Sáng nay (18/5), phiên tòa xét xử vụ án tại Ngân hàng Đại Tín tiếp tục làm việc với phần xét hỏi của các luật sư xoay quanh hành vi hạch toán thu chi khống.
Trong phiên tòa trước đó, đại diện nhóm Phương Trang cho biết họ có ký kết 82 hợp đồng tín dụng, 35 tỷ đồng nhận nợ bắt buộc và 2.000 tỷ đồng trái phiếu.
Đối với khoản vay 110 tỷ đồng của Công ty Thành Đăng (nhóm Công ty Phương Trang), đại diện Phương Trang cho biết chỉ nhận khoản tiền 90,2 tỷ đồng và nhận khế ước nhận nợ.
Tuy nhiên, luật sư Trương Vĩnh Thủy cho biết, theo cơ quan điều tra thực chất Công ty Thành Đăng đã nhận đủ số tiền vay. Trong đó có rút tiền mặt 30 tỷ đồng, chuyển cho tài khoản ông Phan Văn Anh Vũ hay còn gọi Vũ 'Nhôm' hơn 30 tỷ đồng tiền mua đất ở Đà Nẵng và 50 tỷ đồng đã chuyển qua cho Công ty Thành Hiếu.
Cũng tại phiên tòa, đại diện CB cho biết, đối với các khoản tiền vay của nhóm Phương Trang, Ngân hàng Đại Tín đã tất toán 36 khoản vay với số tiền hơn 7.000 tỷ đồng. Theo đó, CB đã có 26 đơn khởi kiện tương đương với 41 khoản vay.
Về mặt pháp lý, trên hồ sơ, 82 khoản vay và 1 khoản mục trái phiếu 2.000 tỷ đồng đã giải ngân hết và tất cả 82 hồ sơ tại NH CB đều là hồ sơ thật. Trong văn bản cũng không thể hiện hồ sơ nào là giả.
Đặc biệt trong phiên tòa chiều 16/5, luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn) bất ngờ công bố và đề nghị được cung cấp chứng cứ mới có nội dung được cho là Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Trang thừa nhận khoản vay của công ty này tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank).
Cụ thể, file ghi âm được lưu trữ trong USB màu trắng, được cho là ghi lại cuộc nói chuyện giữa bị cáo Hứa Thị Phấn với các ông: Nguyễn Hữu Luận (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phương Trang), Phạm Đăng Quan (Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Trang) và Trịnh Thanh Cao.
Trong tài liệu chứng cứ mới này thể hiện ông Luận thừa nhận số nợ mà Phương Trang nợ Ngân hàng Đại Tín và động viên bà Phấn đừng để Thanh tra vào kiểm tra.
Đồng thời nộp một số hình ảnh đến dự sinh nhật bà Phấn, đi du lịch cùng gia đình bà Phấn, thể hiện mối quan hệ với bà Phấn.
Từ đó luật sư đề nghị triệu tập 3 điều tra viên và cho rằng thủ tục tố tụng còn nhiều vấn đề.
Sau khi luật sư Thơ cung cấp chứng cứ mới này, HĐXX đã yêu cầu niêm phong để phục vụ cho vụ án.
Phiên toà bắt đầu
Mở đầu phiên tòa, HĐXX thông báo theo quy định của luật Tố tụng, luật sư có quyền cung cấp chứng cứ. Trường hợp luật sư Thơ cung cấp 1 USB và bản dịch 48 trang, HĐXX cho biết đã chấp nhận giao nộp chứng cứ đó. Việc xem xét đây là chứng cứ, HĐXX sẽ đánh giá sau.
HĐXX cho biết, số chứng từ này HĐXX hiện đã chuyển cho VKS TP HCM, sau chuyển cho VKS ND Tối cao rồi mới đánh giá và chuyển lại cho HĐXX. Nếu được chấp thuận là chứng cứ mới thì sẽ được công bố cho mọi người được tiếp cận.
Luật sư Trương Thị Minh Thơ hỏi bị cáo Nguyễn Vĩnh Mậu (nguyên Phó chủ tịch HĐQT TrustBank)
Luật sư: Khi vào làm tại Đại Tín thì biết ngoài mối quan hệ giữa nhóm Phương Trang và Đại Tín là vay nợ thì còn mối quan hệ gì nữa không?
Bị cáo Mậu: Không rõ
Luật sư: Có lần nào nhóm Phương Trang mời NH đi nước ngoài không?
Bị cáo Mậu: Đi Hàn Quốc, có cả tôi. Ngoài bị cáo thì có HĐQT gồm: Toàn, Nam, ông Đức, ông Linh và bà Huệ và ban điều hành. Nhóm Phương Trang thì có ông Quan cùng đi.
Luật sư Thơ hỏi Trần Sơn Nam
Luật sư: Anh có trong HĐQT?
Sơn Nam: Đúng
Luật sư: Vậy chị Huệ có nằm trong HĐQT?
Sơn Nam: Đúng
Luật sư: Nhóm Phương Trang có mời anh đi Hàn Quốc không?
Sơn Nam: Không.
Đi nhưng do bà Phấn mời. Tôi chỉ nhớ cô Sáu (bà Hứa Thị Phấn - PV) nói đi Hàn Quốc chứ không báo là đi với ai.
Luật sư Thơ hỏi bị cáo Ngô Thị Kim Huệ (Phó tổng giám đốc TrustBank, cháu bà Phấn)
Luật sư: Giữa nhóm Phương Trang và gia đình bà Phấn thì có mối quan hệ như thế nào?
Bị cáo Huệ: Đầu tiên là nhóm Phương Trang đến mượn tiền, sau đó ông Phạm Đăng Quan, Nguyễn Hữu Luận rất thường xuyên đến thăm bà Phấn và tặng quà cho bà bị cáo thậm chí cả xe Maybach.
Bị cáo Huệ nhớ nhóm Phương Trang mời, sau đó bà Phấn mời ban HĐQT Ngân hàng đi cùng. Bên cạnh đó Phương Trang có mời em trai của bị cáo đi du lịch cùng.
Mời đại diện của ông Phạm Đăng Quan
Luật sư: Có việc nhóm Phương Trang mời Đại Tín đi Hàn Quốc không?
Đại diện: Những bức ảnh mà luật sư đưa ra không liên quan đến vụ án, nếu luật sư cần thì đưa cho thư kí, còn câu hỏi thì tôi không trả lời.
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi bị cáo Vũ Thị Như Thảo
Luật sư: Bị cáo có nhớ Hợp đồng tín dụng của bà Vũ Thị Thu Hồng 200 tỷ đồng không?
Bị cáo Thảo: Bị cáo có nhớ. Tại CQĐT bị cáo có khai và xin giữ.
Liên quan đến nội dung hợp đồng trái phiếu 2.000 tỷ đồng của Công ty Trường Vĩ, bị cáo cũng cho biết đã có trong nội dung kết luận điều tra. Bị cáo không nhớ là mình có tham gia các cuộc họp đối chiếu công nợ của nhóm Phương Trang.
Luật sư Hoài hỏi bị cáo Ngô Kim Huệ
Bị cáo khai có đứng tên đại diện pháp lý của doanh nghiệp Huệ Tâm.
Luật sư: Liên quan thửa đất 69.580,4 m2, tại thửa số 721 tại Tân Túc, Bình Chánh trong hồ sơ thể hiện là dự án Bình Điền, doanh nghiệp tư nhân Huệ Tâm được sử hữu bằng cách thức như thế nào?
Bị cáo Huệ: Dự án Bình Điền, bị cáo nhớ là bà Phấn và bị cáo đã tham gia đấu giá và trúng giá với giá trị khoảng trên 200 tỷ đồng.
Trong hồ sơ xác nhận bị cáo từng xác nhận là mua với giá 207 tỷ đồng.
Về hợp đồng vốn góp với ông Luận nội dung chuyển nhượng. Hợp đồng số 16 chuyển nhượng thì thời gian khoảng 2010 và do bà Phấn nhờ chị Loan soạn thảo.
Sau khi làm việc với CQĐT, bị cáo biết là do nhân viên của anh Luận là anh Phước cùng chị Loan soạn thảo bản hợp đồng này. Và bị cáo có kí 2 hợp đồng.
Luật sư Hoài hỏi bị cáo Ngô Kim Ngân
Trả lời luật sư, bị cáo Ngân cho biết không nhớ có tham gia cuộc họp với NHNN vào ngày 17/11/2014. Việc hạch toán thu chi cấn trừ bộ phận Ngân quỹ nhận từ phòng kế toán.
Luật sư Hoài hỏi Lê Thị Tuyết Anh
Trình bày tại tòa, Tuyết Anh cho biết khi thực hiện hạch toán giao dịch thu chi cấn trừ của nhóm công ty Phương Trang là nhận chỉ đạo trực tiếp của chị Thảo.
Theo chỉ đạo, Tuyết Anh sẽ lập phiếu thu chi theo yêu cầu của khách hàng nên không biết nhóm Phương Trang có nhận tiền hay không.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn khai có ký 2 hợp đồng mua cổ phần ngân hàng Đại Tín 41 tỷ đồng. Bà Phấn nhờ ông đứng tên dùm mua cổ phần. Nhận thức được về hậu quả vụ án, ông cho biết chờ kết quả từ HĐXX. Bà phấn là chủ thực sự của Ngân hàng do vậy ông không trả lời sâu về các vấn đề này.
Bị cáo Trần Sơn Nam cho biết trước khi đặt bút ký cho vay công ty Phương Trang, bà Phấn cho biết sẽ cho vay một số khách hàng có tài sản đảm bảo tốt trong đó có nhóm Phương Trang. Những tài sản này đã được ông và Hội đồng tín dụng xem xét, đủ điều kiện cho vay. Ông Nam không nhớ Công ty Trường Vỹ có nhận đủ số tiền đi vay hay không.
Đại diện ngân hàng CB cho biết ngày 13/4/2012, NHNN chi nhánh Long An, Công ty Phương Trang và Ngân hàng Đại Tín có họp về khoản 2000 tỷ mua bán trái phiếu của Trường Vỹ. Trước khi NHNN mua 0 đồng, NHNN có tổ chức cuộc họp về đối chiếu công nợ của Công ty Phương Trang và Ngân hàng Đại Tín. Các biên bản làm việc đều thể hiện ngân hàng giải ngân đầy đủ. Việc Phương Trang cho rằng nhận hơn 3.900 tỷ đồng thì đó chỉ là quan điểm của họ thôi.
Trong những lần đối chiếu công nợ có sự chủ trì NHNN, cơ quan điều tra không có kết luận Phương Trang nhận bao nhiêu nợ mà chỉ nêu ý kiến các bên.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi bị cáo Văn Bùi Hồng Thi
Luật sư: Bị cáo có khai là Đỗ Quang Huy và Phạm Đăng Quang đến NH rút tiền thì bị cáo có kiểm tra chứng minh nhân dân? Vậy 2 người này kí tên có phải là người chủ tài khoản không?
Bị cáo Thi: 2 cá nhân này kí trên giấy rút séc đúng công ty chủ tài khoản phát hành séc
Luật sư: Vậy khi người nhận tiền không phải là chủ tài khoản thì cần phải có những gì?
Bị cáo Thi: Có đầy đủ chữ kí của chủ tài khoản, kế toán và tờ séc thì chỉ cần mang chứng minh nhân dân thì được rút.
Luật sư Thiệp hỏi đại diện CB
Luật sư: Trước đây tại tòa ông cho rằng căn cứ vào hồ sơ ông đưa ra các yêu cầu hoàn trả nợ. Vậy hồ sơ ông đưa ra là trên cơ sở hồ sơ lưu tại NH, hồ sơ CQĐT thu thập hay hồ sơ khác?
Đại diện CB: Hồ sơ lưu giữ tại NH.
Luật sư: Khách hàng có đơn xin giảm miễn lãi, vậy khách hàng đứng tên trong hợp đồng tín dụng kí hay ai kí?
Đại diện CB: Theo quy định là chủ đứng tên tài khoản ký, có nhiều khách hàng ký vào khoảng 2011 và 2012.
Luật sư: Khi hồ sơ được chứng minh rằng là thu chi cấn trừ và không có thu chi thật, thì khách hàng không biết hồ sơ này. Vậy khách hàng có quyền khiếu nại không?
Đại diện CB: Hồ sơ của NH đã giải ngân đúng theo các khoản vay.
Chúng tôi đòi yêu cầu theo hồ sơ tín dụng là khách hàng vay trực tiếp và NH đã giải ngân cho đúng địa chỉ và mục đích, thành khoản nợ rồi.
Luật sư: Căn cứ nào mà ông đã yêu cầu theo hồ sơ tín dụng?
Đại diện CB: Tất cả các hồ sơ tín dụng, hợp đồng vay vốn và những hồ sơ đã gải ngân, chúng tôi xác nhận là hồ sơ đúng, cơ quan điều tra cũng không xác định có hồ sơ nào là giả.
Luật sư Trương Thị Minh Thơ hỏi Ngô Trí Đức (cựu Phó Tổng Giám đốc NH Đại Tín, Giám đốc NH Đại Tín Chi nhánh Sài Gòn)
Luật sư: Anh là GĐ CN của NH, thì trong quá trình nhóm Phương Trang vay thì anh có nắm được việc nhóm Phương Trang đã nhận đủ tiền như nhóm Phương Trang vay không?
Trí Đức: Mong luật sư xem trong các kết luận điều tra.
Còn vấn đề hồ sơ tín dụng tôi nắm được còn giải ngân như thế nào thì không nắm được. Trên hợp đồng tín dụng và các chứng từ liên quan có thể hiện đầy đủ.
Luật sư: Theo anh, việc anh kí một số hợp đồng, vậy anh xác nhận là nhóm Phương Trang có nhận đủ tiền không?
Trí Đức: Lâu rồi tôi không nhớ vì vậy tôi cần xem lại.
Luật sư: Anh có khẳng định là anh không có trách nhiệm trong việc thất thoát của NH, vậy anh đã phân công ai trong việc này?
Trí Đức: Thông thường là cán bộ tín dụng nhận hồ sơ, sau khi xem xét sẽ gửi lên trưởng phòng rồi chuyển lên HĐTD của NH duyệt.
Luật sư: Theo cáo trạng xác định những người này vi phạm, vậy anh nghĩ như thế nào?
Trí Đức: Tôi chưa xem cáo trạng nhưng theo tôi là giải ngân là đúng, còn sai là có thể chỗ kế toán cấn trừ thu chi. Tôi cũng không rõ.
Luật sư: Mối quan hệ giữa anh và Phương Trang có thân thiết không?
Trí Đức: Đây là mối quan hệ giữa khách hàng, còn thân thiết thì không có và không nhận quà cáp gì.
Luật sư: Anh có dùng điện thoại Mobiado không?
Trí Đức: Có nhưng đã lâu
Luật sư: Vậy anh giải thích như thế nào về việc Phương Trang đã bỏ tiền ra sửa điện thoại cho anh?
Trí Đức: Điện thoại này tôi mua cho vợ tôi dùng, khi bị hư thì tôi có nhờ người quen sửa và trả tiền.
Luật sư: Nhưng ở Phương Trang thể hiện trong sổ quỹ là Phương Trang đã trả tiền giúp.
Trí Đức: Việc này luật sư nên hỏi bên Phương Trang.
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo hỏi Đại diện CB
Luật sư: Khi Khách hàng làm hồ sơ vay vốn, khách hàng muốn giải ngân vào tài khoản nào, ngày nào thì luôn đề nghị trên giấy giải ngân và phiếu nhận nợ đúng không?
Đại diện CB: Có rất nhiều giao dịch, theo nguyên tắc thì khi HĐTD đã ký và khách hàng đủ điều kiện để giải ngân thì NH sẽ giải ngân theo yêu cầu của KH, có thể giải ngân vào tài khoản của khách hàng hoặc giải ngân vào tài khoản theo khách hàng chỉ định. Sau khi giải ngân và hạch toán rồi thì NH sẽ thực hiện chuyển tiền vào tài khoản của khách hàng. Theo quy định của NHNN và định nghĩa về giải ngân cho vay là việc TCTD CN NH giao cho khách hàng vay khoản tiền đã thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo mục đích vay vốn, hợp đồng tín dụng được cấp giữa khách hàng vay với TCTD CN NH.
Đại diên CB cho biết, NH thực hiện việc giải ngân là xong, còn việc sử dụng như thế nào là do khách hàng.
Luật sư: NH theo luật TCTD và NHNN thì ngoài 2 chức năng là chức năng huy động vốn và cấp tín dụng thì còn chức năng thứ 3 là cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản đúng không?
Đại diện CB: Đúng và việc luật sư vừa hỏi là bắt đầu sử dụng tiền của khách hàng là đúng lúc NH đăng thực hiện dịch vụ thanh toán.
Luật sư: Hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản như vậy phải xuất phát từ tài khoản thanh toán của khách hàng?
Đại diện CB: Đúng
Luật sư: Như vậy phương tiện thanh toán là séc và ủy nhiệm chi chứ đây không phải là phương tiện giải ngân?
Đại diện CB: Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện thanh toán séc chi, lệnh chi, ủy nhiệm chi, lệnh thu, ủy nhiệm thu, thẻ NH, tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản khách hàng.
Luật sư: Khi sử dụng phương tiện thanh toán là ủy nhiệm chi hay séc thì nghĩa vụ của chủ tài khoản, khi anh ra lệnh thì đã, bảo số dư trên tài khoản đủ để thực hiện quyền đó đúng không?
Đại diện CB: Nếu không đủ số dư thì khách hàng không thể thực hiện việc thanh toán.
Luật sư: Ngoài chủ tài khoản là cá nhân, là công ty, là đại diện pháp luật phải có con dấu thì còn ai khác có thể kiểm soát, sử dụng và rút tiền hay chuyển tiền trên tài khoản thanh toán này không?
Đại diện CB: Theo nguyên tắc chỉ có chủ tài khoản mới được thực hiện lệnh thanh toán hoặc người đại diện hợp pháp luật của chủ tài khoản mới thực hiện được.
Luật sư: Nguồn vốn để hợp đồng cho NH, có phải lúc nào cũng chỉ duy nhất và bó hẹp trong quỹ hợp đồng hằng ngày?
Đại diện CB: Nguốn tiền gồm nhiều loại. Tiền mặt là phương tiện thanh toán và séc cũng là phương tiện thanh toán.
Luật sư: Séc còn là công cụ chuyển nhượng không và có cần tuân theo quy định của NHNN không?
Đại diện CB: Séc là do mẫu của NHNN, tùy mỗi NH có thể điều chỉnh thêm, có đầy đủ nội dung theo yêu cầu của NHNN.
Luật sư: Trong 82 khoản vay thì có quan hệ NH cho khách hàng vay. Thứ 2 là khách hàng vay và chuyển nhượng cho bên thụ hưởng thứ nhất. Thứ 3 là bên thụ hưởng thứ 1 có thể sử dụng tiền như chuyển khoản nhưng thông thường rút séc bằng tiền mặt là không liên quan đến quan hệ thứ nhất đúng không?
Đại diện CB: Đúng không liên quan đến hợp đồng tín dụng.
Ông Ngô Trí Đức khai Bà Phấn đưa khách hàng về chi Nhánh Sài Gòn giới thiệu sau đó ông Đức đưa cho cán bộ tín dụng.
Ông Đức phủ nhận mình không phải người định giá tài sản đảm bảo như hồ sơ cơ quan điều tra nêu.
Đồng thời, việc tra cứu CIC về khoản vay của nhóm Phương Trang tại chi nhánh Sài Gòn không phải thuộc trách nhiệm của ông mà thuộc trách nhiệm của bộ phận Tín Dụng.
Luật sư Thảo hỏi Đại diện Công ty Thành Đăng
Đại diện công ty Thành Đăng cho biết nay đã đổi thành Sàn giao dịch BĐS Phương Trang, cùng 1 pháp nhân chỉ thay đổi về tên.
Luật sư: Anh từng trả lời đối với khoản tiền nay thứ nhất, bản thân công ty Thành Đăng và công ty Phương Trang chỉ nhận được 91,2 tỷ đồng. Tại sao Thành Đăng vay mà Phương Trang lại nhận tiền?
Đại diện Công ty Thành Đăng: Xuất phát từ việc hợp tác kinh doanh, mối quan hệ này đã được xác định rõ trong quá trình điều tra nên không trả lời nữa. Tôi xác định kết luận điều tra xác định là đúng.
Luật sư: Theo kết luận điều tra ngày 26/5, công ty Thành Đăng có vay 110 tỉ đồng tại NH Đại Tín, sau đó NH Đại Tín giải ngân bằng 2 lần. Lần 1 là 30 tỉ đồng và lần 2 là 80 tỉ đồng vào tài khoản công ty Thành Đăng.
Do NH Đại Tín hôm đó không đủ tiền mặt nên mới hạch toán cấn trừ số tiền 19,8 tỉ đồng do Hứa Thị Bích Hạnh nhận và khoảng 30 tỉ đồng của Trần Đăng Quan nộp vào tài khoản của Phan Văn Anh Vũ đúng không?
Đại diện Công ty Thành Đăng: Xác định là kết luận điều tra là đúng.
Luật sư: Vậy tại sao cơ quan điều trả xác định là 19,8 tỉ đồng của Hạnh nhận với 30 tỉ đồng anh Quan rút tiền mặt nộp vào tài khoản của Vũ “nhôm”. Tại sao số tiền 30 tỉ đồng này không phải là cấn trừ mà chỉ có 19,8 tỉ đồng của Hạnh?
Đại diện Công ty Thành Đăng: Vẫn xác định là kết luận điều tra là đúng.
Luật sư: Với kết luận điều tra của cơ quan điều tra cho rằng với việc giải ngân bằng tiền mặt thì tại sao số tiền 80 tỉ đồng đó chuyển từ công ty Thành Đăng sang Thành Hiếu, rồi lại chuyển tiếp từ Thành Hiếu qua NH khác thì đó là tiền mặt làm sao mà đúng?
Đại diện Công ty Thành Đăng: Chúng tôi chỉ kí về mặt giấy tờ và hồ sơ đầu, còn sau đó tất cả các việc thu chi cấn trừ là chúng tôi không biết.
Luật sư: Vậy tại sao trong sổ quỹ tiền mặt nhật kí thu chi anh ghi rất rõ?
Đại diện Công ty Thành Đăng: Chúng tôi đã trả lời, đây chỉ là ý kiến của luật sư.
Khẳng định tại tòa, đại diện cty Thành đăng cho biết, qua kết quả đối chiếu của cơ quan điều tra đã thể hiện rõ. Đối với khoản vay này, công ty Thành Đăng chỉ nhận được 90,2 tỉ đồng. Và theo KQĐT thì khoản vay này nằm trong 29 khoản vay đã được tất toán.
Theo Đời sống và Pháp lý, ngày 18/5/2018