Chiều 13/12, trong phần tranh luận, các luật sư của bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều cho rằng không đủ căn cứ để buộc tội thân chủ của họ phạm tội Tham nhũng
Lỗi của tập thể?
Trong phần bào chữa của mình, luật sư Ngô Ngọc Thủy, bào chữa cho bị cáo Dũng cho rằng, không có bằng chứng nào thể hiện thân chủ của ông phạm tội Tham ô.
Ông Thủy nói: “Số tiền hơn 28 tỷ đồng Cty AP chuyển vào tài khoản Cty Phú Hà, vậy căn cứ pháp lý nào nói đó là tài sản của Tổng cty Vinalines?
Dương Chí Dũng (trái) và Mai Văn Phúc tại tòa Nếu căn cứ vào hồ sơ thì đó là tiền của Cty AP chuyển cho cty Phú Hà, không có căn cứ buộc bị cáo Dũng phạm tội Tham ô tiền của Vinalines”.
Theo luật sư Thủy: Lời khai của bị cáo Sơn về việc đưa tiền cho bị cáo Dũng là không có căn cứ, lời khai phiến diện, một chiều.
Ông Thủy khẳng định: Không có cơ sở để nói đến sự liên quan giữa bị cáo Dũng và số tiền mà Cty AP chuyển cho cty Phú Hà.
Cũng không có thông tin nào nói số tiền này là của Vinalines. Không có tài liệu kế toán chứng tỏ số tiền mà ông Dũng bị quy kết tội Tham ô đó là tài sản của Vinalines.
Đối với tội Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng mà VKS truy tố bị cáo Dũng, luật sư Thủy cho rằng, bị cáo Dũng chỉ là Chủ tịch HĐQT, trong vụ án này CQĐT chưa làm rõ được trách nhiệm của các thành viên trong HĐQT.
Những người khác là thành viên HĐQT họ không có tên trong hồ sơ vụ án dù họ là những người sản sinh ra những Nghị quyết của Vinalines. Nếu đã truy tố bị cáo Dũng và Phúc thì phải kéo theo các thành viên khác của HĐQT.
Bị cáo Dũng với vai trò Chủ tịch HĐQT chỉ là người thực hiện ý kiến của HĐQT mà thôi. Bị cáo Dũng không phải là ông chủ, mà phải làm việc dưới sự chỉ đạo của HĐQT. Sai sót của anh ta xuất phát từ sai sót của cả HĐQT.
“Kiểu gì thì bị cáo Dũng cũng phải ký, nếu các thành viên HĐTQ đã đồng ý, kể cả anh ta có đồng ý hay không. Vậy hành vi phạm tội của bị cáo Dũng xuất phát từ sai trái của cả HĐQT" - ông Thủy nói.
Cùng bào chữa cho bị cáo Dũng, luật sư Trần Đình Triển đã đưa ra hai văn bản mà theo ông là có lợi cho bị cáo nhưng CQĐT đã không đưa vào hồ sơ vụ án.
Các luật sư tham gia bào chữa tại tòa ngày 13/12. Ông Triển nhắc đến việc hỗ trợ tư pháp chưa được thực hiện: “Trong cáo trạng, trang 34, CQĐT đề nghị tương trợ tư pháp nhưng đến nay chưa có kết quả nhưng vẫn đưa vụ án ra xét xử. Nếu ông Goh bảo tiền đó tôi chuyển cho em ông Sơn là để đầu tư theo đúng hợp đồng đã ký thì khi đó sao đây?”.
Theo ông Triển, nếu trong một dự án đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước thì khác, đây là vốn vay, vốn huy động, không sử dụng nguồn ngân sách. Cáo trạng cần nêu rõ điều đó ra, không nên mập mờ.
“Việc này có sai sót nhưng không phải cố ý làm trái mà là Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Anh Dũng thiếu kiểm tra kiểm soát dẫn đến hậu quả”, lời ông Triển.
Về tội tham ô mà VKS quy kết cho bị cáo Dũng, ông Triển cho rằng: Số tiền mà thân chủ của ông Triển bị quy kết đã tham ô lại không phải là tài sản của Vinalines.
“Với điều kiện đó không thể buộc tội Tham ô, phải là tội Nhận hối lộ. Mà nếu tội Nhận hối lộ thì phải có người đưa hối lộ” - ông Triển lập luận.
Ông Triển cũng nêu vấn đề: Theo luật phòng chống rửa tiền đã có hiệu lực, việc ông Sơn mang valy chứa vài tỷ đồng mà vẫn có thể đi qua hải quan thì cần đặt câu hỏi.
“Tiền mang qua sân bay hàng tỷ đồng, giấy tờ hải quan đâu? Trong khi theo luật phòng chống rửa tiền thì thanh toán trên 200 triệu đồng đã phải thông qua ngân hàng rồi.
Cty Phú Hà tạo hợp đồng giả để chuyển tiền mà bỏ ra ngoài pháp luật liệu nghe được không?”, ông Triển nói.
Luật sư Triển cho rằng: Nhiều chứng cứ chưa được làm rõ, đề nghị trả hồ sơ điều tra lại, cần lấy ý kiến bên Singapore để họ tương trợ tư pháp, làm rõ số tiền 1,666 triệu USD.
Luật sư của bị cáo Dũng cũng đưa ra những tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ của mình như: Bị cáo xuất thân gia đình có truyền thống cách mạng, có nhiều thành tích trong công tác, có nhiều bằng khen của các cấp...
Đề nghị điều tra lại tội Tham ô
Bào chữa cho bị cáo Phúc, luật sư Nguyễn Huy Thiệp bày tỏ đồng tình của mình đối với phần bào chữa của 3 luật sư bị cáo Dũng.
Ông Thiệp nói: "Vào thời điểm đó ông Phúc nhận chức mới được 2 tháng, do sức ép thúc đẩy tiến độ, khi xem các tờ trình đều thấy có đầy đủ chữ ký các phòng chuyên môn đồng ý và đề nghị TGĐ ký, ông Phúc đã tin vào các phòng chuyên môn nên đã ký tờ trình phê duyệt triển khai dự án".
Về tội Tham ô mà ông Phúc bị cáo buộc, luật sư Thiệp cũng cho rằng, không đủ căn cứ buộc ông Phúc tội Tham ô. Luật sư yêu cầu tách tội Tham ô ra, trả hồ sơ để điều tra lại.
Theo Vietnamnet, ngày 13/12/2013