Chiều ngày 20/04/2021, sau 02 ngày nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án đối với 19 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO)
Về trách nhiệm hình sự
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, cụ thể: Trần Trọng Mừng – nguyên Tổng Giám đốc TISCO 9 năm 6 tháng tù, Mai Văn Tinh – nguyên Chủ tịch Tổng Công ty thép Việt Nam 6 năm tù, Trần Văn Khâm – nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc TISCO 8 năm 6 tháng tù, Đậu Văn Hùng – nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty thép Việt Nam 3 năm tù, Ngô Sĩ Hán – nguyên Trưởng ban Dự án mở rộng giai đoạn 2 TISCO 8 năm tù, Đặng Văn Tập – nguyên Phó Giám đốc thường trực Ban quản lý dự án 7 năm tù, Đồng Quang Dương – nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án 6 năm tù, Đỗ Xuân Hòa – nguyên Kế toán trưởng TISCO 5 năm tù, Lê Thị Tuyết Lan – nguyên Phó phòng kế toán TISCO 2 năm tù, Uông Sĩ Bính – nguyên Phó phòng Kế toán Tổng Công ty thép Việt Nam 2 năm tù, Nguyễn Văn Tráng – nguyên Ủy viên kiểm soát Tổng Công ty thép Việt Nam 2 năm tù, Nguyễn Trọng Khôi – nguyên Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty thép Việt Nam 3 năm tù, Đặng Thúc Kháng – nguyên Trưởng ban Kiểm tra Tổng Công ty thép Việt Nam 3 năm tù, Trịnh Khôi Nguyên – nguyên Trưởng phòng Đầu tư phát triển Tổng Công thép Việt Nam 2 năm tù.
Nhóm bị cáo xác định phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” bị tuyên với mức án cụ thể: Lê Phú Hưng - nguyên thành viên HĐQT Tổng Công ty thép Việt Nam 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Nguyễn Minh Xuân –nguyên thành viên HĐQT Tổng Công ty thép Việt Nam 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Nguyễn Chí Dũng – nguyên thành viên HĐQT TISCO 2 năm tù, Đoàn Thu Trang – nguyên thành viên HĐQT TISCO 18 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự
Tại phiên tòa, đại diện TISCO không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường số tiền bị thiệt hại. Về nội dung này, Hội đồng xét xử nhận thấy, TISCO là công ty cổ phần, trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà nước là 65%.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, TISCO chỉ là người đại diện cho vốn chủ sở hữu, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến khách thể là tài sản của Nhà nước. Do vậy, Hội đồng xét xử không ghi nhận việc TISCO không yêu cầu bồi thường số tiền thiệt hại và vẫn buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường.
Cụ thể, các bị cáo trong vụ án phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho TISCO số tiền hơn 830 tỉ đồng.
Chia theo tỷ phần, các bị cáo phải bồi thường số tiền là: Trần Trọng Mừng 130 tỉ đồng, Trần Văn Khâm 120 tỉ đồng, Ngô Sỹ Hán 90 tỉ đồng, Mai Văn Tinh 80 tỉ đồng, Đặng Văn Tập 70 tỉ đồng, Đậu Văn Hùng 60 tỉ đồng, Đồng Quang Dương 50 tỉ đồng, Nguyễn Trọng Khôi và Đỗ Xuân Hòa mỗi bị cáo 40 tỉ đồng, Đặng Thúc Kháng và Uông Sỹ Bính mỗi bị cáo 30 tỉ đồng, Lê Thị Tuyết Lan 20 tỉ đồng, Nguyễn Văn Tráng 15 tỉ đồng... Năm bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị của TISCO và VNS, mỗi bị cáo bị buộc bồi thường hơn 6 tỉ đồng.
Phán quyết nêu rõ, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng các bị cáo còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Ngoài ra, Tòa cấp sơ thẩm cũng tuyên buộc tiếp tục kê biên các tài sản, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng của các bị cáo: Trần Trọng Mừng, Trần Văn Khâm, Mai Văn Tinh, Đậu Văn Hùng, Ngô Sỹ Hán...
Kiến nghị xem xét vi phạm của Bộ Công thương
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cũng như tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử kiến nghị xem xét những vi phạm của Bộ chủ quản TISCO và Tổng Công ty Thép Việt Nam là Bộ Công thương.
Bộ đã quyết định và đưa ra những chủ trương không đúng quy định của pháp luật, giới thiệu và lựa chọn đơn vị không đủ năng lực để thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01#.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả của vụ án. Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng kiến nghị làm rõ những vi phạm của Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) trong việc thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01#. Nếu có căn cứ, đề nghị khởi tố trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ có liên quan theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nổi bật tại phiên tòa là việc một số Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị xem xét theo hướng đổi tội danh khác so với cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát. Cụ thể, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Mai Văn Tinh cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo Mai Văn Tinh đúng với tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Đặng Thúc Kháng cũng đề nghị chuyển tội danh sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, cùng một vài Luật sư bào chữa khác.
Phát biểu tại phiên toà, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng vụ án xảy ra trong bối cảnh nhà nước đẩy mạnh công cuộc đấu tranh với những hành vi sai trái, trong quản lý hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách trong công tác điều hành hệ thống doanh nghiệp nhà nước còn bộc lộ nhiều bất cập, rất cần được tiếp tục hoàn thiện. Do đó, Luật sư đã có những kiến nghị Nhà nước cải tổ triệt để hệ thống pháp luật, cũng như phương pháp điều hành đối với hệ thống doanh nghiệp nhà nước.
Phiên tòa được các Luật sư đánh giá có tinh thần cải cách tư pháp, ý kiến của các bị cáo, Luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng lắng nghe, ghi nhận, tạo điều kiện cho việc trình bày một cách trọn vẹn nhất; đảm bảo tính công bằng, đúng người đúng tội xuyên suốt quá trình xét xử.
Theo Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam