Ngày 12.12, TAND TP.Hà Nội sẽ đưa vụ án "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ra xét xử. Theo dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài trong vòng 3 ngày, từ 12 - 14.12.
Trước đó, Viện KSND tối cao đã ký quyết định truy tố 10 bị can, gồm: Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines; Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines; Bùi Thị Bích Loan, nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán Vinalines; Mai Văn Khang, nguyên Phó ban đóng mới tàu biển; Lê Văn Dương, đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện, đều thuộc Chi cục Hải quan Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa và Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.
Được biết thẩm phán Ngô Thị Ánh sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tọa phiên tòa và 15 luật sư sẽ tham gia bào chữa cho 10 bị cáo. Trong số này, một mình Dương Chí Dũng có tới 3 luật sư tham gia bào chữa.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2007 cho tới hết năm 2008, Vinalines triển khai xây dựng Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, với tổng số tiền 3.854 tỉ đồng. Sau đó, Vinalines điều chỉnh mức kinh phí lên tới hơn 6.488 tỉ đồng, đồng thời xúc tiến mua ụ nổi 83M từ Nga.
Đáng chú ý là mặc dù biết ụ nổi này đã qua 43 năm sử dụng, hư hỏng nhiều, nhưng Dương Chí Dũng vẫn quyết định hợp thức hóa để mua với giá 9 triệu USD, trong khi giá trị thực chỉ vào khoảng 2,3 triệu USD.
Được biết, các bị cáo Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức đã giúp sức để đưa ụ nổi về Việt Nam. Ụ nổi 83M khi được đưa về nước lại không sử dụng được do bị hỏng hóc. Dương Chí Dũng tiếp tục chỉ đạo đầu tư sửa chữa ụ nổi. Số tiền dùng cho việc sửa chữa ụ nổi, tiền bến bãi, tiền lãi vay ngân hàng… lên tới 370 tỉ đồng.
Thương vụ trót lọt, Dương Chí Dũng cùng Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn được các đối tác nước ngoài "lại quả" 1,66 triệu USD, tương đương 28 tỉ đồng. Cụ thể, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc chia nhau mỗi người 10 tỉ đồng, còn Trần Hải Sơn nhận hơn 7,8 tỉ đồng và Trần Hữu Chiều nhận 340 triệu đồng.
Dương Chí Dũng được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu, còn các bị can khác có vai trò đồng phạm tích cực, phạm vào tội "Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Vẫn theo cáo trạng, sau thời gian dài điều tra, chiều 17.5.2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt quyết định khởi tố thì Dương Chí Dũng... biến mất, mặc dù sáng cùng ngày (17.5.2012) Dương Chí Dũng vẫn đến cơ quan làm việc.
Tới ngày 18.5.2012, lệnh truy nã đặc biệt đối với ông Dương Chí Dũng được phát đi.
Ngày 4.6.2012, Tổ chức Interpol ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng.
Ngày 24.7.2012, 6 bị can liên quan đến vụ án này bị khởi tố, gồm Bùi Thị Bích Loan, Lê Văn Dương, Mai Văn Khang, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức về hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan chức năng cũng khởi tố bổ sung đối với bị can Trần Hải Sơn về tội danh trên.
Đến ngày 4.9.2012, Dương Chí Dũng bị bắt, kết thúc 3 tháng trốn chạy.
Theo báo Thanh niên, ngày 11/12/2013