VKS tham khảo thêm bài bào chữa của ông đối với thân chủ, bị can Đinh La Thăng.
Ông Thiệp từ chối bình luận sâu hơn, khi việc tranh luận giữa luật sư với VKS chưa diễn ra.
Luật sư đưa ra nhiều kiến nghị
Trước đó, trong phần bào chữa cho bị cáo Thăng vào buổi chiều cùng ngày, luật sư Thiệp cho rằng, theo phân cấp quản lý với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐTV, ông Đinh La Thăng là Chủ tịch là phải kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện, triển khai các Nghị quyết, quyết định mà HĐTV ban hành.
Ông Đinh La Thăng là người đại diện HĐTV ban hành các Nghị quyết liên quan đến việc ký thầu, triển khai dự án… Đương nhiên, trách nhiệm của ông Đinh La Thăng và HĐTV phải kiểm tra, giám sát Nghị quyết này.
Nếu làm đúng làm đủ trách nhiệm như quy định thì chắc rằng, không có hậu quả, không có việc một loạt các cán bộ bị truy tố.
Luật sư Thiệp nói, ông Thăng trăn trở nhiều về việc này, và đã xin HĐXX, trong phạm vi có thể thì tha thứ cho các cán bộ cấp dưới của ông, do thực hiện công việc dưới sức ép tiến độ và do nóng vội mà dẫn đến vi phạm.
Trước khi dừng quan điểm bào chữa của mình, luật sư đề nghị, chờ sự tranh luận đến từ Viện kiểm sát với nội dung cụ thể:
Đưa ra căn cứ để chứng minh có sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng về các việc cụ thể như việc chỉ định thầu, chỉ đạo ký HĐ 33 và chỉ đạo tạm ứng tiền cho PVC trái quy định, căn cứ xác định khoản lãi trong hậu quả phạm tội. Cùng với đó, đưa ra các căn cứ để xác định thiệt hại.
Thứ nhất, lãi suất áp dụng là lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trong khi tiền tạm ứng được chuyển từ tài khoản tiền gửi, thanh toán của PVN. Nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu bồi thường thiệt hại, không có đơn yêu cầu. Vậy, đây có phải tình trạng buộc PVN phải tiếp nhận một cách chủ động.
Thứ hai, một diễn biến không cập nhật là trước khi khởi tố, toàn bộ số tiền tạm ứng được thu hồi hết gốc. Với nội dung như vậy thì căn cứ vào đâu, quy định PL nào để đưa lãi vào làm thiệt hại?.
Đến ngày hôm nay, báo cáo cuối cùng số tiền thu hồi cao hơn số tiền tạm ứng hơn 124 tỷ. Khi đã thu được phần cao hơn thì số tiền ứng ra là tiền gốc thì số tiền này là tiền gì?
Luật sư cũng cho biết, đã nhận được một số ý kiến của các công dân, người dân, rất mong HĐXX xem xét, đánh giá ông Đinh La Thăng là người như thế nào trước khi đưa mức hình phạt.
Theo Hoàng Đan
Thời đại, ngày 12/01/2018