Hôm nay (18-12), TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xử phúc thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại 6.126 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB (nay gọi là CB Bank).
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Tại tòa, đại diện của CB cho rằng việc tăng vốn điều lệ bằng số tiền 4.500 tỉ đồng không phải là một giao dịch dân sự đơn thuần nên việc áp dụng thêm BLDS làm cơ sở để thu hồi số tiền này từ Ngân hàng CB trả lại cho ông Danh như phán quyết của cấp sơ thẩm là chưa đủ cơ sở vững chắc...
LS của Ngân hàng CB cho rằng việc góp vốn là có thật, tiền là có thật, đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An xác nhận trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Việc cấp phép này dựa trên cơ sở là số tiền 4.500 tỉ đồng của các nhà đầu tư được hạch toán vào quá trình nâng vốn của VNCB và vì đã hạch toán rồi nên VNCB đã sử dụng số tiền này như vốn điều lệ.
Việc bị NHNN từ chối tăng vốn điều lệ là nằm ở quy định hành chính chứ không phải là quy trình tố tụng. Chưa có tài liệu nào xác nhận việc thỏa thuận chấm dứt việc góp vốn của VNCB nhưng có một thực tế là dòng tiền này đã hòa chung vào dòng tiền của CB và sử dụng cho nhiều mục đích.
Cạnh đó, LS của CB còn nhận định rằng việc thu hồi tài sản của các tổ chức, cá nhân đã vay từ ba ngân hàng khi thi hành án sẽ gây khó khăn hơn rất nhiều so với việc thu trực tiếp từ ba ngân hàng này...
LS của Ngân hàng BIDV cho rằng ông Danh là Chủ tịch HĐQT của cả VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo Danh đã chủ động chỉ đạo các lãnh đạo và nhân viên thực hiện hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho chính ngân hàng của mình là VNCB. Giữa hành vi vi phạm của ông Danh và hậu quả thiệt hại của VNCB có mối quan hệ nhân quả; BIDV không có lỗi trong hành vi phạm tội của bị cáo.
Theo LS, luật quy định người phạm tội phải bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Do vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại là do ông Danh, việc án sơ thẩm quyết định thu hồi số tiền này từ BIDV là không đúng đối tượng, hoàn toàn không có căn cứ pháp lý và không thỏa đáng.
Còn các LS của Ngân hàng NN&PTNN (Agribank) và Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) đều cho rằng quá trình thẩm định, cho vay, giải ngân và tất toán các khoản vay giữa hai đơn vị này và các pháp nhân, cá nhân do ông Danh lập ra là đúng quy định của pháp luật, đúng với nghiệp vụ ngân hàng.
Các LS của hai ngân hàng này đều cho rằng không có quy định nào yêu cầu phải xác minh nguồn tiền tất toán khoản vay. Các giao dịch này là hợp pháp, ngay tình, phù hợp với quy định của BLDS 2015 nên không thể xem là vật chứng nên không có cơ sở để thu hồi lại tiền từ Agribank và Ocean Bank.
LS của ông Trần Quí Thanh và Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh) cho rằng số tiền hơn 194 tỉ đồng mà án sơ thẩm buộc ông Thanh phải trả lại cho ông Danh không phải là vật chứng... Bản án xác định 194 tỉ đồng có nguồn gốc từ vật chứng nhưng không có quy định cho rằng tài sản có nguồn gốc từ vật chứng là vật chứng, đây hoàn toàn là hai khái niệm khác nhau.
Số tiền hơn 194 tỉ đồng xuất phát từ giao dịch hợp pháp và ngay tình, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cũng không có kết luận nào về giao dịch này là bất hợp pháp. Thậm chí ngay cả khi chấp nhận đây là tiền do ông Danh chuyển cho ông Thanh thì đó cũng là giao dịch hợp pháp và ngay tình.
Theo LS, không xác định được đường đi cuối cùng của số tiền hơn 194 tỉ đồng. Cho đến thời điểm hiện nay không thể hiện được điểm dừng số tiền này là ở đâu nhưng lại buộc ông Thanh trả lại số tiền này là bất hợp lý.
Cạnh đó, LS của ông Thanh còn cho rằng số tiền này không liên quan đến thiệt hại của vụ án. Ngân hàng CB bị thiệt hại là do lỗi của CB đã để ông Danh sử dụng tiền ngân hàng không đúng chứ không phải do lỗi của những người đã giao dịch với ông Danh…
Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21/12/2018