Hôm nay, HĐXX vụ án Công ty Tiếp thị nông nghiệp chuyển sang thẩm vấn nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quang Hà về việc ký 7 công văn bảo lãnh cho Lã Thị Kim Oanh vay tiền ngân hàng gây thất thoát hơn 39 tỷ đồng. Bị cáo 66 tuổi khai chỉ ký thay khi bộ trưởng vắng nhà và hoàn toàn không biết đến hậu quả các công văn đó.
Nguyên thứ trưởng Nguyễn Quang Hà Với giọng run run của người vừa trải qua cơn tai biến huyết áp dẫn tới méo mồm, liệt nhẹ, bị cáo Hà lập cập giải thích mình ký nhanh các văn bản chỉ để tạo thuận lợi cho cấp dưới. "Bộ trưởng đi vắng và tôi ký thay để giúp đỡ cơ sở, chứ thực chất không biết gì cả". HĐXX hỏi: "Bị cáo là người trực tiếp ký các văn bản vay tiền thì sau đó có quan tâm Công ty Tiếp thị có vay được tiền và sử dụng đúng mục đích hay không?". Ông Hà đáp: "Một ngày, tôi ký hàng trăm văn bản nên không thể kiểm soát hết được. Dưới bộ trưởng là bộ máy giúp việc lớn. Cá nhân tôi có thể có thiếu sót, tôi không thể nhớ và làm hết mọi việc được. Mong quý toà lượng thứ".
Qua các công văn ký bảo lãnh, xác nhận, vay tiền của thứ trưởng Nguyễn Quang Hà, Công ty Tiếp thị đã vay được tiền của các đơn vị sau:
- Tháng 7/1997, vay 10 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, nội dung đầu tư xây dựng triển lãm nông nghiệp.
- 12/1997-1/1998, vay 16 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải, nội dung mua khách sạn 120 Quán Thánh. Còn nợ 3,5 tỷ đồng.
- 12/1997-6/1998, vay 33,5 tỷ đồng từ Cục Đầu tư phát triển Hà Nội.
- Tháng 5/1998, vay 7,5 tỷ đồng của Ngân hàng Đầu tư phát triển Hà Nội.
- Tháng 1/1999, vay 15 tỷ tại Ngân hàng Công thương Ba Đình.
- Tháng 12/1998, yêu cầu Cục Đầu tư phát triển Hà Nội chuyển 4 tỷ đồng ngân sách cấp cho dự án để thanh toán cho Công ty Xây dựng 18.
- Tháng 1/1999, chuyển 4 tỷ đồng ngân sách sang trả nợ Ngân hàng Công thương Ba Đình.
Ông Hà nói không hề được tham gia họp bàn các dự án của Công ty Tiếp thị, nên "không biết gì cả" khi đặt bút ký vào các văn bản do Lã Thị Kim Oanh trình bộ. HĐXX vặn: "Vậy tại sao lại ký tận 7 lần?". Trả lời: "Công ty Tiếp thị đề nghị giúp đỡ".
Về các văn bản đã ký, theo bị cáo Hà, tất cả chỉ có giá trị như giấy giới thiệu cho Lã Thị Kim Oanh làm việc. Còn cho vay hay không tuỳ thuộc vào ngân hàng. HĐXX không đồng ý với quan điểm này, bởi nếu chỉ là giấy giới thiệu thì không cần đến chữ ký của thứ trưởng thường trực, chỉ cần Văn phòng Bộ NN&PTNT thực hiện là đủ. VKS lập luận: "Trong 7 công văn đều có đoạn Bộ đồng ý bảo lãnh cho đơn vị vay tiền và sau khi xong thủ tục xây dựng cơ bản sẽ hoàn trả. Nếu là giấy giới thiệu thì không cần ghi như vậy".
Sau hơn 1 tiếng trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Quang Hà xin phép được ngồi trả lời vì "chân quá mỏi". HĐXX hỏi tiếp về quy trình ký duyệt các công văn. Ông Hà khẳng định, các công văn do ông ký đều đã được các vụ, ngành cấp dưới duyệt và ký nháy. Tuy nhiên, khi tòa hỏi bị cáo Huỳnh Xuân Hoàng cùng nhân chứng Lã Văn Lý (Chánh văn phòng của Bộ), tất cả đều nói có một số công văn là do Lã Thị Kim Oanh đưa thẳng lên cho Nguyễn Quang Hà ký. Bị cáo Hà giải thích: "Vì lúc đó, cô Oanh nói các anh này đều đã thông qua, giờ đang bận họp nên không ký nháy được. Tôi cứ ký duyệt và cô ấy sẽ xin xác nhận của họ sau. Việc này tôi đã sai, nhưng không đáng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây chỉ là sai phạm về thủ tục hành chính". Khi trả lời tòa, có lúc nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT quen tác phong lãnh đạo, vung tay. Ngay lập tức ông bị chủ tọa nhắc nhở. Ông buộc phải xin lỗi vì "không biết quy định này của toà".
HĐXX thẩm vấn Lã Thị Kim Oanh về việc soạn thảo các công văn trên. Nguyên giám đốc Công ty Tiếp thị khai là do nhân viên văn phòng của công ty làm và trình lên Bộ. Chủ toạ hỏi: "Bị cáo có thực hiện đúng như công văn cam kết là vay tiền thực hiện dự án, khi ngân sách rót vốn thì sẽ hoàn trả?". Lã Thị Kim Oanh đáp: "100% thì không, song 50% thì có".
Toà công bố lời khai của Nguyễn Quang Hà tại cơ quan điều tra rằng Bộ NN&PTNT không có quy định nào giao việc ký các văn bản trên cho thứ trưởng thường trực. Bị cáo lý giải: "Đầu óc tôi giờ không còn minh mẫn, tôi nghỉ hưu đã lâu lại vừa phải nằm viện, từng bị liệt và méo mồm. Cách làm việc của các điều tra viên khiến nhiều khi tôi trả lời mà không kịp suy nghĩ. Ban đầu họ bảo tôi làm nhân chứng cho vụ án này. Lần nào trả lời xong tôi cũng nói với họ rằng câu nói của tôi có thể đúng có thể sai vì không còn minh mẫn. Những lời khai tại toà hôm nay là đúng, lời khai sau khi bị khởi tố là chính xác. Còn lời khai tại cơ quan điều tra với tư cách nhân chứng thì chưa đúng lắm".
Trước HĐXX, nguyên thứ trưởng Nguyễn Quang Hà cho biết thời gian làm việc cho Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, khi sắp nghỉ hưu, ông đã đề nghị Bộ trưởng cho thanh tra Công ty Tiếp thị, vì có thông tin rằng đơn vị làm ăn thua lỗ.
Chiều nay, HĐXX chuyển sang thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thiện Luân, người đồng cấp với ông Hà ở Bộ NN&PTNT. Nguyễn Thiện Luân thừa nhận có sai sót khi ký 2 công văn đề nghị nghị ngân hàng giúp đỡ Lã Thị Kim Oanh, với nội dung không đúng sự thật. Ông không kiểm tra nội dung mà vẫn ký vì "quá tin tưởng vào cấp dưới"; đồng thời không nghĩ việc này lại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy. HĐXX hỏi: "Bộ Nông nghiệp có phân công ai ký văn bản bảo lãnh vay tiền?". Nguyễn Thiện Luân trả lời: "Không giao cho ai cả, song cũng không có văn bản cấm các thứ trưởng ký văn bản xác nhận, bảo lãnh đơn vị trực thuộc vay tiền ngân hàng". Bị cáo khai được giao phụ trách mảng triển lãm của Bộ Nông nghiệp, và đã thực hiện đúng chức năng quản lý. Còn sai phạm của Công ty Tiếp thị trong hoạt động đầu tư bất động sản, mua bán nhà đất thì do người khác quản lý. "Trước quý toà tôi không nói sai. Nếu được bộ trưởng phân công ngay từ đầu thì chắc tôi không bao giờ để Công ty Tiếp thị ra tình cảnh này".
Về trách nhiệm quản lý các khoản vay và chi tiêu của Lã Thị Kim Oanh, ông Luân khẳng định đã nhắc nhở bị can Phan Văn Quán (nguyên vụ trưởng Tài chính kế toán) thực hiện. Nhưng không cấp dưới thấy báo cáo lại. Đứng lên đối chất, bị cáo Quán cười khá to và nói: "Anh Luân nhớ thế nào ấy chứ?".
Theo lời khai của Phan Văn Quán, thực hiện công tác quản lý tài chính kế toán của chủ đầu tư là Công ty Tiếp thị, bị cáo đã cho lập tổ thanh tra tài chính. Nhiều lần tổ tới kiểm tra công ty, song không tiếp cận được với hệ thống sổ sách ở đây. "Mọi việc đều được báo lại bằng văn bản hay bằng miệng trong các cuộc họp giao ban với thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân", bị cáo Quán nói.
Tiếp đó, HĐXX thẩm vấn bị cáo Huỳnh Xuân Hoàng (nguyên vụ trưởng Kế hoạch quy hoạch) về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm khi theo dõi việc cấp vốn từ Cục đầu tư phát triển Hà Nội cho Công ty Tiếp thị thực hiện các dự án nhóm A. Ông Hoàng cũng là người tham mưu, ký nháy một số văn bản để thứ trưởng Hà và Luân xác nhận, bảo lãnh cho Lã Thị Kim Oanh vay vốn ngân hàng. Huỳnh Xuân Hoàng thừa nhận có thiếu sót khi không quản lý việc thu chi tài chính của Công ty Tiếp thị, song khẳng định việc ký nháy là hoàn toàn đúng thủ tục. Bị cáo đổ trách nhiệm quản lý vốn cho chủ đầu tư vì "chúng tôi không thể quản lý hết được".
Một số nhân chứng là cán bộ ngân hàng giải quyết thủ tục cho Công ty Tiếp thị đã trả lời HĐXX về quy trình xin vay vốn ngân hàng. Tất cả đều nói không yêu cầu phải có xác nhận của Bộ chủ quản. Lã Thị Kim Oanh không đồng ý với lời khai này. Bị cáo nói: "Chính Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải, Thương mại cổ phần Quân Đội, Đầu tư phát triển Hà Nội và Công thương Ba Đình đã yêu cầu chúng tôi phải làm như vậy. Họ muốn biết nhu cầu vay vốn có thực sự cần thiết hay không và khi nào thì hoàn trả. Nếu không làm theo thì họ không giải quyết". Tỏ thái độ gay gắt, Lã Thị Kim Oanh trình bày tiếp: "Nếu không như thế thì làm sao chúng tôi lại phải vất vả, vẽ ra hàng loạt các thủ tục như vậy. Sở dĩ ngân hàng không dám thừa nhận là vì họ đã làm sai. Theo quy định, doanh nghiệp vay vốn không cần phải có ý kiến xác nhận của Bộ chủ quản".
Ngày mai, HĐXX tạm nghỉ. Thứ hai, tòa tiếp tục phần thẩm vấn 8 bị cáo.
Theo VnExpress, 23/11/2003