HOTLINE: 0913.215.264

Phiên tòa chiều 19/8: "VNCB thực ra chẳng mất gì, cổ đông mới là người thiệt hại"

Cập nhật: 19/08/2016
Lượt xem: 924
Chiều 19/8, phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh và các đồng phạm làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư.

Tháng 2/2013 Phan Thành Mai mới được bổ nhiệm thì không thể chịu trách nhiệm từ tháng 6/2012
 
Luật sư Thiệp bào chữa cho Phan Thành Mai (bị VKS đề nghị về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng 11-12 năm tù, 11-12 năm tù tội vi phạm cho vay, tổng cộng 24-26 năm).
 
Bị cáo Mai bị luận tội đồng phạm với Phạm Công Danh vì vậy luật sư Thiệp đề nghị phải làm rõ các hành vi của ông Phạm Công Danh rồi mới xét đến hành vi của Phan Thành Mai để nhìn thấy rõ hành vi nào là giúp sức.
 
Luật sư cũng đề xuất nguyên tắc cụ thể hóa hành vi phải được tôn trọng. Từng hành vi phải phân tích, mổ xẻ để xem có tội hay không.
 
Luật sư cũng đề nghị xem xét việc các bị cáo hết sức thành khẩn khai báo, không đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Nhất là các bị cáo ở vai trò lãnh đạo sẵn sàng nhận hết trách nhiệm như bị cáo Danh, bị cáo Mai. Điều này thể hiện sự hối cải, ăn năn của các bị cáo. Hội đồng xét xử cần xem xét đây là yếu tố giảm nhẹ để có được bài học cho mọi người, cũng thể hiện được sự khoan dung của pháp luật đối với những người đã ăn năn, hối cải.
 
Dù bị cáo Mai nhận tội cùng với tâm lý ăn năn, hối cải nhưng mong Hội đồng xét xử không xem xét lời nhận tội đó là tội mà cần xem xét thêm các tình tiết dẫn đến hành vi và hành vi có cấu thành tội hay không.
 
Cáo trạng cho thấy từ tháng 6/2012, Phan Thành Mai đã nhận chỉ đạo của Phạm Công Danh…Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử cần xem xét thời điểm bị cáo phải chịu trách nhiệm hành vi. 
 
Theo Luật sư, thời điểm phải chịu trách nhiệm hành vi là khi bị cáo được nhận quyết định bổ nhiệm, nhận lương của VNCB. Khi danh chưa chính thì căn cứ vào đâu mà phạm tội, mà bảo anh em làm. Đến 23/2/2013 bị cáo Mai mới được bổ nhiệm. Đề nghị các quy kết tội của Phan Thành Mai phải tính từ thời điểm bị cáo Mai được bổ nhiệm chứ không thể lôi những sai phạm từ tháng 6/2012 đến thời điểm đó để quy kết bị cáo Mai.
 
Nói như thế cũng có nghĩa là các khoản cho vay Đại Hoàng Phương, Thịnh Quốc cũng trước thời điểm bị cáo Mai bị truy tố.
 
Luật sư: "VNCB tồn tại được đến ngày hôm nay là nhờ tiền của bị cáo Danh"
 
Về nội dung xác định hậu quả, Luật sư bào chữa cho Phan Thành Mai cho rằng còn nhiều điểm chưa rõ. Rất nhiều quan điểm của Luật sư cho rằng chưa có hậu quả hoặc hậu quả phải xem xét lại. Nếu có thì mức độ đến đâu để xử phạt.
 
Luật sư cũng nhắc lại thực trạng ngân hàng khi ông Phạm Công Danh nhận tái cơ cấu. Theo Luật sư, khả năng thanh khoản ngân hàng không có thì lấy đâu ra mà có lãi. Mua ngân hàng chính xác là mua nghĩa vụ nợ. 
 
Thực tế, VNCB tồn tại được đến ngày hôm nay là nhờ tiền của ông Danh, Tập đoàn Thiên Thanh. Nỗ lực của ông Danh không nhận được sự hỗ trợ tài chính nào từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan nhà nước khác. Ông Danh phải chấp nhận thực hiện theo cơ chế thị trường, dùng tiền mình để chăm sóc khách hàng giúp VNCB tồn tại. 
 
Xác định ai là người thiệt hại rất quan trọng
 
Luật sư cho rằng VNCB không mất gì vì khi nhận tái cơ cấu đã âm vốn. Luật sư đặt câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm về số tiền và ai chịu trách nhiệm về số tiền. Cho rằng VNCB mất tiền là không đúng. Người bị hại chính là các cổ đông trong đó nhóm Tập đoàn Thiên Thanh của ông Danh sở hữu gần 85% là người bị chịu thiệt hại nhiều nhất.
 
Xác định rõ ai là người bị hại là điều hết sức quan trọng để xác định được hành vi phạm tội của các bị cáo.
 
Theo luật sư, việc này cũng liên lụy đến hàng chục con người đang ngồi đây, nhiều ngày tháng để chờ đợi phán quyết liên quan đến số phận của họ. Vì thế, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét kỹ các vấn đề này. Có căn cứ để cho thấy Phan Thành Mai là người có năng lực, có kiến thức, có nỗ lực và tâm huyết vào việc xây dựng một ngân hàng. Khi được Phạm Công Danh giao làm việc tái cơ cấu ngân hàng xây dựng, bị cáo Mai cũng đã hết sức tin tưởng vào năng lực tài chính của ông Danh và tin tưởng có thể tái cơ cấu được ngân hàng. Tuy nhiên, khi biết sự thật về ngân hàng thì đã rất sốc và nhiều lần muốn trả lại đề án tái cơ cấu nhưng không được.
 
Không chứng minh được dòng tiền thì không thể quy kết tội
 
Luật sư của Phan Thành Mai tiếp tục bào chữa cho bị cáo.
 
Đối với lập hồ sơ khống CoreBanking rút 63 tỷ: Nhu cầu nâng cấp là thực tế, tiền rút ra là tạm ứng. Số tiền rút ra tuy sử dụng sai mục đích nhưng đã được sử dụng để nhằm cứu sống VNCB. 
 
Lập hồ sơ khống thuê trụ sở ở 816 Sư Vạn Hạnh: Có cơ sở để xem đây là hợp đồng khống hay không khi đây là nhu cầu có thực, đầu tư có thực, được ĐHCĐ thông qua, HĐQT thông qua, thành lập ban nghiệm thu trụ sở, thực tế đã có sử dụng trụ sở. Hậu quả được cáo trạng xác minh là rút hơn 400 tỷ cho Phạm Công Danh sử dụng nhưng do hòa vào dòng tiền chung Tập đoàn Thiên Thanh nên không chứng minh được. Việc không chứng minh được mà quy kết hành vi phạm tội là trái nguyên tắc suy đoán trong quá trình xử lý vụ án hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vô tội cho các bị cáo.
 
Đối với hành vi rút tiền thông qua quỹ Lộc Việt: Tương tự 816 Sư Vạn Hạnh nhưng cơ quan điều tra không xác minh được dòng tiền. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại.
 
"Về tư duy kinh tế, tôi đề nghị phải thay đổi quan điểm tư duy. Không còn là tư duy thời bao cấp nữa mà phải tư duy quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường. Khi dòng tiền được hòa vào dòng tiền chung rồi và không chứng minh được, chỉ biết là sử dụng trong công cuộc tái cơ cấu ngân hàng thì cần xem lại cho các bị cáo" - Luật sư nói.
 
Luật sư cho rằng bị cáo Phan Thành Mai không liên quan đến khoản tiền 5.190 tỷ
 
Đối với khoản 5.190 tỷ, Luật sư Phan Trung Hoài cũng đã chứng minh rất rõ khoản tiền này. Dòng tiền này đi thế nào, ai liên quan, liên quan như thế nào…Riêng bị cáo Phan Thành Mai, việc quy kết liên quan hành vi này thì phải xem xét lại.
 
Viện kiểm sát luận tội và quy kết rằng bị cáo Phan Thành Mai chỉ đạo chuyển và sử dụng là không đúng. Đây là khách hàng lớn và Phạm Công Danh trực tiếp chỉ đạo, chăm sóc và luật sư có các bút lục lời khai của các bị cáo để làm rõ nội dung này. Bị cáo Mai không chỉ đạo bị cáo Quyết, Khương như trong bản luận tội.
 
Viện kiểm sát viện dẫn việc lúc đó có quy định 12 về việc kiểm soát của tổ giám sát thì chưa đủ chứng cứ để quy kết. Việc chung ý chí phải được hiểu là bị cáo Mai phải biết động cơ, mục đích nhưng thực tế Mai không biết và về sau mới biết có sự vụ này. Lúc biết, việc giải ngân đã thực hiện nhiều tháng rồi, hành vi phạm tội cũng đã xảy ra rồi, vì thế, không thể coi bị cáo Mai là chung ý chí để gây ra hành vi phạm tội.
 
Còn nghị quyết HĐQT ký sau, Viện kiểm sát cho rằng đó là hành vi hợp thức. Thực tế, nghị quyết này để tăng room tín dụng như bị cáo Mai đã khai. Việc hợp thức thông thường phải là hợp thức để hành vi xảy ra chứ sao lại là hành vi xảy ra mới hợp thức. Đó là chưa kể, việc giải ngân không cần bản nghị quyết. Hành vi ký nghị quyết HĐQT đó không phải là hành vi giúp sức. 
 
Luật sư cho rằng bị cáo Phan Thành Mai không có chút nào liên quan đến khoản tiền 5.190 tỷ. Không đủ cơ sở để buộc tội bị cáo Phan Thành Mai liên quan nội dung này.
 
Luật sư đề nghị không xem xét những lời cố tình nhận tội của Phan Thành Mai
 
Luật sư Quang Anh bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai tiếp tục bào chữa.
 
Cùng chung quan điểm với Luật sư Thiệp, Luật sư Quang Anh cho rằng bị cáo Mai nhận tội quá mức so với tội của mình. 
 
Luật sư Quang Anh kể, trong quá trình làm việc với bị cáo Mai, bị cáo Mai nhận tội liên quan khoản thuê trụ sở nhưng khi hỏi kỹ thì bị cáo không hề biết. Hỏi bị cáo Mai vì sao nhận tội, bị cáo Mai nói rằng: "Mình là người lãnh đạo, đằng nào thì cũng sẽ bị liên quan. Mình nhận tội cho anh em bớt tội". Luật sư Quang Anh mong Hội đồng xét xử không xem xét những lời nhận tội của bị cáo Mai là có tội theo luật.
 
Luật sư Quang Anh cho biết ông đã mất rất nhiều thời gian để thuyết phục bị cáo Mai rằng không phải cứ nhận tội là anh em khác sẽ thoát tội mà Hội đồng xét xử xem xét trên hành vi của từng người. Mãi đến những ngày cuối cùng thì anh Mai mới đồng ý với luật sư và có những lời khai đúng hơn những lời khai cố tình nhận tội trước đó.
 
Luật sư Quang Anh cũng cho rằng ông đã tìm hiểu kỹ con người của Phan Thành Mai và hiểu rằng Phan Thành Mai là người rất giỏi, có trình độ cao. Bị cáo Mai đứng trước bối cảnh là ông chủ cần tiền hợp lý cứu ngân hàng và bị cáo Mai là người làm phải đáp ứng nhu cầu của ông chủ và phải đáp ứng hợp pháp. Chính bối cảnh này đẩy bị cáo Mai vào việc thực hiện những cách để rút tiền VNCB "hợp pháp".
 
Luật sư Quang Anh nhấn mạnh, giai đoạn VNCB bị giám sát đặc biệt (khác kiểm soát đặc biệt) nhưng rất nhiều nội dung yêu cầu hết sức phi kinh tế. Với các quy định này, VNCB gần như tê liệt với quy trình phức tạp, phải chờ tổ giám sát kiểm tra và thông qua giao dịch. 
 
Sự bế tắc về quy trình này khiến VNCB mất hết lợi thế cạnh tranh với các ngân hàng khác. Đây cũng là nguồn cơn gây ra những khúc mắc giữa ban lãnh đạo VNCB và tổ giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phải họp bàn nhiều lần. Nguồn cơn những giao dịch hơn 5 tỷ đồng không qua tổ giám sát, chính xác hơn là vừa làm vừa xin ý kiến sau này.
 
Theo Trí Thức trẻ, ngày 19/8/2016
 
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN HUY THIỆP VÀ CỘNG SỰ
  Add: 11/B7 Khu Đầm Trấu, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
 Hotline: 0913.215.264
  Phone0243.984.3261 / 0243.984.3262 - Fax: 0243.984.3263
  Email: vietnam@luatsunguyenhuythiep.com 
  Website: http://luatsunguyenhuythiep.com
CÁC GIẢI THƯỞNG
LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI
ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
ĐĂNG KÝ HỦY BỎ
Copyright 2015 luatsunguyenhuythiep.com. ALL RIGHTS RESERVED. Thiết kế websiteSEO - Tất Thành