Luật sư: Cần đặt vụ án trong bối cảnh để xem xét khách quan cho các bị cáo
Sáng nay (18/9), phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư tham gia tranh tụng.
Mở đầu phần bào chữa sáng nay, luật sư Nguyễn Phương Nam bào chữa cho nhóm bị cáo là Giám đốc Chi nhánh/ PGD đang bị quy buộc đồng phạm tội Cố ý làm trái…bao gồm Tạ Hoàng Phương, Đỗ Quốc Trình, Hoàng Phương Nga.
Theo luật sư, về bản cáo trạng 19/7/2017 đã không phản ánh đúng bản chất vụ án mà đã quy kết 34 bị cáo đồng phạm với bị cáo Hà Văn Thắm và các bị cáo trong Hội sở. Đến phần luận tội, Viện Kiểm soát đã vo tròn 34 bị cáo trong đó đồng nhất không phân hóa hành vi, hành vi phạm tội ra sao, có phạm tội hay không.
Bị cáo Hà Văn Thắm thừa nhận trả lãi cho khách hàng gửi tiền cao hơn lãi suất trần, các ngân hàng đều thực hiện trong quá trình cạnh tranh. Cần đặt vụ án trong bối cảnh để xem xét khách quan cho các bị cáo.
Luật sư đề nghị xem xét cho các bị cáo
Luật sư Phương Nam tiếp tục bào chữa cho các bị cáo.
Theo luật sư, việc chi vượt trần lãi suất trái quy định thông tư 02 của NHNN đã được thừa nhận nhưng cần nhìn nhận một cách cụ thể đó là thông tư 02 có thực sự đúng với quy định hay không.
Việc chi chăm sóc khách hàng xảy ra trong thời gian dài, nhiều chi nhánh (CN) được thanh tra, kiểm tra nhiều lần nhưng ở tình trạng bỏ mặc làm ngơ, không có biện pháp nhắc nhở, ngăn chặn. Việc chi lãi ngoài không gây thiệt hại cho ngân hàng…
Nguyên tắc xét xử người thực hiện hành vi Tội cố ý làm trái cần phân hóa hành vi. Với bị cáo Tạ Hoàng Phương, GĐ CN Nha Trang, khi CN thành lập bị cáo Phương không được đào tạo còn các nhân viên được đào tạo tại TP.HCM. Bị cáo Phương không cần chỉ đạo lại nhân viên của mình. Việc triển khai chi lãi ngoài lại từ nhân viên khi được đào tạo tại TP.HCM. Vì vậy luật sư đề nghị HĐXX xem xét.
Bị cáo Đỗ Quốc Trình và Hoàng Phương Nga đều ở PGD Phú Mỹ Hưng, thành lập sau cùng và bé nhất nhưng lại có mặt ở đây những 2 bị cáo. Quy kết tại cáo trạng có hơn 2 tỷ, mỗi bị cáo hơn 1 tỷ thì quả là đau xót cho các bị cáo.
Bị cáo Nga được điều chuyển lên CN TP.HCM làm Phó GĐ sau đó bị cáo Trình đang ở 1 PGD khác được điều chuyển về làm GĐ PGD mặc nhiên các điều vẫn diễn ra, bị cáo Trình đứng đầu PGD thì bị truy cứu trách nhiệm. Đề nghị HĐXX xem xét hành vi theo đúng trình tự pháp luật và bản chất. Họ chỉ là quản lý CN, PGD theo hợp đồng lao động làm theo đúng nhiệm vụ của mình.
Luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Văn Chai
LS. Quang bào chữa bị cáo Nguyễn Văn Chai – nguyên GĐ CN Bắc Giang.
Bị cáo Nguyễn Văn Chai làm Giám đốc Chi nhánh Bắc Giang từ tháng 12/2011 đến ngày 5/10/2016. Chi nhánh đã nhận và thực hiện chi lãi ngoài cho khách hàng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Số tiền bị cáo Chai trực tiếp chi lãi ngoài là hơn 4 triệu đồng. Số tiền chưa thu hồi được hơn 3,376 tỷ đồng. Bị cáo bị đề nghị mức án từ 24-30 tháng tù treo. Số tiền nộp khắc phục hậu quả hơn 562 triệu đồng, VKS đề nghị trả lại cho bị cáo.
Theo luật sư Quang, khi bị cáo Chai về làm GD CN Bắc Giang, không hề tham dự cuộc họp chỉ đạo việc chi lãi ngoài của Hà Văn Thắm, chỉ thực hiện chủ trương của hội sở. Ông Chai không hề thực hiện nhận và chi tiền cho khách hàng, việc chi lãi ngoài chỉ được thực hiện qua bà Nguyễn Thị Hoài Thu – Kế toán trưởng, sau đó khi bà Thu nghỉ thai sản thì được chuyển qua bà Thảo. Số tiền được chuyển qua tài khoản cá nhân của bà Thu và bà Thảo, sau đó được chuyển qua thủ quỹ để thực hiện chi.
Ông Chai chỉ có suy nghĩ việc huy động vốn để đảm bảo hoạt động cho ngân hàng, đảm bảo đời sống nhân viên, không hề nhận thức được việc này sẽ bị truy cứu hình sự.
Bị cáo Chai đã tích cực vay mượn nộp để khắc phục thiệt hại là 592 triệu, thuyết phục khách hàng nộp vào 57 triệu vào tài khoản CQĐT. Ngoài ra, bị cáo luôn thành thực khai báo, có nhiều thành tích trong công tác tại ngân hàng. Sức khỏe yếu, căn bệnh viêm tụy viêm loét dạ dày ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Sinh ra trong gia đình Cách mạng, bố là Đảng viên, tham gia cách mạng. Chú ruột và 2 cậu ruột được tặng Huy chương kháng chiến.
Kính mong HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Văn Chai.
Luật sư đặt dấu hỏi về kiểm toán Deloitte và kết quả thanh tra về những sai phạm của ngân hàng
Luật sư Phạm Trung Hiếu bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Thuỷ nguyên GĐ CN Bình Dương (hiện là GĐ PGD Lý Thường Kiệt) bị truy tố tội Cố ý làm trái.
Trước hết, luật sư đánh giá phần luận tội của VKS theo hướng có lợi cho các bị cáo, trong đó có bị cáo Lê Vũ Thủy.
LS cho rằng vẫn chưa đánh giá được vai trò, trách nhiệm của NHNN trong thanh tra, giám sát, đánh giá thiệt hại được cho là do chi lãi ngoài tại Oceanbank.
Cùng một số tiền mà quy kết nhiều tội danh cho nhiều bị cáo là chưa khách quan, cần tách ra để xem xét. Trách nhiệm của bên kiểm toán là công ty Deloitte bởi vì theo bị cáo Nga thì số liệu trên BCTC thì sẽ nhận ra là có sai phạm hay không trong khi bên kiểm toán lại không phát hiện ra vấn đề này. NHNN lại phát hiện sai phạm. Vậy thực tế kết quả đánh giá nào đúng, sai, cần yêu cầu công ty kiểm toán trả lời.
Trong quá trình thanh tra, NHNN có hai đợt thanh kiểm tra Oceanbank nhưng không phát hiện sai phạm trong chi lãi ngoài vượt trần. Tuy nhiên, kết luận giám định NHNN lại có sai phạm chi lãi ngoài, vậy có mâu thuẫn ở đây chăng? Hai đợt kiểm tra không phát hiện vi phạm chi vượt trần lãi suất. Phải chăng trong việc thanh tra này, có một trong vấn đề thanh tra thiếu trách nhiệm hay là trình độ thanh tra còn hạn chế chưa phát hiện ra sơ hở, hay có sai phạm nhưng vì lý do nào đó mà bỏ qua?
Việc chứng minh thiệt hại 1.576 tỷ là gần như bế tắc. Kết luận giám định của NHNN, có nêu việc làm trái Thông tư 02 nhưng không chỉ ra thiệt hại bao nhiêu mà chỉ nói về việc hạch toán chi từ hai tài khoản mà OceanBank đã trích lập dự phòng 100%. CQĐT căn cứ vào đâu để cho rằng có thiệt hại để truy tố các bị cáo. CQĐT có đủ trách nhiệm và trình độ chuyên môn để giám định thiệt hại hay không? Phải chăng, HĐXX nên trưng cầu giám định tiếp để xác định rõ việc thiệt hại.
Bị cáo Lê Vũ Thủy không phải là đồng phạm giúp sức của Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank và Nguyễn Minh Thu – cựu TGĐ Oceanbank. Bị cáo không phải là người chủ trương, thực hiện chi lãi ngoài. Hành vi tiếp sức mà cáo trạng đưa ra đối với bị cáo Thuỷ là không có hoặc không rõ ràng.
Bị cáo ăn năn hối cải trong quá trình điều tra, phạm tội lần đầu với vai trò tiếp xúc mờ nhạt, không có vai trò quyết định mà chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện theo mệnh lệnh, góp công sức cho sự thành công của NH trong các năm qua, có nhân thân tốt. Mong HĐXX tuyên án phạt thấp nhất để bị cáo tiếp tục cống hiến.
Đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho 34 cựu GĐ Chi nhánh/PGD Oceanbank
LS Phạm Quốc Thanh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Viết Hiền, GĐ PGD Âu Cơ.
Tất cả những vấn đề 34 cựu GĐ đã được các luật sư trình bày nên tôi không trình bày lại. Tôi đồng tình với quan điểm của các luật sư khác và tiếp tục khẳng định OceanBank không có thiệt hại, bị cáo Hà Văn Thắm là cổ đông lớn sở hữu 63% vốn của OceanBank và các bị cáo khác là cổ đông của ngân hàng nên không thể gây thiệt hại cho chính mình.
Về ý thức chủ quan không bị cáo nào mong muốn như vậy cả. Đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho tất cả các bị cáo.
Luật sư đề nghị truy đường đi của dòng tiền và buộc bà Phấn hoàn trả số tiền 500 tỷ đồng
LS Phan Trung Hoài – bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) - bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, liên quan đến khoản vay 500 tỷ tại Oceanbank.
Theo Luật sư Hoài trong vụ án này, về khoản thiệt hại trong khoản vay 500 tỷ đồng VKS đã đưa ra đề nghị đền bù thuộc trách nhiệm của nhóm bà Hứa Thị Phấn. Có người nói rằng mức án đề nghị của ông Danh trong vụ án này 16-17 năm tù cũng không ảnh hưởng nhiều đến mức án chung của ông Danh ở vụ án tại Ngân hàng Xây dựng (bị tuyên án 30 năm tù), tuy nhiên chúng tôi cũng muốn làm sáng tỏ sự thật khách quan, ông Danh có phạm tội không vf là một yếu tố quan trọng trong việc xét xử vụ án và ảnh hưởng đến việc xem xét phạm tội với các bị cáo khác.
Luật sư Hoài nhắc lại bối cảnh khi đó là Ngân hàng Đại Tín của nhóm bà Hứa Thị Phấn đang đặt trong tình trạng kiểm soát đặt biệt. Phạm Công Danh tiếp nhận Đại Tín khi ngân hàng là một trong 9 ngân hàng yếu kém.
Ý kiến của LS cũng cho rằng cơ quan giám sát của NHNN cũng có trách nhiệm lớn về vấn đề pháp lý trong chuyển giao NH Đại Tín giữa nhóm Hứa Thị Phấn và Phạm Công Danh. Hiệu lực pháp lý chuyển giao ngân hàng chưa được hoàn thiện nhưng vẫn công nhận và cho chuyển đổi Ngân hàng Đại Tín thành VNCB (sau này Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT).
Tuy nhiên, HĐXX đã nhắc luật sư Hoài nói tập trung về hành vi liên quan của ông Danh trong vụ án này.
Liên quan đến hành vi của Hà Văn Thắm cho Trung Dung vay 500 tỷ có dấu hiệu sai muc đích sử dụng nhưng luật sư cho rằng, chưa đủ chứng cứ kết luận Phạm Công Danh đồng phạm.
Luật sư cũng cho rằng, có đủ cơ sở để khắc phục toàn bộ 500 tỷ nên đề nghị truy đường đi của dòng tiền, buộc bà Phấn phải chịu trách nhiệm với khoản tiền 500 tỷ đồng gốc và số tiền lãi phát sinh, tiếp tục kê biên tài sản của bà Phấn và những người liên quan để giải quyết khoản nợ.
Trong số tài sản cầm cố cho khoản vay 500 tỷ đồng của Oceanbank, ngoài tài sản cầm cố là cổ phần của Công ty Trung Dung (250 tỷ đồng) thì còn có tài sản cầm cố của bà Hứa Thị Phấn. Luật sư cho rằng không bỗng dưng bà Phấn lại cho ông Danh mượn tài sản để vay tiền, vì việc vay tiền này nhằm tất toán cho khoản vay trước đó của bà Phấn tại NH Đại Tín, sau này đổi tên thành VNCB.
Liên quan đến khoản tiền 500 tỷ, VKS trước đó cũng đề nghị buộc Hứa Thị Phấn phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền vay đã chiếm hưởng cùng với số lãi theo quy định cho Oceanbank.
Luật sư Hà Hải bổ sung:
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, thực tế diễn biến tại phiên toà, chúng tôi hoàn toàn thống nhất với quan điểm của vị đại diên VKS trong phần luận tội là bà Hứa Thị Phấn phải chịu trách nhiệm dân sự đối với toàn bộ khoản vay 500 tỷ và lãi phát sinh. Tuy nhiên chúng tôi kính mong quý VKS xem xét lại về mặt tội danh đối với ông Phạm Công Danh về hành vi "vi phạm các quy định về cho vay" với vai trò đồng phạm.
Theo chúng tôi để xác định ông Phạm Công Danh có phạm tội "vi phạm các quy định về cho vay" hay không thì cần thiết phải đặt trong tổng thể của qúa trình chuyển giao Ngân hàng Đại Tín. Do đó cần thiết phải xem xét các yếu tố pháp lý của các thoả thuận, Hợp đồng, các phụ lục và làm rõ toàn bộ quá trình thực hiện thoả thuận, hợp đồng và các phụ lục giữa nhóm bà Hứa Thị Phấn và nhóm ông Phạm Công Danh.
Vì theo chúng tôi khoản vay 500 tỷ của công ty Trung Dung có căn nguyên, nguồn gốc và nằm trong tổng thể Thoả thuận chuyển giao quyền và nghĩa vụ, Hợp đồng mua bán Ngân hàng Đại Tín và các Phụ lục mà nhóm bà Hứa Thị Phấn và nhóm ông Phạm Công Danh ký kết và thực hiện.
Sau khi phân tích, luật sư Hải kết luận thứ nhất, ông Phạm Công Danh không cố ý cùng thực hiện hành vi phạm tội với ông Hà Văn Thắm và bà Hứa Thị Phấn.
Thứ hai, ông Phạm Công Danh không tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực tội phạm của ông Hà Văn Thắm và bà Hứa Thị Phấn và gây thiệt hại cho Oceanbank.
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố pháp lý và quá trình thực hiện thoả thuận, Hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ, các thoả thuận giữa bà Hứa Thị Phấn và ông Phạm Công Danh qua đó làm rõ bản chất của khoản tiền vay 500 tỷ đồng cho thấy ông Phạm Công Danh không thể nào là đồng phạm giúp sức. Mặt khác tham chiếu quy định pháp luật về các dấu hiệu đồng phạm và người giúp sức tại điều 20 Bộ luật hình sự thì vê mặt lý luận chúng tôi nhận thấy hành vi của ông Phạm Công Danh cũng không thỏa mãn các yếu tố cấu thành.
Do đó kiến nghị HĐXX:
Xem xét lại bản chất hành vi của ông Phạm Công Danh trong vụ án và tuyên ông Phạm Công Danh không là đồng phạm giúp sức cho ông Hà Văn Thắm gây thiệt hại cho Oceanbank trong vụ án.
Buộc bà Hứa Thị Phấn chịu trách nhiệm dân sự về khoản vay Oceanbank 500 tỷ, lãi và thiệt hại phát sinh.
Đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ và có hướng thu hồi hoàn trả cho ông Danh toàn bộ số tiền 3.581 tỷ mà ông Phạm Công Danh đã trả cho bà Phấn khi mua ngân hàng Đại Tín vì giao dịch này vi phạm pháp luật.