HOTLINE: 0913.215.264

Xét xử vụ án tại Ngân hàng Đại Tín chiều 26/5: Luật sư nhóm Phương Trang đưa ra lời bào chữa

Cập nhật: 26/05/2018
Lượt xem: 1291

Chiều 26/5, phiên tòa xét xử vụ án tại Ngân hàng Đại Tín tiếp tục làm việc với phần trình bày quan điểm của các luật sư. 

Phiên tòa chiều nay vẫn tiếp tục với phần trình bày của luật sư Hoài
 
Quá trình ký kết và thực hiện Hợp đồng mua bán trái phiếu 2.000 tỷ đồng giữa Công ty Trường Vĩ và NH Đại Tín:
 
 
Tại phiên tòa luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn vẫn cho rằng theo hồ sơ và yêu cầu của đại diện CB, khoản tiền 2.000 tỷ đồng trái phiếu Công ty Trường Vĩ ký hợp đồng mua bán trái phiếu doanh nghiệp với NH Đại Tín cho rằng ít nhất Công ty Phương Trang đã nhận số tiền 132,8 tỷ đồng và đã đóng khoản lãi liên quan Hợp đồng mua bán trái phiếu doanh nghiệp là 488 tỷ đồng.
 
 
Theo đó, luật sư Hoài trình bày, kết quả điều tra và Cáo trạng đã khẳng định, theo yêu cầu và hướng dẫn của NH Đại Tín để giải quyết nhanh và kịp thời cho việc giải ngân tiền bán trái phiếu, các Công ty và cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh với Công ty Phương Trang đã phải ký trước các chứng từ (Uỷ nhiệm chi, Séc tiền mặt, Phiếu lĩnh tiền mặt, Bảng kê tiền…) giao trước cho NH Đại Tín.
 
 
Tuy nhiên, NH Đại Tín – Chi nhánh Sài Gòn đã không chuyển 2.000 tỷ đồng cho Công ty Trường Vĩ như hợp đồng đã ký. Các nhân viên NH Đại Tín theo chỉ đạo của bị cáo Hứa Thị Phấn thông qua bị cáo Bùi Thị Kim Loan, bằng phương thức hoạch toán thu chi khống; dùng các các chứng từ ký trước, giao trước để hợp thức hóa hồ sơ, hoàn thành hồ sơ việc chuyển khống 2.000 tỷ đồng tiền mua trái phiếu, nhưng phía Phương Trang không nhận được số tiền này.
 
 
Luật sư trình bày những ngày mà hồ sơ ghi nhận Đại Tín đã giải ngân khoản trái phiếu này. Theo đó, luật sư cho rằng, NH Đại Tín với vốn điều lệ thấp không thể có nguồn tiền lớn, nguồn nhân lực, phương tiện chuyên chở số tiền 2.000 tỷ lớn như vậy để giải ngân cho Công ty Phương Trang trong khoảng thười gian từ 28/10- 1/11/2010.
 
 
Như vậy, đã thể hiện rõ bản chất không có thật của việc giải ngân 2.000 tỷ đồng tiền mua trái phiếu, chỉ thực hiện trên sổ sách của NH Đại Tín nhằm chiếm giữ và sử dụng trái phép 2.000 tỷ đồng trái phiếu, cũng như chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản thế chấp của Công ty Trường Vĩ.
 
Để hợp thức hóa việc chiếm giữ, sử dụng trái phép tiền mua trái phiếu 2.000 tỷ đồng và tài sản thế chấp của Công ty Trường Vĩ; lợi dụng việc các nhân viên của Công ty Trường Vĩ, Công ty Phương Trang tin tưởng vào Ngân hàng, NH Đại Tín- CN Sài Gòn đã làm sẵn các chứng từ thu lãi khống đưa cho các cá nhân Trần Đăng Quang và Đỗ Quốc Huy ký để tự hoàn tất thủ tục tiền đóng lãi trái phiếu.
 
 
Khẳng định tại tòa, luật sư Hoài cho biết, phía Phương Trang không xuất tiền, không uỷ quyền, không cử 2 nhân viên này đi nộp tiền mặt và ký chứng từ đóng lãi.
 
 
Tại Biên bản làm việc ngày 3/6/2015 với sự có mặt của Bùi Thị Kim Loan và Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn, bà Hứa Thị Phấn thừa nhận thực tế đã sử dụng 1.625 tỷ đồng dùng để đảo nợ, tất toán các khoản nợ gốc và lãi các khoản vay của Nhóm Phú Mỹ tại Trustbank và 125,4 tỷ đồng để nộp tiền vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn, Bùi Thị Kim Loan và tài khoản Công ty Sản Phú Mỹ.
 
 
Sự thừa nhận nêu trên đã giải phóng toàn bộ nghĩa vụ chứng minh của Công ty Trường Vĩ về việc Công ty Trường Vĩ ít nhất không hề nhận được số tiền 1.625 tỷ đồng.
 
 
Mặt khác, trong quá trình xác minh tố giác tội phạm và khởi tố vụ án, tiến hành điều tra, đến nay bà Hứa Thị Phấn cũng như các đồng phạm khác không cung cấp được các tài liệu nào chứng minh 3 Công ty nêu trên có thỏa thuận dân sự cho bà Hứa Thị Phấn vay 662,15 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ, thời hạn vay, mức lãi suất.
 
 
Do NH Đại Tín không giải ngân 2.000 tỷ đồng mua trái phiếu cho Công ty Trường Vĩ mà sử dụng bất hợp pháp, Công ty Phương Trang khiếu nại quyết liệt nên NH Đại Tín và bà Hứa Thị Phấn đã phải trả tài sản thế chấp, bằng cách: Lấy Dự án Đầu Tư Xây Dựng Bệnh Viện Đa Khoa Phú Mỹ của Công Ty Đầu Tư Phát Triển Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn sở hữu 66% vốn điều lệ, Chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật) đưa vào hoán đổi tài sản thế chấp, tự nguyện trả lại tài sản là lô đất 289 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM cho Công ty Phương Trang.
 
 
Bị cáo Vũ Thị Như Thảo cũng có khai tại Công an TP HCM rằng, liên quan việc thanh toán 2.000 tỷ đồng trái phiếu, trên thực tế chỉ chi tiền mặt cho Công ty Trường Vĩ chỉ 100 tỷ đồng, còn lại 1.900 tỷ đồng không có việc thanh toán, chỉ làm công tác bút toán thu chi cấn trừ các hồ sơ tín dụng đã giải ngân trước đó theo cách thức, trên cơ sở lệnh chi của hội sở.
 
 
Cách thức thực hiện là Thảo nhận chỉ đạo từ ông Đức- Giám đốc Chi nhánh thông qua từng lệnh chi. Ông Đức yêu cầu bà Thảo chỉ đạo thanh toán các hồ sơ trước đó, theo yêu cầu của Bùi Thị Kim Loan. Hợp thức hóa cho việc thanh toán này, Công ty Trường Vĩ phải lập ủy nhiệm chi, các doanh nghiệp mà Công ty Trường Vĩ chuyển tiền đến phải phát hành sec, Thảo ký kết mọi chừng từ ủy nhiệm chi và sec đều là thật.
 
 
Riêng đối với phiếu thu tiền, thực hiện theo yêu cầu của Loan để lập các phiếu thu và bảng kê thu tiến, sau đó đưa cho Loan để chuyển cho người đứng tên ký, sau đó chuyển lại Phòng kế toán (thực chất người đứng tên có ký hay không thì bà Thảo không biết).
 
Liên quan đến dựu án Bình Điền, luật sư đồng ý với đại diện VKS rằng giải tỏa kê biên tài sản này.
 
 
Trình bày tại tòa, luật sư cho biết, dự án Bình Điền vẫn do Doanh Nghiệp Tư nhân Huệ Tâm của bà Ngô Kim Huệ đứng tên.
 
 
Sau khi biết bà Ngô Kim Huệ - Phó Tổng Giám Đốc TrustBank, đồng thời là cháu ruột bà Hứa Thị Phấn muốn chuyển nhượng Doanh Nghiệp Huệ Tâm để bán miếng đất ở Dự án Bình Điền do kẹt tiền và không muốn làm tiếp dự án vì bà Huệ không có khả năng chuyên môn để triển khai dự án. Thấy giá cả hợp lý và vị trí phù hợp với định hướng kinh doanh nên ông Nguyễn Hữu Luận đồng ý mua và chuyển nhượng với giá 244 tỷ đồng.
 
 
Theo luật sư, mọi việc thanh toán việc chuyển nhượng đã hoàn tất đúng theo quy định pháp luật.
 
 
Ông Nguyễn Hữu Luận khẳng định chỉ ký duy nhất 1 hợp đồng chuyển nhượng vốn góp theo đúng hoàn toàn chỉ 1 giá cả đã ghi rõ trong Hợp Đồng (đã được đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư) nói trên.
 
Ngoài hợp đồng trên đây ông Nguyễn Hữu Luận và bà Ngô Kim Huệ không có gặp mặt cũng như không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào khác liên quan đến việc chuyển nhượng này. 
Vì vậy, việc bà Hứa Thị Phấn trong các Đơn tố cáo cho rằng Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của Doanh Nghiệp Huệ Tâm có liên quan đến Hợp đồng mua bán trái phiếu Doanh nghiệp giữa TrustBank và Công ty Trường Vĩ là không có căn cứ.
 
Quá trình xác minh, điều tra về mối quan hệ, làm rõ số tiền bị cáo Hứa Thị Phấn chiếm dụng của NH Đại Tín, đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang trên 5.200 tỷ đồng.
 
Tại phiên tòa chiều ngày 23/5, Luật sư Lưu Văn Tám khi chứng minh mối quan hệ vay mượn tiền cá nhân giữa bị cáo Hứa Thị Phấn và ông Nguyễn Hữu Luận, Phạm Đăng Quan và Công ty Phương Trang, đã sử dụng phương pháp chia mối quan hệ vay mượn thành các giai đoạn, dựa trên việc cập nhật trong cái gọi là “Sổ quỹ thu chi của Công ty Phương Trang” và coi các khoản tiền vay của các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh với NH Đại Tín chính là khoản tiền bà Hứa Thị Phấn cho mượn lên tới trên 8.000 tỷ đồng.
 
Luật sư Hoài cho rằng, cách tiếp cận này sẽ dẫn đến không trả lời được 2 câu hỏi: Trong điều kiện thực trạng tài chính của bà Hứa Thị Phấn chiếm 84,92% cổ phần NH Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn thực sự có tiền để cho ông Luận và Công ty Phương Trang vay khi tồn quỹ tiền mặt mỗi ngày chỉ vài chục tỷ đồng ?
 
Nếu coi các khoản tiền vay của các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác với Công ty Phương Trang vay của bà Hứa Thị Phấn chính là từ nguồn tiền vay của các Hợp đồng tín dụng này để cho mượn thì khoản 5.200 tỷ đồng bà Hứa Thị Phấn đã nhận từ nguồn tiền nào?
 
Theo luật sư, đây thật sự là câu chuyện quá vô lý.
 
Nếu theo lập luận của các Luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn rằng nợ gốc của 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc và khoản trái phiếu Trường Vĩ, sẽ giải thích như thế nào khi cho rằng Công ty Phương Trang đã nhận 9.437 tỷ đồng, trong khi gần như toàn bộ lời khai của các bị cáo, kể cả của bà Hứa Thị Phấn là việc không có việc thu, chi tiền mặt thực tế.
 
'Yêu cầu Phương Trang phải trả nợ gốc 9.437 tỷ đồng và 16.000 tỷ đồng lãi là hoàn toàn không có căn cứ'
 
Về quá trình đối chiếu công nợ và làm rõ tính xác thực của số tiền Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh đã thực nhận thông qua 46 khoản vay tại NH Đại Tín.
 
 
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, đại diện CB đã trình bày và vẫn giữ nguyên yêu cầu buộc Công ty Phương Trang phải thanh toán số tiền nợ gốc là 9.437 tỷ đồng và trên 16.000 tỷ đồng tiền lãi tính đến thời điểm 7/5/2018.
 
 
Các Luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn cũng dựa theo yêu cầu này của CB để chứng minh Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh còn nợ số tiền gốc 9.437 tỷ đồng và bà Hứa Thị Phấn không gây thiệt hại cho NH Đại Tín trên 5.200 tỷ đồng.
 
 
Luật sư Hoài cho rằng, vấn đề đáng quan tâm ở đây chính là quan điểm và cách thức nêu yêu cầu của đại diện CB tại phiên tòa hoàn toàn coi như không có vụ án này xảy ra, CB hiện tại sau khi NHNN ra quyết định mua 0 đồng đối với VNCB chỉ tiếp nhận các hồ sơ vay, hồ sơ giải ngân, kiểm tra sau khi cho vay đối với các khoản vay của các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh với Công ty Phương Trang.
 
 
Tuy nhiên, mấu chốt nhất là lời trình bày và yêu cầu này của đại diện CB tại phiên tòa đã đi ngược lại và phủ nhận toàn bộ quá trình diễn biến việc đối chiếu công nợ chi tiết của chính NH Đại Tín, sau này là VNCB và cả CB, có nhiều biên bản có sự chủ trì của NHNN và sự chứng kiến của CQĐT BCA.
 
 
Luật sư Hoài tiếp tục liệt kê cụ thể 16 Biên bản và nội dung thể hiện quá trình đối chiếu này giữa NH Đại Tín, VNCB, CB với Công ty Phương Trang để trình bày quan điểm của mình để đáp trả lại ý kiến của CB và các quan điểm các luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn.
 
 
Với sự liệt kê các Biên bản làm việc, đối chiếu chi tiết 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc và 01 khoản trái phiếu Trường Vĩ, trong đó có nêu về kết quả đối chiếu và sự thừa nhận của CB về số tiền thực nhận của Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh nêu trên, luật sư khẳng định yêu cầu của đại diện CB tại phiên tòa buộc Công ty Phương Trang phải trả nợ gốc 9.437 tỷ đồng và 16.000 tỷ đồng lãi là hoàn toàn không có căn cứ, không phù hợp với kết quả điều tra và quá trình thẩm tra công khai tại phiên tòa những ngày qua.
 
 
Yêu cầu và nguyện vọng của Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh:
 
Thứ nhất, về quyền và trách nhiệm giải quyết các khoản nợ thực nhận thông qua các hợp đồng tín dụng đã ký với NH Đại Tín: Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh xác nhận có chung quyền và nghĩa vụ với Công ty Phương Trang, đồng thời Công ty Phương Trang sẽ đại diện các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh theo danh sách nêu trên nêu yêu cầu và nhận trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo phán quyết mà Hội đồng xét xử sẽ ban hành.
 
 
Thứ hai, về các yêu cầu liên quan đến trách nhiệm dân sự:
 
 
Đề nghị HĐXX xem xét, quyết định Công Ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm số dư nợ gốc 3.936,996 tỷ đồng của các hợp đồng tín dụng theo số thực nhận.
 
 
Yêu cầu xem xét các thiệt hại mà Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh đã phải gánh chịu trong hơn 6 năm qua: về khoản thiệt hại do việc bị cầm giữ tài sản thế chấp vượt số tiền đảm bảo cần thiết cho số tiền vay thực nhận của Công Ty CPĐT Phương Trang và các cá nhân, tổ chức có quan hệ hợp tác số tiền 7.837 tỷ đồng.
 
 
Đây là giá trị tài sản đảm bảo đang bị Ngân hàng Đại Tín cầm giữ và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) tiến hành kê biên đối với 46 khoản vay đang còn bị đẩy dư nợ khống, tính theo giá trị thẩm định của Ngân hàng Đại Tín vào thời điểm thế chấp.
 
 
Thứ ba, yêu cầu giải tỏa một phần tài sản thế chấp hiện đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kê biên.
 
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bảo vệ quyền lợi cho công ty Phương Trang
 
Trình bày tại tòa, luật sư Thiệp cho biết, toàn bộ hồ sơ giải ngân đều là hồ sơ được ký sẵn, không có thu – chi thật, thực chất là để hạch toán thu chi cấn trừ.
 
Trong vụ án này, Công ty Phương Trang là người có quyền lợi liên quan. Theo kết quả xác minh tại Ngân hàng Đại Tín, Công ty Phương Trang đang bị coi là phải chịu trách nhiệm dân sự đối với tổng sư nợ gốc trên 9.437 tỷ đồng theo 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc và 1 khoản thanh toán trái phiếu.
 
Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa hôm nay, có đầy đủ căn cứ để xác định số tiền thực nhận của Công ty Phương Trang chỉ là 3.946,9 tỷ đồng, phần chênh lệch còn lại do bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo các nhân viên Ngân hàng Đại Tín CN Lam Giang và CN Sài Gòn thực hiện hạch toán thu chi cấn trừ dựa trên các phiếu thu, phiếu chi, bảng kê thanh toán, ủy nhiệm chi… khống, không có việc giải ngân thật.

 
LS Thiệp cho biết, lời khai của những người liên quan đến việc giải ngân cho Công ty Phương Trang (Nhân viên ngân hàng Đại Tín, nhân viên Công ty Phương Trang) đều khẳng định việc giải ngân là không có thật, thực chất chỉ là thu – chi cấn trừ.

 
http://luatsunguyenhuythiep.com

Việc ký kết hồ sơ vay vốn (giấy đề nghị vay vốn, phương án vay vốn, hợp đồng góp vốn, hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng), hồ sơ giải ngân (giấy đề nghị giải ngân, khế ước nhận nợ, phiếu chuyển khoản, ủy nhiệm chi), hồ sơ sau giải ngân (Biên bản kiểm tra sử dụng vốn vay, Đơn xin miễn giảm lãi phạt chậm trả lãi...) đều được nhân viên Ngân hàng Đại Tín hoặc lợi dụng sự tin tưởng của anh Trần Đăng Quang, anh Nguyễn Anh Phước đưa cho những người đứng tên vay vốn ký trước hoặc cùng ngày với ngày ghi trên Hợp đồng tín dụng.
 
Luật sư đưa ra lời khai của 1 số người liên quan và cho biết, những lời khai này khớp với lời khai của Trần Đăng Quang và Nguyễn Anh Phước là những người đưa hồ sơ vay vốn đã ký sẵn của các cá nhân, công ty có quan hệ hợp tác kinh doanh với Công ty Phương Trang theo hướng dẫn của nhân viên. Vì hồ sơ ký sẵn nên tất cả ngày, tháng và những thông tin cụ thể tại mỗi tài liệu đều để trống. Thậm chí, các Biên bản sử dụng vốn vay là bản mẫu, chưa có nội dung.
 
Tiếp tục trình bày, Luật sư Thiệp cho rằng, lời khai của nhân viên Ngân hàng Đại Tín khai rõ về việc hồ sơ giải ngân cho Phương Trang hoàn toàn là hạch toán thu chi cấn trừ, không có việc thu chi bằng tiền mặt.
 
Các nhân viên ngân hàng đều có lời khai chung, tại thời điểm thực hiện giao dịch thu chi cấn trừ, khách hàng có tên trên các chứng từ thu thường không có mặt nên không có chữ ký của khách hàng trên chứng từ thu; việc lấy chữ ký của khách hàng trên chứng từ thu thường được do Giao dịch viên lấy để hoàn thiện sau này. Đối với các giao dịch thu chi cấn trừ, Ngân hàng không chi tiền mặt đối với các chứng từ chi cho khách hàng và không thu tiền mặt của khách hàng theo các chứng từ thu.
 
Ngoài ra, các bị cáo là nhân viên Ngân hàng khi khai về các khoản cụ thể đều khẳng định VNCB – CN Sài Gòn không đủ tiền mặt, thực tế không có việc chi bằng tiền mặt, mà lập các chứng từ để hợp lý hóa việc hạch toán cấn trừ (các Phiếu thu và Giấy nộp tiền). Vấn đề này, kết luận điều tra đã truy ngược dòng tiền và chứng mình rõ thực tế tồn quỹ tiền mặt trong ngày không đủ và không phù hợp với số tiền giải ngân của từng khoản vay.
 
Các bị cáo nhân viên ngân hàng đều xác nhận tất cả chứng từ mình ký đều là chứng từ khống, không thu chi tiền mặt thực tế.
 
Đặc biệt, các bị cáo Hà Thu Thảo, Ngô Thị Ngân, Trịnh Thị Hiền Trang với vai trò là thủ quỹ của Ngân hàng Đại Tín đều xác nhận không có việc nhập tiền mặt vào quỹ hay chi tiền ra.
 
Luật sư cho rằng, những lời khai của các bị cáo, người liên quan là phù hợp với chứng cứ NH hướng dẫn Phương Trang ký trước nhiều chứng từ .
 
Cán bộ NH Đại Tín hướng dẫn cho nhân viên Công ty Phương Trang lập và ký trước hồ sơ vay. Công ty Phương Trang đã trình bày và cung cấp ngay từ giai đoạn điều tra các bằng chứng e-mail do nhân viên Ngân hàng Đại Tín gửi cho nhân viên Công ty Phương Trang.
 
Luật sư Thiệp cho biết, căn cứ vào Quỹ tiền mặt thực tế của Ngân hàng tại thời điểm giải ngân thì phần lớn các khoản vay là không đủ để giải ngân theo chứng từ giải ngân thể hiện. Đồng thời, các phiếu thu tiền trong ngày hoàn toàn là phiếu thu khống nên thực tế không có tiền mặt thu trong ngày.
 
 
Tất cả những người đứng tên nộp tiền trên phiếu thu đều khẳng định việc ký tên trên phiếu thu chỉ là ký chứng từ, không có tiền mặt nộp thực tế.
 
 
Các cá nhân đứng tên nộp tiền trên phiếu thu nhóm Phú Mỹ: Ngô Nguyễn Đoan Trang, Nguyễn Kim Thanh, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Ngô Kim Huệ, Ngô Thị Ngân,... đều có chung lời khai thống nhất là không có tiền mặt nộp thực tế như trong phiếu thu.
 
 
Đối với bị cáo Bùi Thị Kim Loan, do là người phụ trách nhận “lệnh” từ bà Hứa Thị Phấn để yêu cầu Ngân hàng thực hiện việc thu chi cấn trừ nên ngoài việc khai về những khoản riêng do Bùi Thị Kim Loan đứng tên thì Kim Loan có các lời khai chung về việc nộp tiền của các cá nhân khác thuộc nhóm Phú Mỹ theo Phiếu thu.
 
 
Các cá nhân đứng tên nộp tiền trên phiếu thu Công ty Phương Trang: Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Đỗ Quốc Huy,... Những lời khai trên của những người nộp tiền mặt cũng khớp với lời khai của nhân viên ngân hàng Đại Tín về việc hạch toán thu chi cấn trừ
 
Tiếp tục phiên tòa, luật sư Thiệp cho rằng, thực tế, hồ sơ giải ngân chỉ để cấn trừ hạch toán thu khống, từ đó bà Hứa Thị Phấn là người đã sử dụng số tiền này.
 
 
Theo kết quả điều tra tại Ngân hàng TM TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam, trong tổng số tiền 16.451 tỷ giải ngân cho 82 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu thì có 6.917 tỷ đồng thu khống từ tất toán các khoản vay của Công ty Phương Trang.
 
 
Nếu chỉ nhìn vào từng nhóm các khoản vay (46 khoản vay, 29 khoản vay, 7 khoản vay hay một khoản 2.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu) như cách đặt vấn đề của luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo trong phần thẩm vấn cũng như quan điểm của CB thì không thể thấy được bản chất sự thật khách quan và không thể xác định được vì sao, Hứa Thị Phấn lại chỉ đạo NH Đại Tín dùng chứng từ thu các khoản vay của Công ty Phương Trang để giải ngân cho chính các Công ty có quan hệ hợp tác và Công ty Phương Trang.
 
 
Nhưng khi xem xét cụ thể từng khoản đã được tất toán thì thấy, Công ty Phương Trang không được thụ hưởng toàn bộ số tiền giải ngân của các Hợp đồng tín dụng đã được tất toán này.
 
 
Luật sư đưa ra ví dụ, khoản vay 150 tỷ đồng của ông Trần Đăng Quang đã được tất toán ngày 9/9/2011, theo phương pháp cấn trừ khoản giải ngân 180 tỷ đồng của 02 công ty: Công ty TNHH Thép Long An (90 tỷ) và Công ty TNHHH TMDV XD An Hòa (90 tỷ đồng).
 
 
Xem xét việc giải ngân 150 tỷ đồng đối với ông Trần Đăng Quang thì: khoản vay này được giải ngân bằng hạch toán các khoản thu của Nhóm Phú Mỹ, cụ thể: thu 2,5 tỷ đồng của Nguyễn Kim Thanh và thu 147,25 tỷ Ngô Kim Huệ nộp vào TK của Huệ.
 
 
Bà Hứa Thị Phấn đã thừa nhận sử dụng số tiền 149,75 tỷ này theo Biên bản làm việc ngày 05/6/2015.
 
 
Như vậy, công ty Phương Trang cũng không được thụ hưởng khoản vay đã được tất toán này. 
Luật sư Thiệp tiếp tục trình bày khoản vay 300 tỷ ngày 3/8/2010 của Nguyễn Văn Thường và Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu đã được tất toán vào ngày 3/8/2011 bằng cách cấn trừ khoản giải ngân 300 tỷ của hai công ty, Công ty BĐS phương Trang Long An (178 tỷ đồng) và Công ty Hồng An Phú Quốc (122 tỷ đồng).
 
 
Khoản vay này được giải ngân bằng cách hạch toán thu chi cấn trừ thanh lý 4 khoản vay khác của Công ty Phương Trang: khoản vay của Phạm Văn Quan 50 tỷ (ngày 11/6/2010), khoản vay của Nguyễn Văn Thường 50 tỷ đồng và Nguyễn Thị Như Mai 50 tỷ đồng (ngày 14/6/2010), khoản vay của Nguyễn Thị Tuyết Hạnh 20 tỷ đồng (ngày 24/6/2010).
 
 
Về mặt chứng từ, bốn khoản vay này được giải ngân theo chứng từ thu tiền mặt rút từ Ngân hàng Nhà nước, số tiền 120 tỷ đồng và tồn quỹ tiền mặt của Ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên, khoản tiền mặt này chưa rõ là giải ngân cho ai, ai sử dụng? Kết quả điều tra đã xác định, Công ty Phương Trang không được nhận đồng nào từ 4 khoản vay này.
 
 
Theo luật sư, trên bề mặt chứng từ, Công ty Phương Trang được giải ngân để hạch toán cấn trừ tất toán các khoản vay của chính công ty Phương Trang nhưng khi truy ngược những khoản vay của Công ty Phương Trang đã được tất toán thì ở đầu vào đầu tiên của dòng tiền thấy đều bắt nguồn hoặc từ những chứng từ thu của Nhóm Phú Mỹ hoặc Rút tiền từ NHNN.
 
 
Với cách thức giải ngân để thanh lý các khoản vay của Công ty Phương Trang mà Hứa Thị Phấn chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín thực hiện không chỉ để cân đối sổ sách, đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang, mà còn tìm cách làm dãn xa khoảng cách giữa các khoản vay của Công ty Phương Trang (theo thời gian) so với những khoản đã thụ hưởng của Nhóm Phú Mỹ, đảm bảo an toàn cho những khoản thu khống từ Nhóm Phú Mỹ nhằm tránh bị phát hiện.
 
 
Với cách giải ngân bằng cấn trừ các chứng từ thu, cuối cùng bị cáo Hứa Thị Phấn và các đồng phạm đã đẩy toàn bộ dư nợ mà Nhóm Phú Mỹ đã thụ hưởng sang Công ty Phương Trang, buộc Công ty Phương Trang phải chịu trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Đại Tín.
 
 
Theo kết quả điều tra, trong tổng số tiền 16.451 tỷ giải ngân cho 82 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu, Công ty Phương Trang không được thụ hưởng số tiền 6.171 tỷ đồng thu khống từ tất toán các khoản vay của Công ty Phương Trang, mà chỉ thực nhận số tiền 3.936 tỷ đồng Ngân hàng Đại Tín rút từ NHNN.
 
Quan điểm tiếp theo, luật sư cho rằng, có việc thu khống để bà Hứa Thị Phấn sử dụng bằng hình thức bù đắp những khoản đã vay trước đó (tất toán các khoản vay của nhóm Phú Mỹ), hoặc rút tiền (nộp tiền vào tài khoản, mở sổ tiết kiệm) số tiền 5.256.tỷ đồng.
 
Biên bản làm việc với bà Hứa Thị Phấn, có sự tham gia của kế toán Công ty Phú Mỹ Bùi Thị Kim Loan và ông luật sư Phạm Ngọc Trung (vào các ngày 03/6/2015, ngày 04/6/2015, ngày 05/6/2015, ngày 11/6/2015), Hứa Thị Phấn thừa nhận sử dụng hơn 4.945 tỷ đồng.
 
Về hành vi này thể hiện tại: thu khống để nộp tiền vào tài khoản và mở sổ tiết kiệm số tiền 2.401 tỷ đồng; Thu khống để nộp tiền vào tài khoản, tất toán các khoản vay của nhóm Phú Mỹ, số tiền 1.546 tỷ đồng; Thu khống để trả lãi trái phiếu công ty Trường Vĩ, số tiền 229 tỷ đồng; Thu khống để hỗ trợ công đoàn NH Đại Tín 80 tỷ đồng; Thu khống để tất toán gốc và lãi khoản 3 khoản vay của Công ty Phương Trang số tiền 662 tỷ đồng; Sử dụng 27,2 tỷ đồng trả lãi vay khoản vay 200 tỷ đồng của Võ Thị Thu Hồng.
 
Nhóm Phú Mỹ còn sử dụng tổng cộng 143,2 tỷ đồng bằng cách nộp khống vào TK hay tất toán khống các khoản vay rồi đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang từ các khoản: 19,8 tỷ Nguyễn Thị Bích Hạnh nộp khống vào TK của Hạnh ngày 26/5/2010 (nằm trong 7 khoản vay chưa đối chiếu với bà Phấn); khoản 83,520 tỷ thu khống để tất toán khoản vay 80 tỷ đồng; Khoản 40,1 tỷ đồng Bùi Thị Kim Loan nộp khống để tất toán khoản vay 40 tỷ của Loan ngày 24/9/010 (nằm trong 29 khoản vay).
 
Ngoài ra, còn số tiền 167.885.017.600 đồng (nằm trong 29 khoản) do bà Phấn không nhớ chính xác có tiền thật hay không của 07 phiếu thu ngày 14/12/2010 và 01 Giấy nộp tiền ngày 12/5/2011.
 
Với tất cả những phân tích trên, luật sư cho rằng, có đủ căn cứ khẳng định: Toàn bộ hồ sơ giải ngân cho Công ty Phương Trang theo 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc và 1 khoản phát hành trái phiếu là hồ sơ thu – chi cấn trừ, không có việc giải ngân theo hồ sơ nêu trên. Vì vậy, không có căn cứ buộc Phương Trang phải chịu trách nhiệm với số dư nợ theo các chứng từ giải ngân này.
 
Liên quan số tiền mà Phương Trang thực nhận, luật sư Thiệp đưa ra những luận cứ, luận điểm và cho rằng, việc CQĐT BCA và VKSTC, kết luận của VKS TP HCM đã khẳng định trong quá trình giải ngân các hồ sơ vay, do hành vi gian dối của các cá nhân có liên quan nhằm mục đích chiếm dụng tiền của Trustbank, đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh, CQĐT BCA đã làm rõ cụ thể khoản tiền thực tế được giải ngân từ Trustbank thông qua cơ cấu dòng tiền giải ngân từng hồ sơ vay trên cơ sở số tiền Công ty Phương Trang thực nhận từ Trustbank.
 
Trong toàn bộ các khoản vay tại TrustBank của Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh, không có bất cứ khoản vay nào mục đích dùng để trả nợ cá nhân của bà Phấn như bà Phấn đã trình bày với Cơ quan điều tra.
 
 
Việc TrustBank không giải ngân số tiền cho người vay hợp pháp là Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh, mà để cho bà Hứa Thị Phấn và các tổ chức cá nhân sử dụng tiền vay nhưng không giải ngân cho khách hàng, để tất toán, đảo nợ các khoản tiền mà trước đó họ đã chiếm đoạt của TrustBank là hành vi vi phạm pháp luật, đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, về uy tín, về thương hiệu và nhiều hệ lụy khó lường khác cho Công ty Phương Trang.
 
 
Tóm lại, với toàn bộ những phân tích trên đây, đủ cơ sở để khẳng định rằng, Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố là hoàn toàn có căn cứ: Trong tổng số 9.402 tỷ đồng dư nợ gốc trên chứng từ khống, bà Hứa Thị Phấn đã dùng 5.256 tỷ đồng, Công ty Phương Trang chỉ thực nhận 3.936 tỷ đồng, còn lại Ngô Thị Ngân chịu trách nhiệm đối với 208 tỷ đồng nằm trong số tiền 4.554,2 tỷ đồng Ngô Thị Ngân nhận tiền mặt từ NHNN.
 
Do đó, Kết luận điều tra và Cáo trạng xác định Công ty Phương Trang chỉ thực nhận số tiền 3.936 tỷ đồng từ Ngân hàng Đại Tín là hoàn toàn có căn cứ.
 
Theo Đời sống và pháp lý, ngày 26/5/2018
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN HUY THIỆP VÀ CỘNG SỰ
  Add: 11/B7 Khu Đầm Trấu, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
 Hotline: 0913.215.264
  Phone0243.984.3261 / 0243.984.3262 - Fax: 0243.984.3263
  Email: vietnam@luatsunguyenhuythiep.com 
  Website: http://luatsunguyenhuythiep.com
CÁC GIẢI THƯỞNG
LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI
ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
ĐĂNG KÝ HỦY BỎ
Copyright 2015 luatsunguyenhuythiep.com. ALL RIGHTS RESERVED. Thiết kế websiteSEO - Tất Thành