HOTLINE: 0913.215.264

Phiên tòa sáng 23/9: Luật sư đề nghị VKS chứng minh Nguyễn Xuân Sơn phạm tội Tham ô và Lạm dụng chức vụ

Cập nhật: 23/09/2017
Lượt xem: 1398
Luật sư đề nghị VKS trả lời về đề nghị trả hồ sơ điều tra tội tham ô của Nguyễn Xuân Sơn
 
Sáng nay (23/9), phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần tranh tụng.
 
Luật sư Nguyễn Minh Tâm – bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn đưa quan điểm tranh luận với phần đối đáp của VKS.
 
http://luatsunguyenhuythiep.com
 
Tôi đồng cảm với luật sư Nguyễn Huy Thiệp khi ông nói thất vọng với phần đối đáp của VKS. Ngày 14/9 trong bài bào chữa của chúng tôi sau khi nghe lời luận tội của VKS, chúng tôi đã nhận định VKS không chứng minh tội mà chỉ suy đoán theo tư duy áp đặt, bất lợi cho Nguyễn Xuân Sơn, vi phạm nguyên tắc tư duy logic.
 
Ví dụ, trong giai đoạn 2011-2014 Nguyễn Xuân Sơn không còn ở Oceanbank nhưng để quy buộc, VKS cho rằng trước khi về làm việc tại PVN Nguyễn Xuân Sơn đã bàn bạc với Thắm để chi lãi ngoài; lời đối đáp của VKS không chứng minh đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự.
 
Chúng tôi đã trình bày từng điểm một để phản biện lại các ý kiến nhưng VKS không hề đối đáp trở lại. Do vậy phần đối đáp của VKS ngày hôm qua làm chúng tôi không thỏa mãn và chúng tôi buồn về tinh thần cải cách tư pháp diễn ra trong phiên tòa ngày hôm nay.
 
VKS nói rằng đã nghe chúng tôi bào chữa và ghi nhận những ý kiến của chúng tôi, VKS đã không xem xét sử dụng tài liệu chứng cứ được xem xét công khai bằng giai đoạn xét hỏi, nhưng VKS cho rằng không chấp nhận lời khai đó vì có trách nhiệm phải bảo vệ cáo trạng. Chúng tôi lấy làm lạ về điều này.
 
Cáo trạng là 1 văn bản thể hiện quan điểm của VKSND Tối cao trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án, chỉ là sự phản ánh quá trình nghiên cứu hồ sơ. Phiên tòa có trách nhiệm xem xét tính đúng đắn hay không đúng đắn của cáo trạng, vậy phiên tòa là một cuộc điều tra công khai thì phải thể hiện trên quan điểm luận tội.
 
Tôi không hiểu tư duy nào mà VKS lại làm như vậy. Tội tham ô và Lạm dụng chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Xuân Sơn, số tiền này phát sinh từ quan hệ không thể tách rời giữa những người liên quan Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm. Vậy VKS có chấp nhận ý kiến của luật sư Nguyễn Thị Minh Phương hay không?
 
Đây là vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định số phận pháp lý và số phận Nguyễn Xuân Sơn. LS Phương nói rằng sở dĩ yêu cầu như vậy đẻ giải quyết vấn đề một cách khách quan, tránh oan sai. Việc giao nhận tiền giữa Sơn – Quỳnh là giao dịch được xem xét trong vụ án hình sự chứ không phải dân sự, nên Sơn ko có nghĩa vụ chứng minh lời khai của mình, đó là nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng.
 
Nếu không trả hồ sơ để nhập vào 2 vụ án kia, hậu quả là vội vã bác bỏ lời khai của Nguyễn Xuân Sơn và thừa nhận lời khai của ông Quỳnh chỉ nhận 20 tỷ và những lời khai những người khác khai không nhận tiền là đúng sự thật.
 
Việc kết tội Sơn chiếm đoạt số tiền ngoài 20 tỷ là 1 sự vội vã. Nếu kết án Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt toàn bộ bố tiền đó thì việc khởi tố điều tra 3 vụ án kia sẽ không có ý nghĩa gì. Nếu kết quả điều tra 3 vụ án kia là đúng sự thật, trong khi Nguyễn Xuân Sơn bị án tử hình thì giải quyết hậu quả sai lầm này thế nào, đây là điều tôi băn khoăn trăn trở từ chính lương tâm của mình.
 
Có sự khác nhau nào giữa hành vi Nguyễn Xuân Sơn và một số người khác cũng thực hiện chuyển tiền? Chúng tôi đã chứng minh rằng không có sự khác nhau nào nên không thể tách hành vi để xử lý riêng. Các hành vi này cùng tính chất, cùng dòng chảy đồng tiền, cùng đối tượng nhưng VKS đã tách hành vi của Sơn ra để quy buộc chiếm đoạt 49 tỷ đồng của PVN và 197 tỷ đồng của Oceanbank.
 
Căn cứ pháp lý nào để VKS tách buộc hành vi của Nguyễn Xuân Sơn ra để quy buộc Sơn chiếm đoạt số tiền đó? Nguyễn Xuân Sơn đã khai rõ không chiếm đoạt tiền mà chỉ giúp Thắm chi chăm sóc khách hàng, Thắm đã tin vào tư cách của Sơn và xác nhận Sơn ko chiếm đoạt tiền của mình.
 
Thắm cũng đã kiểm tra và thấy rằng việc nhờ Sơn chăm sóc khách hàng đã đem lại hiệu quả. Lời khai này của Thắm là chứng cứ chứng minh cho Nguyễn Xuân Sơn. Một người bỏ tiền ra, cổ đông lớn nhất xác định Sơn không chiếm đoạt và đã có biện pháp kiểm tra Nguyễn Xuân Sơn, vì vậy chúng tôi dùng nó làm tài liệu chứng cứ để chứng minh tính xác thực trong lời khai của Nguyễn Xuân Sơn.
 
Cơ sở pháp lý nào để số tiền 20 tỷ đồng đc trừ vào 197 tỷ mà không phải là từ số 49 tỷ bị cáo buộc tham ô? Số tiền 69 tỷ quy buộc Sơn chiếm đoạt là chiếm đoạt của ai? Oceanbank hay BSC? Trong khi chủ thể lại không có ý kiến gì.
 
Khi đối đáp về tội tham ô, VKS vẫn không chứng minh mà chỉ suy đoán vì Sơn là người đại diện của PVN nên phải chịu trách nhiệm về số tiền của PVN tại Oceanbank. Chủ thể của tội tham ô và tội Lạm dụng chức vụ, phải chứng minh Sơn là người có chức vụ và quyền hạn tại Oceanbank, đó là quản lý tiền , mà tiền của Oceanbank nằm trong tài khoản. Nguyễn Xuân Sơn có thể vì với tư cách là người đại diện 20% phần vốn có quyền đặt bút ký cho kế toán phải chi cho mình hay không? Nếu vậy tất cả các cổ đông đều có quyền đó.
 
Về tội Lạm dụng, chúng tôi cho rằng số tiền 69 tỷ này Nguyễn Xuân Sơn không thể lợi dụng chức vụ TGĐ của mình để chiếm đoạt tiền. Không có Tổng giám đốc nào lại áp đặt Chủ tịch để chiếm đoạt tiền. Còn khoản tiền 197 tỷ đồng, trong giai đoạn này tiền thuộc về Oceanbank mà Nguyễn Xuân Sơn không còn ở Oceanbank nên không thể lạm dụng chức vụ quyền hạn nào đó để chiếm đoạt tiền này. Sơn không thể lợi dụng cái mà Sơn không có để chiếm đoạt.  Theo tôi, không có căn cứ để nói Nguyễn Xuân Sơn phạm tội Tham ô và Lạm dụng chức vụ.
 
Đề nghị VKS với tư cách đại diện phần vốn PVN đề nghị cho biết Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt 197 tỷ của Oceanbank bằng phương thức và thủ thuật nào?
 
Nguyễn Xuân Sơn đã nói: Bị cáo hy sinh cả tính mạng vì công việc chung. Hồ sơ có tài liệu chứng minh này là thật, thời điểm Nguyễn Xuân Sơn đại diện PVN sang Singapore ký kết, Sơn bị bệnh tắc động mạch nguy hiểm, nhưng đã nói với bác sĩ "tôi không thể không nằm viện, cho tôi phương thuốc để tôi có mặt tại lễ ký kết".
 
Nguyễn Xuân Sơn trước tòa có trả lời lúng túng, đó là trong quá trình hoạt động con người Sơn là con người của công việc chứ không phải con người của phát ngôn.
 
Hà Văn Thắm tin vào tư cách của Nguyễn Xuân Sơn và nhiều người vẫn nghĩ như vậy.
 
Lịch sử tố tụng, đây là vụ án đầu tiên xử lý hình sự chi lãi ngoài. Tôi là người tham gia bào chữa 2 vụ án bầu Kiên và Phạm Công Danh, 2 vụ án này không phải chi lãi ngoài…(HĐXX nhắc luật sư dừng lại nội dung này vì đã nói rồi).
 
Trước đó, bị cáo Nguyễn Quốc Chiến nói bằng tâm can của mình, lấy đi nước mắt của các bị cáo khác. Tại sao? Vì nỗi đau chung của bao người. Chúng tôi mong có sự phán xét công bằng đối với Nguyễn Xuân Sơn.
 
 
Các luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn cho rằng Viện Kiểm sát trả lời chưa thỏa đáng
 
Luật sư Phạm Danh Tín - bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn:
 
Chúng tôi không tán thành nhiều vấn đề. Quan điểm của tôi ở vụ án này 1 hành vi chi lãi ngoài cùng một mục đích, động cơ, đồng phạm mà truy cứu nhiều tội danh. Cụ thể, trong vụ án này, Nguyễn Xuân Sơn chịu 3 tội danh là không đúng quy định pháp luật, quy định tố tụng. Vấn đề này, Viện Kiểm sát chưa tranh tụng lại với chúng tôi.
 
Trong 246 tỷ đồng mà PVN chiếm 20% vốn điều lệ nên Nguyễn Xuân Sơn phải trả PVN 49 tỷ đồng. Tại sao 80% cổ đông còn lại lại không có gì cả, có bình đẳng không? Sự bình đẳng ở đây chưa được xem xét, đề nghị Viện Kiểm sát xem xét.
 
Tham ô tài sản là sử dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý. Về khách quan và chủ quan đều không có căn cứ.
 
Thứ tư, Viện Kiểm sát chưa trả lời thỏa đáng về tội cố ý làm trái. Các bị cáo trong tội danh này không ai mong muốn cho thiệt hại xảy ra. Các bị cáo đều vì cứu ngân hàng, không nghĩ phương hại ngân hàng. Đây là yếu tố bắt buộc trong tội Cố ý làm trái. Cơ quan có thẩm quyển xác định thiệt hại cũng chưa có...
 
LS Nguyễn Thị Minh Phương bổ sung:
 
Hi vọng và niềm tin trong tôi vỡ vụn hết. Chúng tôi đặt một số câu hỏi đề nghị Viện Kiểm sát trả lời nhưng không được.
 
Viện Kiểm sát có hay không tài liệu khi cho rằng Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện phần vốn góp nên Sơn là chủ thể hành vi. Một lần nữa, luật sư chứng minh bị cáo Sơn không là người đại diện phần vốn góp. Công văn giới thiệu đề nghị Nguyễn Xuân Sơn làm Phó Chủ tịch sai thẩm quyền nên không có giá trị, OceanBank chưa từng có sự đồng ý, PVN không có quyết định chính thức.
 
Trong khoảng thời gian 4 tháng cho rằng Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện vốn góp không có văn bản nào nhận chỉ đạo từ PVN. Báo cáo OceanBank gửi về PVN không có chữ ký của người đại diện vốn góp và chỉ có chữ ký của Tổng Giám đốc.
 
Người của PVN sẽ phải được hưởng lương người đại diện vốn nhưng Sơn không có. Hà Văn Thắm đã khẳng định điều này tại phiên tòa và cho biết đây chỉ là khoảng thời gian quá độ chuyển giao giữa ông Nguyễn Ngọc Sự và bà Vũ Thị Thanh Hương.
 
Tại sao lại nắm tóc kẻ trọc đầu khi Nguyễn Xuân Sơn không phải người đại diện vốn góp. Tại sao không chấp nhận lời khai có lợi cho bị cáo.
 
Nhiều người cũng không chứng minh được chi cho ai nhưng bị quy Cố ý làm trái mà không phải Lạm dụng chức vụ như Sơn.
 
Nhiều câu hỏi về khoản tiền 246 tỷ cho rằng Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt chưa được Viện Kiểm sát trả lời.
 
Cơ quan Thuế, kiểm toán có sai hay không khi các khoản chi nếu không ghi nhận sẽ tăng hơn nghìn tỷ đồng lợi nhuận. Thực chất đây là khoản tiền cộng gộp trong 4 năm trong chi phí kinh doanh của ngân hàng.
 
Các luật sư đã đề nghị Viện Kiểm sát đưa ra sự khác nhau giữa khoản tiền 69 tỷ đồng trực tiếp chi và 246 tỷ đồng chi qua trung gian nhưng không được Viện Kiểm sát trả lời.
 
 
Luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh: Bà Phấn phải chịu trách nhiệm khoản 500 tỷ
 
Luật sư Phan Trung Hoài – bào chữa cho Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng.
 
Thứ nhất, xuyên suốt trong quá trình lập hồ sơ cho Trung Dung Vay, không có sự bàn luận thống nhất giữa Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh về mục đích vay vốn.
 
Khoản 500 tỷ bị sử dụng sai mục đích nhưng có gây hậu quả hay không? Cần xác định lại chính xác hậu quả của việc này do có các tài sản đảm bảo. Liên quan khoản tiền này, bị cáo Hứa Thị Phấn phải chịu trách nhiệm.
 
Về nội dung của cam kết 3 bên, người ký với tư cách đại diện ngân hàng Đại Tín không phải là người đại diện theo pháp luật, do đó không có giá trị. Trong khi đó, lúc đó Đại Tín đang đặt dưới sự giám sát của tổ giám sát của NHNN, do đó văn bản này phải có ý kiến của tổ giám sát này. Theo luật sư văn bản 3 bên chỉ là hình thức, các bị cáo vi phạm tội danh vi phạm quy định cho vay của TCTD hoàn toàn biết mục đích thực sự của khoản vay trên là nhằm đảm bảo thanh khoản cho NH Đại Tín.
 
Đề nghị cân nhắc căn cứ xác định tội danh đồng phạm của ông Danh với Hà Văn Thắm hay không.
 
 
Luật sư đề nghị VKS tuyên Nguyễn Minh Thu không phạm tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản"
 
LS Đỗ Mạnh Trường – bào chữa cho Nguyễn Minh Thu - nguyên TGĐ Oceanbank.
 
Theo luật sư, BSC là pháp nhân hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, nộp đầy đủ thuế cho Nhà nước.
 
Về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, bị cáo Thu không thể biết và không biết khoản 12,9 tỷ cách thức sử dụng, điều này nằm ngoài ý chí và công việc của bị cáo nên bị cáo Thu không chung ý chí với bị cáo Sơn và bị cáo Thắm. Mặt khác đây cũng chưa xác định là lợi nhuận của BSC. Do đó không có căn cứ để kết luận bị cáo Thu là đồng phạm với Thắm và Sơn để chiếm đoạt tiền. Luật sư đề nghị VKS tuyên bị cáo Thu không phạm tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
 
Về tội cố ý làm trái, căn cứ vào lời khai của Đỗ Đại Khôi Trang, Nguyễn Thị Thu Ba đã khai không nhận bất kỳ chỉ đạo nào từ Nguyễn Minh Thu. Do đó cần đánh giá giảm trừ trách nhiệm của bị cáo Thu với số tiền 184 tỷ liên đới khối KHCN, giảm trừ 84 tỷ liên đới với bị cáo Thu Ba và 116 tỷ chưa đủ căn cứ xác định.
 
Ngoài ra có những tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Thu tương tự như khối Hội sở, theo tuyến bị cáo Thủy, Nam, Nga, Trang bởi:
 
Nguyễn Minh Thu được đánh giá là thành khẩn khai báo, là người làm công ăn lương, không hưởng lợi, không biết rằng vi phạm pháp luật mà chỉ nghĩ là chế tài hành chính…
 
 
Luật sư: Nếu có căn cứ quy kết Lê Thị Thu Thủy phạm tội Cố ý làm trái thì phải được hưởng các tình tiết giảm nhẹ
 
Luật sư Đỗ Huy Ngọc bào chữa bị cáo Lê Thị Thu Thủy cho rằng lời đối đáp của Viện Kiểm sát thể hiện sự không quan tâm nội dung diễn biến tại phiên tòa của vị đại diện Viện Kiểm sát.
 
Cần đưa Chỉ thị 02 vào để xem xét các bị cáo có hay không vi phạm tội 165 Cố ý làm trái…
 
Góc khuất của vụ án là việc liên quan đến quyết định mua lại OceanBank của NHNN. Việc này sẽ xác định tư cách của OceanBank mới có đủ tư cách nhận bồi thường hay không. Nếu không xem xét tại vụ án này thì không thể xác định được.
 
Kết quả giám định có nhiều vấn đề nhưng chưa được VKS đối đáp.
 
Về việc cá thể hóa hành vi hình sự của bị cáo Thủy, bị cáo Thủy chỉ chịu trách nhiệm với 22 tỷ đồng chứ không toàn bộ tiền liên đới. Vấn đề mà luật sư đưa ra chưa được VKS đối đáp, phản hồi.
 
Tình tiết giảm nhẹ có 5 điều. Bị cáo Thủy đã được bổ sung tình tiết giảm nhẹ về sự thành khẩn của bị cáo. VKS không có tranh luận cụ thể lý do tình tiết giảm nhẹ được áp dụng hay không áp dụng. Chúng tôi vì thế không có căn cứ để tranh luận của VKS.
 
Bị cáo Thủy có tiếng kêu khẩn thiết khi mình không thực hành, không có chức năng duyệt chi. Thiệt hại không nằm ở chỗ bị cáo.
 
Việc xác định số tiền bồi thường không có căn cứ dựa trên hành vi xác định hậu quả. Hậu quả là tài sản bị mất đi do hành vi vi phạm pháp luật. Bị cáo Thủy không là người cầm tiền. Tại sao bị cáo Thủy phải chịu trách nhiệm dân sự. Đây là không có căn cứ. Xác định như thế có chính xác không?
 
Bị cáo Thủy đã chủ động cùng khối thực hiện hoàn ứng bằng tiền mình có thể hưởng một cách hợp pháp với số tiền 2 tỷ đồng. Điều này cho thấy tâm thế khi thực hiện nghiệp vụ này là hoàn toàn trong sáng.
 
Về việc có hay không có tội phạm, luật sư từng hỏi Hà Văn Thắm khi ông vi phạm ông có nghĩ rằng sẽ vi phạm hình sự không và được trả lời là không. Trong khi để cấu thành tội Cố ý làm trái… phải có hành vi cố ý trực tiếp, biết hành vi gây nguy hiểm xã hội. Cấp dưới không thể biết để cùng phạm tội.
 
Luật sư mong VKS đối đáp thiệt tình, đừng để có quá nhiều góc khuất không nhìn thấy được, ảnh hưởng đến các bị cáo ngồi đây.
 
 
Luật sư: Nếu bị cáo Hoàn có vi phạm thì chỉ vi phạm quy trình nội bộ của OceanBank
 
Luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Hoàn - nguyên Phó TGĐ Oceanbank.
 
Bị cáo Hoàn là người làm công ăn lương, thực hiện công việc trên cơ chế, quy định của ngân hàng. Tại thời điểm phê duyệt, Hoàn không biết mục đích vay thực sự mà chỉ dựa trên hồ sơ vay vốn.
 
Theo quy định cho vay của NHNN, Trung Dung có đủ tư cách vay, mục đích vay vốn hoàn toàn phù hợp, có tài sản đảm bảo, có dự án thực hiện đảm bảo dòng tiền. việc phê duyệt cho Trung Dung vay là hoàn toàn đúng các quy định của pháp luật. Nếu bị cáo Hoàn có vi phạm thì chỉ vi phạm quy trình nội bộ của OceanBank.
 
Luật sư bào chữa cho Lê Tuấn Anh
 
Nếu cho rằng Lê Tuấn Anh là người quản lý chi nhánh Thăng Long và phải biết nhân viên chi lãi ngoài là trái pháp luật là không đủ cơ sở. Việc chi lãi ngoài tại chi nhánh đã được thực hiện từ thời Nguyễn Thị Minh Phương là giám đốc, trong quá trình thực hiện, các nhân viên thực hiện chi mà không có báo cáo Lê Tuấn Anh, VKS cũng không đưa ra bằng chứng chứng minh việc Lê Tuấn Anh biết việc chi lãi ngoài. VKS đưa ra lỗi cố ý gián tiếp, nếu cố ý gián tiếp trong trường hợp này là không thoả mãn. Tới thời gian vụ án truy tố, bị cáo Lê Tuấn Anh mới biết chi nhánh mình thực hiện chi lãi ngoài.
 
 
Luật sư mong HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo Phạm Hoàng Giang được trở về sau vụ án này
 
LS Vũ Gia Trưởng - bào chữa cho Phạm Hoàng Giang - nguyên TGĐ BSC.
 
Việc VKS đề nghị xem xet lại việc cấu thành tội phạm của Phạm Hoàng Giang trong tội Lạm dụng chức vụ là một yếu tố tích cực.
 
Về mức hình phạt, đề nghị giảm về mức thấp nhất cho bị cáo. VKS chưa đưa ra mức cụ thể, tội danh cụ thể, đề nghị cho bị cáo không phải tiếp tục cách ly khỏi XH.
 
Về nhận thức, bị cáo đã rất thành khẩn, nhận trách nhiệm và nhận thức có biến chuyển.
 
Có nhân thân tốt, gia đình có công với Cách mạng, bố và mẹ được tặng huy chương kháng chiến hạng nhất và hạng nhì. Hoàn cảnh gia đình, bị cáo Giang đã nói rồi, chúng tôi sẽ gửi tập hồ sơ bệnh án của con gái bị cáo mới 8 tuổi nhưng hàng chục lần phẫu thuật.
 
Mong HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo được trở về sau vụ án này thực hiện trách nhiệm bổn phận người làm cha.
 
 
Luật sư: Căn cứ nào để chứng minh bà Phấn là người thụ hưởng cuối cùng số tiền 500 tỷ?
 
LS Trương Thị Minh Thơ bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn.
 
Về 81 bút lục mà chúng tôi đã kiến nghị, đại diện VKS khẳng định hồ sơ còn nguyên vẹn.  Dường như chúng tôi gửi luận cứ nhưng VKS không đọc.
 
Luật sư Thơ bức xúc 81 bút lục này không phải là bút lục trong vụ án của Phạm Công Danh mà khẳng định liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm.
 
Tôi hoàn toàn toàn thống nhất với LS Thiệp và LS bào chữa cho bị cáo Hoàn. Số tiền 500 tỷ là mục đích sử dụng cho quá trình tái cơ cấu, không phải là thụ hưởng cá nhân. Nếu bà Phấn là người thụ hưởng thì ông Danh lúc đó đã là người sở hữu rồi những tài sản sau khi giải chấp liên quan đến 5 người trong nhóm bà Phấn lại không được trả vào chủ sở hữu. Số tài sản đó hiện đã kê biên đến vụ án liên quan đến VNCB chứ không phải liên quan đến bà Phấn.
 
VKS không có căn cứ chứng minh bà Phấn là người làm hồ sơ vay, phía bà Phấn chỉ là người ký thế chấp tài sản và chỉ bảo đảm cho ½ khoản vay tương đương 250 tỷ đồng.
 
Luật sư khẳng định bà Phấn không hề đồng phạm cho quá trình cho vay Công ty Trung Dung vì hoàn toàn không có bàn luận thoả thuận về mục đích khoản vay. Trong thoả thuận cho mượn tài sản để vay tiền mục đích tái cơ cấu ngân hàng.
 
Căn cứ nào để chứng minh bà Phấn là người thụ hưởng cuối cùng số tiền 500 tỷ.
 
Bản khai của NH Xây dựng không đúng. Việc trích dẫn nguồn tiền không chính xác, không đầy đủ, trọn vẹn đã buộc bà Phấn chịu trách nhiệm với số tiền 500 tỷ đồng và có nghĩa vụ trả gốc và lãi cho OceanBank. Cơ sở đâu để buộc bà Phấn như vậy? Hồ sơ thể hiện rõ Trung Dung mới là người đi vay. OceanBank thu lãi trực tiếp từ Trung Dung chứ không phải bà Phấn.
 
Cho rằng bà Phấn phải trả gốc và lãi nhưng bà Phấn không là người đi vay, ai vay người đó trả. 
 
Nguyên tắc truy thu dòng tiền cuối cùng không phù hợp. Hai bản cung vào lúc bà Phấn đi cấp cứu liệu có đủ khách quan. Tại phiên tòa, Hà Văn Thắm nhắc lại đối với chứng từ mà ông hoàn trả ông Danh 500 tỷ đồng cùng lời khai bà Phấn không muốn bán cho ông Danh. Đây là các nội dung nằm trong 81 bút lục bị rút ra.
 
Theo Trí thức trẻ, ngày 25/9/2017
 
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN HUY THIỆP VÀ CỘNG SỰ
  Add: 11/B7 Khu Đầm Trấu, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
 Hotline: 0913.215.264
  Phone0243.984.3261 / 0243.984.3262 - Fax: 0243.984.3263
  Email: vietnam@luatsunguyenhuythiep.com 
  Website: http://luatsunguyenhuythiep.com
CÁC GIẢI THƯỞNG
LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI
ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
ĐĂNG KÝ HỦY BỎ
Copyright 2015 luatsunguyenhuythiep.com. ALL RIGHTS RESERVED. Thiết kế websiteSEO - Tất Thành