HOTLINE: 0913.215.264

Phiên tòa chiều 22/9: VKS đề nghị miễn hình phạt cho 4 Giám đốc Chi nhánh/PGD và Hoàng Thị Hồng Tứ được hưởng án treo

Cập nhật: 22/09/2017
Lượt xem: 1395
VKS: Số tiền chi lãi ngoài 1.576 tỷ đồng không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn là tiền đề tội phạm tham nhũng phát triển
 
Sau gần 1 ngày nghỉ, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần tranh luận.
 
Chiều nay (22/9), phiên tòa sẽ bắt đầu với phần đối đáp của VKS với phần bào chữa của các luật sư.
 
http://luatsunguyenhuythiep.com
Phiên tòa chiều 22/9.
 
Về tội cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, VKS cho rằng, các vấn đề mà LS nêu ra cũng như các vấn đề các bị cáo tự bào chữa có nhiều nội dung trùng lặp.
 
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa và các bị cáo đều thừa nhận đã vượt quá quy định vượt trần lãi suất, nhưng vì hoàn cảnh của ngân hàng và cho rằng 1.576 tỷ đồng không phải là thiệt hại, và nó không phải là hậu quả mà hiệu quả. Theo quan điểm của viện, căn cứ vào quá trình tố tụng, số tiền chi lãi ngoài là trái quy định của NHNN, trái nguyên tắc về quản lý kinh tế, không có khả năng thu hồi. 
 
Việc thực hiện tạm ứng đem ra chi lãi ngoài là vi phạm chế độ tài chính kế toán.
 
Bị cáo Thủy và Dương đều thừa nhận số tiền tạm ứng lấy từ nguồn tiền của OceanBank. Nhưng giấy tờ tạm ứng không ghi đủ thông tin. Đối với việc hoàn ứng, các khoản tiền hoàn ứng lấy từ nguồn tiền khác của OceanBank.
 
Theo luật kế toán, tổ chức không được hạch toán các khoản chi không liên quan đến hoạt động kinh d aonh và không có chứng từ hợp lệ. Như đối với 66 tỷ đồng chuyển từ TK 801 vào tài khoản cá nhân. Căn cứ vào viện dẫn các điều luật kế toán, tiền này căn cứ các bản kê, kế toán đã dựa vào bản kê làm chứng từ để chuyển tiền vào tài khoản các cá nhân. Do vậy, đây là khoản chi không có chứng từ hợp lệ.
 
Hậu quả của việc làm trái nêu trên không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn là tiền đề tội phạm tham nhũng phát triển. Trong vụ án này, liên quan đến số tiền 1.576 tỷ đồng này, đã có các bị cáo bị buộc tội danh tham ô tài sản và tiếp tục có các vụ án khác đang khởi tố. Hậu quả nghiệm trọng hơn là đánh mất lòng tin của người dân vào các tổ chức khi tiền chủ yếu từ các khách hàng lại rơi vào tay một số khách hàng. Đồng thời, cũng góp phần đẩy nợ xấu của OceanBank . Ngày 6/5/2015, NHNN đã mua lại OceanBank, gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, chấm dứt quyền lợi các cổ đông cũ.
 
Trong thời gian 2010-2014, 1.576 tỷ đồng là số tiền chi ngoài lãi suất. Trong số này có 246 tỷ đồng được chi cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt đã cấu thành tội tham ô tài sản và lạm dụng quyền hạn để chiếm đoạt.
 
 
VKS: Việc cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn hành vi tham ô tài sản là không sai
 
Tại phiên toà Nguyễn Xuân Sơn cùng các luật sư của mình cho rằng Sơn không phạm tội tham ô vì:
 
Thứ nhất, các luật sư khẳng định bị cáo không phải là người có chức vụ quyền hạn, Nguyễn Xuân Sơn là phó Tổng giám đốc PVN, không phải là người đại diện vốn góp tại ngân hàng. Bị cáo không thể lợi dụng cái mà mình không có để chiếm đoạt tiền.
 
Thứ hai, 49 tỷ đồng không phải là của PVN.
 
http://luatsunguyenhuythiep.com
Đại diện VKS.
 
Ý kiến của VKS: Kết quả điều tra cho thấy, trong hành vi làm trái, Oceanbank đã sử dụng 1.576 tỷ chi lãi ngoài, được lấy từ 3 tài khoản 801, 3602 và tài khoản Vũ Thị Thuỳ Dương.
 
Trong hoạt động ngân hàng, tuyệt đối không được hạch toán bừa, hạch toán sai, hạch toán phải đúng mục đích. Tiền của Oceanbank cũng là tiền của cổ đông góp vốn, Oceanbank có trách nhiệm quản lý và sử dụng số tiền đó một cách hợp pháp. Nếu số tiền không được sử dụng một cách hiệu quả thì cổ đông cũng chịu trách nhiệm trong phạm vi góp vốn. Việc các bị cáo vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho Oceanbank, và cả các cổ đông lớn.
 
Khoản 246 tỷ bị Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt. Trong số tiền này, 49 tỷ đồng được xác định là tiền của PVN, do PVN là doanh nghiệp nhà nước nên số tiền này thuộc sở hữu Nhà nước. Mặc dù Nguyễn Xuân Sơn không còn là Tổng giám đốc của Oceanbank nhưng chủ chương chi lãi ngoài có từ khi bị cáo về làm Tổng giám đốc ngân hàng. Khi trở lại PVN, với cương vị Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán, là người đại diện vốn PVN tại Oceanbank một thời gian, Nguyễn Xuân Sơn chịu trách nhiệm quản lý tiền của PVN đầu tư vào Oceanbank.
 
Trong số tiền này, đồng phạm giúp sức Nguyễn Xuân Sơn là Hà Văn Thắm. Sau khi Sơn về PVN, do ảnh hưởng lượng tiền gửi lớn của PVN và các công ty con, Thắm đề nghị Sơn tiếp tục giữ quan hệ.
 
Theo quy định về luật chống tham nhũng năm 2005, với việc nắm giữ các chức vụ Phó TGĐ PVN, người đại diện phần vốn vào OceanBank, ông Sơn đã lợi dụng chức vụ của mình tại PVN đơn vị có khả năng chi phối hoạt động của OceanBank đã chiếm đoạt tài sản từ ngân hàng. Do vậy, việc cáo buộc hành vi tham ô tài sản là không sai.
 
 
Vì sao ngân hàng Đại Dương bị xử lý hình sự trong việc chi vượt trần lãi suất?
 
Hành vi Hà Văn Thắm sử dụng BSC thu phí: Hà Văn Thắm ban đầu không thừa nhận BSC là công ty sân sau của NH. Sau đó, Hà Văn Thắm đã thừa nhận. Việc sử dụng công ty BSC thu trên 69 tỷ, Hà Văn Thắm đã có hành vi Lạm dụng chức vụ và đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn.
 
Hoàng Thị Hồng Tứ là chủ tịch CTCP BSC, mặc dù khai không biết số tiền thu được sử dụng việc gì nhưng với cương vị Chủ tịch thì buộc phải biết việc thu phí qua các hợp đồng. Ký khống các hợp đồng dịch vụ là hành vi sai trái. Hồng Tứ đã đồng phạm giúp sức với Sơn và Thắm trong tội Lạm dụng .
 
Phạm Hoàng Giang ban đầu hoàn toàn không khai nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo không biết nguồn tiền này làm gì, bàn bạc với ai về phí dịch vụ này nhưng với chức trách được giao, việc ký hơn 721 hợp đồng bị cáo phải cáo trách nhiệm, đây là hành vi trái PL, tạo hậu quả, nguồn tiền giúp Hà Văn Thắm chi cho Sơn. Do vậy cũng là đồng phạm trong tội Lạm dụng chức vụ.
 
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng ban hành Thông tư 02 (TT02) là trái PL. TT02 do Thống đốc ban hành dựa trên quy định của NHNN và Luật các tổ chức tín dụng. Thực tiễn, TT 02 cho thấy là công cụ hữu hiệu trong huy động vốn của các tổ chức tín dụng. Việc ban hành thông tư là đúng với quy định của pháp luật đúng thể thức đúng thẩm quyền. TT02 có tính bắt buộc đối với các TCTD. TT02 chia sẻ với thị trường nhằm chống lại lạm phát. Bản thân Hà Văn Thắm là doanh nhân thì phải là người làm gương nhưng lại áp dụng sai TT02.
 
Có ý kiến cho rằng nhiều NH cùng thời điểm chi lãi suất vượt trần, chỉ có NH Đại Dương bị xử lý hình sự. Trong thời gian qua, ngoài NH Đại Dương, 1 vài NH khác cũng đã bị xử lý. Ví dụ, vụ án Nguyễn Đức Kiên cho vay liên NH núp bóng..., NH Xây Dựng thực hiện hành vi làm hồ sơ khống rút tiền chi lãi ngoài…
 
1 số NH chi lãi vượt trần bị phát hiện và xem xét xử lý còn tính đến yếu tố khác như quy mô, tính chất vi phạm của NH có tiêu cực và tham nhũng không, còn NH Đại Dương hành vi chi lãi ngoài còn liên quan đến hành vi tham nhũng.
 
Việc thanh tra không phát hiện được sai phạm, liên quan đến trách nhiệm PL, phần luận tội VKS cũng đã kiến nghị Thống đốc NHNN xử lý cá nhân liên quan đến việc thanh tra giám sát NH.
 
Như vậy, việc xử lý về hình sự của Hà Văn Thắm và các đồng phạm tại Ngân hàng Đại Dương không phải là duy nhất, cá biệt như nhận định của các luật sư.
 
 
VKS: Việc chi lãi ngoài chủ yếu phục cho lợi ích của Hà Văn Thắm, không đem lại hiệu quả như các luật sư nói
 
Các luật sư và bị cáo cho rằng việc chi lãi ngoài đã đem lại lợi ích cho OceanBank và các năm qua ngân hàng kinh doanh có lãi và chia cổ tức. 
 
Theo nội dung giám sát thanh tra, từ năm 2010-2011, nợ xấu OceanBank chiếm 12%, vốn chú sở hữu điều chỉnh giảm do ngân hàng phân loại nợ và trích lập DPRR không đúng quy định. Kết luận hanh tra sau đó xác định nợ xấu của OceanBank đạt 49,8%. Vốn huy động cho vay các khách hàng có mối quan hệ chiếm 41,39% dư nợ. Trong nợ xấu, riêng nợ xấu nhóm liên quan đến Hà Văn Thắm chiếm 79,8%.
 
Lợi nhuận đã được hạch toán sai. Quản trị điều hành của OceanBank không khách quan, minh bạch. Báo cáo tài chính không trung thực, không phản ánh đúng tình trạng kinh doanh khác với các khoản lãi dự thu không thu được tính vào thu nhập. Nguồn vốn huy động chủ yếu phục cho lợi ích của Hà Văn Thắm, không đem lại hiệu quả như các luật sư nói.
 
Thông tin OceanBank lãi 1.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận năm 2015 là 48 tỷ nhưng lỗ lũy kế 15.412 tỷ. Năm 2016 lãi 70 tỷ nhưng vẫn lỗ lũy kế 15.340 tỷ đồng.
 
Trong năm 2015, bị kiểm soát đặc biệt, để duy trì tính thanh khoản NHNN đã cho vay đặc biệt. Đến nay, OceanBank mới vẫn chưa hoàn trả khoản vay này. OceanBank mới cũng đang cần hỗ trợ về nhân lực, chuyển nhiều dự án thanh khoản tốt hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh. Điều này chứng tỏ lợi nhuận OceanBank không phải do hiệu quả huy động cho vay vốn từ thời gian trước. Con số lãi 1.000 tỷ là hoàn toàn không chính xác.
 
Về quan điểm, các bị cáo không gây thiệt hại, có bị cáo không chi, nhận tiền trực tiếp. Trong phiên tòa, Hà Văn Thắm đã nhận một phần vi phạm Thông tư 02.
 
Theo VKS, việc chi lãi ngoài, tất cả các bị cáo đều biết. Để thực hiện chủ trương cần nhiều công đoạn. Các bị cáo đều tham gia ở công đoạn khác nhau và đều hướng đến mục đích chung. Đồng phạm không bắt buộc các bị cáo phải tham gia tất cả các công đoạn.
 
Về việc thực hiện hợp đồng lao động, không điều khoản nào yêu cầu tuân thủ cấp trên thực hiện hành vi trái pháp luật.
 
Các bị cáo làm trong ngân hàng đều biết chi phải có chứng từ, có địa chỉ người nhận. Nhưng đã có hàng ngàn tỷ đồng chi không có chứng từ chi.
 
Việc chi ngoài lãi suất, các bị cáo không được hưởng lợi. Nhưng ở mức độ nào đó, có lợi ích nhất định.
 
Bị cáo Hoài Nam là người thành khẩn nhất, thừa nhận các bị cáo đều biết vi phạm TT02 trái pháp luật và bản thân bị cáo không có nhiều lựa chọn.
 
CQĐT và VKS xác định tính chất mức độ vi phạm đối với các bị cáo. Cán bộ hội sở thì có trách nhiệm cao hơn các chi nhánh. Tại các chi nhánh, giám đốc chi nhánh là người có trách nhiệm điều hành cao nhất nên khi có sai phạm chịu trách nhiệm cao nhất. Khi nhận làm giám đốc chi nhánh, việc chi ngoài đã và đang diễn ra. Nhưng xét ở vị trí quản lý, không cản trở, không yêu cầu dừng lại mà tiếp tục đồng ý việc chi diễn ra. Đây là hành vi cố ý gián tiếp. Việc cơ quan điều tra không xét các Giám đốc chi nhánh khác là kiến nghị xử lý có tính hợp lý, thể hiện tính nhân đạo.
 
Khi đề xuất xử lý các bị cáo, chúng tôi căn cứ vào vai trò, tính chất, mức độ vi phạm của bị cáo, vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn thì mức độ vi phạm càng lớn. Với 34 bị cáo, vai trò, tính chất của hành vi phạm tội tương đối cao, việc tính truy cứu trách nhiệm hình sự dựa vào sự phân hoá cá thể trách nhiệm hình sự.
 
Cùng với xem xét trách nhiệm hình sự, VKS đã đề nghị không quy buộc trách nhiệm dân sự với 35 bị cáo, việc xem xét như thế nào do HĐXX quyết định.
 
 
VKS: Bà Phấn phải chịu trách nhiệm dân sự với khoản vay 500 tỷ
 
Về hành vi vi phạm quy định cho vay, LS Trương Thị Minh Thơ - bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn trong phiên đầu xét xử cho rằng, hồ sơ bị mất 81 bút lục, những bút lục này có thể giúp xác định bị cáo Phấn có tội hay không.
 
Qua kiểm tra đối chiếu, có thể khẳng định hồ sơ vụ án còn nguyên vẹn, ngoài luật sư, các luật sư khác cũng đều được phô tô hồ sơ, chưa có ai ý kiến gì. Để đảm bảo tính khách quan, chúng tôi cũng đã nghiên cứu nội dung thì thấy nội dung bút lục là thoả thuận ban đầu về việc chuyển giao ngân hàng Đại Tín giữa Hà Văn Thắm và Hứa Thị Phấn, không nằm trong phạm vi xem xét của phiên toà này.
 
Về vi phạm cho vay, tại phiên toà, Hà Văn Thắm thừa nhận vi phạm quy định cho vay,nhưng cho rằng việc cho vay không phải nhằm tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín mà là theo thoả thuận 3 bên.
 
Kết quả điều tra cho thấy, Hà Văn Thắm biết Đại Tín đã mất thanh khoản, sau đó giới thiệu Danh mua lại ngân hàng, bị cáo có cam kết hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng. Bị cáo cũng thừa nhận việc duyệt cho vay là có tác động của bà Phấn.
 
Đối với Phạm Công Danh, bị cáo không thừa nhận chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện hồ sơ Trung Dung để vay tiền Oceanbank, qua chứng cứ thu thập được, có thể khẳng định Trung Dung thực chất không có hoạt động mua bán kinh doanh, Doanh đã chỉ đạo lập BCTC khống để vay tiền.
 
Nhân viên Oceanbank với tài liệu chứng cứ của tôi thì là chỉ đơn thuần hướng dẫn làm thủ tục vay tiền.
 
Với Hứa Thị Phấn, bà Phấn biết rõ khoản 500 tỷ không phải sử dụng cho sân vận động Chi Lăng mà là trả nợ cho bà Phấn, bà Phấn là người thống nhất với ông Thắm và ông Danh về khoản vay. Là người thúc giục khoản vay và thụ hưởng cuối cùng, do đó bà Phấn phải chịu toàn bộ trách nhiệm dân sự đối với khoản vay trên.
 
Với Trần Văn Bình, Bình không có nhu cầu vay vốn, ký các giấy tờ là vay cho Phạm Công Danh, là cấp dưới nghe lệnh của ông chủ nên làm theo, hành vi của Bình là giúp sức.
 
 
VKS đề nghị miễn hình phạt cho 4 Giám đốc Chi nhánh/PGD, Hoàng Thị Hồng Tứ án treo
 
Sau khi xem xét các lời khai của các bị cáo và lời bào chữa của các luật sư, VKS có một số thay đổi bổ sung như sau:
 
Đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Phạm Hoàng Giang nguyên TGĐ Công ty BSC, Lê Thị Thu Thuỷ - nguyên Phó TGĐ Oceanbank và nguyên giám đốc khối kế toán Vũ Thị Thuỳ Dương.
 
Với Hoàng Thị Hồng Tứ, nguyên Chủ tịch HĐQT BSC, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xử phạt 30-36 tháng treo, thử thách 4-5 năm.
 
Đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Lê Tuấn Anh, Nguyễn Thị Kiều Liên, Nguyễn Minh Đạo, Trần Thị Thu Hương, Hoàng Bích Vân, Nguyễn Quốc Chiến. Đây là 6 bị cáo bị đề nghị trước đó chịu mức án 36-42 tháng tù giam - án nặng nhất trong số 34 giám đốc chi nhánh/PGD.
 
Đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt so với đề nghị trước đối với hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn.. đối với Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Hoàng Giang.
 
Đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ 1 phần hình phạt đối với các 5 GĐ Khối tại Hội sở: Vũ Thị Thùy Dương, Đỗ Đại Khôi Trang, Nguyễn Thị Thu Ba, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Hoài Nam.
 
Đề nghị HĐXX miễn hình phạt đối với Nguyễn Việt Hà (nguyên GĐ Chi nhánh Thái Bình), Nguyễn Thị Loan (nguyên GĐ PGD Trung Yên), Trần Anh Thiết (nguyên GĐ Chi nhánh Hà Nội), Nguyễn Phan Trung Kiên (nguyên GĐ PGD Đông Đô).
 
Ngoài ra, VKS đề nghị trả lại tiền cho các bị cáo: Phan Thị Lan 300 triệu đồng, Nguyễn Trà My 500 triệu đồng, Trần Thị Thu Hương 1,2 tỷ đồng,…
 
Còn lại, VKS giữ nguyên quan điểm mức án tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn và mức án chung thân đối với Hà Văn Thắm.
 
 
Luật sư: Có sự nhầm lẫn, vụ bầu Kiên và Phạm Công Danh không xử lý về chi lãi ngoài
 
Sau phần đối đáp của Viện kiểm sát, LS tranh luận lại quan điểm đối đáp của VKS, luật sư Đào Hữu Đăng – bào chữa cho Hà Văn Thắm mở đầu phần tranh luận. Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm về án phạt của Hà Văn Thắm (chung thân) và Nguyễn Xuân Sơn (tử hình).
 
LS Đào Hữu Đăng:
 
http://luatsunguyenhuythiep.com
LS Đào Hữu Đăng -bào chữa cho Hà Văn Thắm.
 
Tôi không tranh luận về tư cách nguyên đơn dân sự của NH Oceanbank.
 
Về tội cố ý làm trái, lời khai Nguyễn Thị Nga công tác kế toán là minh bạch, trung thực và phản ánh đúng theo quy định của Nhà nước. Vậy tại sao những người kiểm toán, thanh tra không chỉ ra cho OceanBank những sai sót này để ngân hàng có thể khắc phục. Phải chăng việc chi lãi ngoài là 1 thực trạng thực tế nên kiểm toán, thanh tra biết nhưng bỏ qua.
 
Ở đây có sự nhầm lẫn, vụ bầu Kiên và Phạm Công Danh không xử lý về chi lãi ngoài mà là hình phạt khác. Ông Phạm Công Danh ở đây cũng đã xác nhận điều này.
 
Theo ông Phạm Công Danh, ngân hàng của ông chỉ 1 năm thôi cũng chi lãi ngoài 4-6% với mức chi 4.000-5.000 tỷ nhưng ông Danh đâu có bị xử lý hành vi chi lãi ngoài..
 
Việc chứng minh tội phạm, tìm ra tội phạm là trách nhiệm của CQĐT và VKS. Nhưng thực tế cho thấy có 29/34 ngân hàng chi lãi ngoài, điều này cho thấy đấy là thực trạng.
 
Căn cứ nào chứng minh 1.576 tỷ là thiệt hại?
 
Vị đại diện VKS dùng từ thất thoát, điều 165 BLHS là gây hậu quả nghiêm trọng mới cấu thành tội, chứ không phải gây thất thoát.
 
Cơ quan tố tụng phải có nghĩa vụ chứng minh 2 khoản này. CQĐT đã chứng minh 1 phần là cố ý làm trái còn vế có gây hậu quả nghiêm trọng không tôi thấy chưa chứng minh. Việc làm trái không đồng nghĩa với việc gây hậu quả.
 
Trong công tác kế toán, thanh tra kiểm tra kết luận chi phí là hợp lệ, hợp lý. Tuy không đầy đủ chứng từ hồ sơ nhưng không coi đó là thiệt hại.
 
Giám định viên mới chỉ kết luận là cố ý làm trái vậy căn cứ nào nói 1.576 tỷ là thiệt hại?
 
Rõ ràng chi lãi ngoài là có thật, chi đó theo tôi là hợp lý với hoàn cảnh bấy giờ, các NH khác đều vậy, nếu không chi, NH không gửi, rút tiền ồ ạt ra, hậu quả xảy ra có thể đổ vỡ, phá sản NH.
 
Chi lãi ngoài có lợi hơn hay là để NH phá sản hơn? Cái nào thiệt hại hơn cái nào?
 
Nếu chi lãi ngoài là hợp lý thì có coi là thiệt hại hay không?
 
Về yêu cầu bồi thường, NH Oceanbank mới và VKS xác định bồi thường có đúng hay không?
 
Chi phí đó là hợp lý nhưng cần chấp nhận NHNN mua 0 đồng chứ không phải mua lại NH với giá âm 1.500 tỷ. Việc âm vốn là có nhiều nguyên nhân khác nhau, chỉ xem xét khía cạnh chi lãi ngoài đã giúp giữ chân khách hàng, tránh cho ngân hàng phá sản, mang lại lợi nhuận, do đó không thể nói là gây thiệt hại.
 
Bị cáo Hà Văn Thắm đã nhận xử lý nặng mình và xin cho các nhân viên dưới quyền được miễn trách nhiệm hình sự. Đã thừa nhận hành vi làm trái mang lợi ích cho NH, không gây thiệt hại cho NH, nhưng gây hại cho chính sách kiềm chế lạm phát, tôi đồng ý với bị cáo đã có tội cố ý làm trái nhưng trong phần bào chữa và 1 số luật sư khác: NHNN quy định trần LS trong hoàn cảnh lúc đó, nay tình hình đã chuyển biến, Bộ luật hình sự đã thay đổi, cũng đã bỏ những hành vi chi lãi ngoài là tội phạm nên hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
 
 
Luật sư: Không đủ căn cứ kết tội Hà Văn Thắm 2 tội tham ô và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản
 
Về tội Vi phạm quy định cho vay,  Luật sư Đào Hữu Đăng đồng ý với quan điểm của luật sư Nguyễn Thị Bắc, đại diện nguyên đơn OceanBank, về hành vi vi phạm cho vay nhưng không đồng ý với đại diện NH Xây dựng cho rằng ngân hàng không có văn bản lưu trữ biên bản lưu trữ. Việc lưu trữ là thiếu sót của NH Đại Tín, không đổ lỗi hành vi này rồi nói không có trách nhiệm.
 
Về khoản 500 tỷ đồng, các bên đổ lỗi nhưng nhìn lại kết quả hiện nay. Ông Phạm Công Danh mất nhiều nghìn tỷ nhưng không mua được ngân hàng và lĩnh án 30 năm tù gia. OceanBank chuyển 500 tỷ vào Đại Tín nay đang có nguy cơ mất trắng. Bà Phấn còn có một số tài sản thế chấp đang kê biên trong vụ án khác.
 
Ai thiệt hại hơn ai trong quan hệ tay ba này?
 
Tôi không đồng tình quan điểm VKS cho rằng biên bản 3 bên chỉ là hình thức. Nó là một phần hợp đồng tín dụng. Kết luận này của đại diện VKS không khách quan.
 
Bị cáo Thắm thừa nhận mình có tội ở việc biết hồ sơ không đầy đủ nhưng nguyên nhân trực tiếp theo Hà Văn Thắm là do Đại Tín không thực hiện. Nếu Đại Tín chấp hành thì tiền không mất dù hồ sơ không đầy đủ. Bị cáo không phải là người chủ mưu, đề nghị hình phạt nhẹ hơn.
 
Đối với việc thu phí BSC, các khách hàng dù không muốn mất thêm tiền nhưng vẫn chi phí dịch vụ cho BSC. Việc dùng dịch vụ là quyền của khách hàng tự quyết định sau khi cân nhắc. BSC là công ty hợp pháp có đăng ký kinh doanh và hoạt động đúng theo đăng ký kinh doanh.
 
Khái niệm công ty con như thế nào? Dưới các công ty mẹ còn nhiều công ty con. BSC do Hà Văn Thắm thành lập nhưng không là công ty con OceanBank. Không thể gắn hai công ty là một để quy kết số tiền mất của BSC cũng tương tự số tiền OceanBank.
 
Hơn nữa, số tiền 68 tỷ không phải của OceanBank mà là của Hà Văn Thắm.
 
Với tội danh Tham ô, số tiền Sơn chiếm đoạt trừ vào tội danh nào chưa được Viện Kiểm soát rõ ràng. Hiện nay, bản thân bị cáo khai rõ đã chi lãi ngoài, cơ quan điều tra khởi tố vụ án tại các công ty thành viên dầu khí. 
 
Tôi đồng ý với lời nhận tội của Hà Văn Thắm về hai tội danh Vi phạm quy định cho vay và cố ý làm trái nhưng không đủ căn cứ kết tội với hai tội tham ô và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
 
 
Luật sư: Hà Văn Thắm diễn giải các nội dung chuyên ngành nhưng VKS cho là cãi, quanh co, không thành khẩn
 
LS Nguyễn Huy Thiệp bổ sung phần bào chữa cho Hà Văn Thắm.
 
http://luatsunguyenhuythiep.com
LS Nguyễn Huy Thiệp.
 
Phần tranh luận của VKS gây cho tôi thất vọng, tôi xin đặt một số câu hỏi?
 
- Căn cứ nào để xác định 1.576 tỷ là thiệt hại trong việc chi lãi ngoài?
 
- Thiệt hại 1.576 tỷ, Nguyễn Xuân Sơn được xác định chiếm đoạt 246 tỷ, như vậy, một khoản mà có tới 2 nguyên đơn dân sự?
 
- Căn cứ vào đâu để chứng minh Sơn chiếm đoạt?
 
- Căn cứ nào xác định 49 tỷ là của PVN?
 
- 197 tỷ còn lại là của các cổ đông, vậy tại sao không trả các cổ đông mà lại xác định nguyên đơn dân sự mà Oceanbank mới?
 
- Tại sao không xem xét đánh giá đến thoả thuận 3 bên về phong toả tài khoản, tại sao không đánh giá vì sao Trung Dung rút được 500 tỷ rồi sử dụng sai mục đích?
 
- Căn cứ nào để chứng minh tại sao Thắm lại giúp Sơn chiếm đoạt của chính mình? Trong 246 tỷ, có tới 155 tỷ là của Thắm nếu theo phương pháp tính của cơ quan điều tra.
 
Về thiệt hại, tôi cho rằng, cần xác định có thể thiệt hại không, thiệt hại cho ai, ai là người phải nộp lại?
 
Tôi cho rằng có một số nhầm lẫn khi xác định chi lãi ngoài là thiệt hại, VKS nói chi lãi ngoài làm tăng âm vốn dẫn đến NHNN buộc phải mua 0 đồng, âm vốn là từ những khoản nợ khó đòi.
 
Riêng câu chữ khoản nợ khó đòi là nói đến hoạt động thứ 2 trong hoạt động tín dụng, tức là cho vay, việc huy động vốn là hoạt động đầu của hoạt động tín dụng. Nợ khó đòi xuất phát từ hoạt động cho vay, không liên quan đến huy động vốn.
 
Mối quan hệ nhân quả giữa chi lãi ngoài và âm vốn cần phải được chứng minh.
 
246x20%=49 tỷ, Nguyễn Xuân Sơn bị quy buộc tội tham ô tiền của Nhà nước, vậy các cổ đông còn lại của Oceanbank thì sao?
 
Thông tư 02, đối tượng điều chỉnh, mục đích, chế tài có phù hợp với vụ án này không? Phải chăng VKS đã hình sự hoá những quan hệ hành chính?
 
Về nội dung đồng phạm, như luật sư bảo vệ cho Oceanbank đã nêu khái niệm đồng phạm, trong việc này, đối với hành vi Thắm bị quy kết đồng phạm, có thoả mãn khái niệm này hay không? Hồ sơ của Cơ quan điều tra đã công nhận, có sự chuyển giao tiền một cách công khai, chủ trương này còn được thống nhất trên toàn hệ thống, ý thức không phải là vi phạm, hồ sơ không có chữ nào ghi Thắm thoả thuận với Sơn để cho Sơn chiếm đoạt, có xuất hiện ý chí chiếm đoạt hay không? Mục đích chi tiền là gì?
 
Về khoản vay 500 tỷ, chính Đại Tín là người được hưởng, xuất phát từ việc vi phạm thoả thuận 3 bên, dẫn đến việc mất khả năng thu hồi. Việc Thắm nhận tội vi phạm quy định cho vay, đề nghị HĐXX đánh giá sự nhận tội của Hà Văn Thắm là thể hiện sự ăn năn hối cải rất cao.
 
Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của NH Đại Tín, rằng không có căn cứ là tiền tất toán hợp đồng nhóm bà Phấn là 500 tỷ vay của Trung Dung. Tiền dùng tất toán không phải tiền Oceanbank, như vậy, tiền vẫn được phong toả ở Đại Tín, hoàn toàn đúng với việc xác nhận, cho thấy tài khoản của công ty Trung Dung vẫn được phong toả.
 
Về ý kiến cho rằng NH Đại Tín không có trách nhiệm về khoản tiền này, nếu cho rằng nếu nói không có trách nhiệm thì ngân hàng nói thế nào khi khoản 500 tỷ đã được chuyển vào tài khoản Trung Dung tại ngân hàng Đại Tín, chính Tổng giám đốc ngân hàng đã ký biên bản thoả thuận để phong toả số tiền này.
 
Với nhận thức rõ ràng của mình, Hà Văn Thắm đã xác định rằng có vi phạm và đề nghị xem xét vi phạm đó có bị thiệt hại hay không? Với lời khai này việc bị cáo thành khẩn hoàn toàn đúng cơ sở chính sách đúng khái niệm về thành khẩn. Tôi thấy rằng đại diện VKS không cho bị cáo được tình tiết giảm nhẹ không phù hợp tư duy đánh giá. Nếu bị cáo khai trung thực còn có tội hay không do cơ quan tố tụng có trách nhiệm xác định chứ không phải do bị cáo xác định, bị cáo chỉ có nghĩa vụ khai đó đã là tình tiết giảm nhẹ.
 
Ở đây, vì liên quan đến nội dung chuyên sâu TCNH những quan hệ tình tiết nên Hà Văn Thắm diễn giải 1 cách chi tiết mong rằng HĐXX và người quan tâm phiên tòa hiểu. Tuy nhiên, việc diễn giải bị VKS cho là cãi, quanh co, không thành khẩn. Cần xem lại kết luận của CQĐT, VKS để xem xét tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Thắm.
 
Trên tay tôi đang cầm bằng khen chứng chỉ về kết quả hoạt động của bị cáo hòan toàn để được xem xét giảm nhẹ hình phạt theo điều luật…
 
Ở góc độ pháp lý, nếu đủ căn cứ để kết 1 tội nào đó, HĐXX hãy xác định mức hình phạt phù hợp cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng.
 
Theo Trí thức trẻ, ngày 22/9/2017
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN HUY THIỆP VÀ CỘNG SỰ
  Add: 11/B7 Khu Đầm Trấu, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
 Hotline: 0913.215.264
  Phone0243.984.3261 / 0243.984.3262 - Fax: 0243.984.3263
  Email: vietnam@luatsunguyenhuythiep.com 
  Website: http://luatsunguyenhuythiep.com
CÁC GIẢI THƯỞNG
LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI
ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
ĐĂNG KÝ HỦY BỎ
Copyright 2015 luatsunguyenhuythiep.com. ALL RIGHTS RESERVED. Thiết kế websiteSEO - Tất Thành