VKSND cáo buộc bị cáo Trần Trọng Mừng, cựu Tổng Giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên, giữ vai trò chính về những sai phạm tại dự án Gang thép Thái Nguyên
Ngày 10-11, tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm giải quyết kháng cáo của ông Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc TISCO) và 11 bị cáo khác.
Đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo
Theo đó, đại diện VKSND đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên mức án 9 năm 6 tháng tù và buộc bị cáo Trần Trọng Mừng bồi thường 130 tỉ đồng; bác kháng cáo của 9 bị cáo khác có đơn xin giảm nhẹ hình phạt và giảm bồi thường thiệt hại.
Riêng 2 bị cáo là Đậu Văn Hùng (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS) và Hoàng Ngọc Diệp (cựu thành viên HĐQT TISCO), VKSND đề nghị chấp nhận một phần đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì đã khắc phục toàn bộ tiền phải bồi thường.
Đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT VNS. Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn Khoa học - Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD.
Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng; đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC…
Bị cáo Trần Trọng Mừng và Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT VNS) đã chỉ đạo các cá nhân có liên quan thuộc TISCO và VNS tổ chức thực hiện việc điều chỉnh dự toán chi phí phần C, tham gia ký hợp đồng thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01 theo hình thức hợp đồng theo đơn giá..., tạo điều kiện để MCC có lý do chối bỏ trách nhiệm thực hiện hợp đồng trên, chấp thuận VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01 trong khi VINAINCON không đủ năng lực.
Theo đại diện VKSND, các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đạt được hiệu quả của dự án mà còn gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn. Hành vi sai phạm của bị cáo dẫn đến phát sinh nhiều chi tiết hư hỏng, gây thiệt hại 830 tỉ đồng tài sản nhà nước.
"Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, mức án phù hợp với hành vi phạm tội của từng bị cáo, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật" - đại diện VKSND nhận định.
Không yêu cầu bồi thường
TISCO được triệu tập đến tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự. Tại phiên tòa cấp phúc thẩm, đại diện VKSND đặt nhiều câu hỏi với đại diện TISCO về khoản tiền 830 tỉ đồng mà tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo liên đới bồi thường.
Tuy nhiên, đại diện TISCO tiếp tục khẳng định công ty không yêu cầu các bị cáo bồi thường. Đối với thiệt hại của vụ án, TISCO đang đề nghị MCC tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Điều đáng nói đại diện TISCO cho rằng việc đánh giá thiệt hại của vụ án ở con số 830 tỉ đồng là chưa đầy đủ vì dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên có 22 gói thầu, trong đó 2 gói chính là mỏ sắt Tiến Bộ và hợp đồng EPC 01.
Tổng chi phí của dự án là chi chung cho toàn bộ các gói thầu, bao gồm mỏ sắt Tiến Bộ. Từ năm 2013, mỏ sắt đi vào hoạt động, không có sai phạm gì. Trong số 830 tỉ đồng mà cáo trạng cáo buộc là thiệt hại của vụ án thì có cả phần lãi từ tiền vay cho mỏ sắt Tiến Bộ.
Trước việc TISCO "không đòi bồi thường", đại diện VKS hỏi: "TISCO chỉ có 35% vốn đầu tư, còn lại của nhà nước, với lý do và tư cách gì TISCO không đòi bồi thường? Dự án này 30 tháng phải hoàn thành nhưng qua 14 năm rồi vẫn chưa xong, vậy mà TISCO lại bảo không có thiệt hại?".
Đáp lời, đại diện TISCO nói xét về thiệt hại thì có rất nhiều cá nhân đơn vị khác, theo như kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy vậy, TISCO tôn trọng quyết định của tòa án cấp sơ thẩm và không kháng cáo.
Chiều nay, 11-11, tòa sẽ tuyên án.
Theo Người lao động