Tiếp theo tin đã đưa, chiều nay (23/4), 3 luật sư Trần Đại Thắng, Ngô Ngọc Thủy và Trần Đình Triển cùng cho rằng, chưa có đủ chứng cứ để kết luận bị cáo Dương Chí Dũng tội tham ô... Còn VKS tiếp tục đề nghị tuyên tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc.
Theo luận cứ của luật sư Thủy, dấu hiệu cấu thành tội tham ô là phải “tham ô tài sản” do mình trực tiếp quản lý. Nhưng Dũng không trực tiếp quản lý tài sản của Vinalines.
Luật sư cho rằng không có chứng nào chứng minh số tiền 1,666 triệu USD đó là tài sản của Vinalines và không có tài liệu nào chứng minh họ đã thống nhất với nhau trong việc "chia chác" khoản tiền 1,666 triệu USD.
Luật sư Thủy cũng cho rằng, cơ quan điều tra đã rất khéo trong việc sử dụng lời khai của bị cáo và các nhân chứng sao cho phù hợp. Lời khai của các nhân chứng đều là người nhà của bị cáo Sơn thì có tránh khỏi tâm lý khai báo có lợi cho người thân của mình?.
Từ những biện luận của mình tại phần tranh luận, luật sư Thủy đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại để có thể đi đến một phán quyết có lý, có tình.
Luật sư Trần Đại Thắng-bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Dương Chí Dũng khẳng định, nếu quy kết tội đối với bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mà không xem xét trách nhiệm của thành viên HĐQT của Vinalines là có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm. Đề nghị xem xét không quy kết bị cáo Dũng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” mà nên quy kết tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, luật sư Trần Đình Triển cho rằng, đối với tội tham nhũng cần phải có đủ bằng chứng kết tội. Do vậy việc tuyên án tử hình đối với bị cáo Dương Chí Dũng cần phải có đầy đủ bằng chứng.
Việc tuyên án sơ thẩm và kết luận của Viện Kiểm sát tối cao tại phiên tòa phúc thẩm là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Lý do ông Triển đưa ra là vụ án chưa thực hiện tương trợ tư pháp vì vụ án đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Luật sư Triển đề nghị có đầy đủ bằng chứng kết tội, tâm phục khẩu phục; đồng thời đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm đối với tội tham ô, đề nghị trả hồ sơ điều tra lại.
Sau phần tranh luận của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Dương Chí Dũng, luật sư Hoàng Huy Được mở đầu phần tranh tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Mai Văn Phúc.
Luật sư Được cho rằng, khi đánh giá chứng cứ phải khách quan đầy đủ, lời khai của Hải Sơn về ông Mai Văn Phúc đã chỉ đạo đoàn công tác “phải mua bằng được ụ nổi 83M” là chỉ có căn cứ một chiều, phiến diện và đầy mâu thuẫn.
Bào chữa cho tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của bị cáo Mai Văn Phúc, luật sư Được biện luận, ông Phúc mới “chân ướt chân ráo” về nhận chức Tổng Giám đốc Vinalines, chưa nắm được nội tình nên ông Phúc buộc phải tin vào cơ quan tham mưu ở cấp dưới. Mặt khác, nếu ông Phúc không thực hiện Nghị quyết của HĐQT trong việc thực hiện dự án sửa chữa tàu biển phía Nam thì đồng nghĩa với việc ông không hoàn thành nhiệm vụ.
Kết thúc phần tranh luận của mình, luật sư Được cũng đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vụ án.
Tiếp phần bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc, luật sư Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu phần tranh luận của mình.
Luật sư Thiệp đề nghị cần thận trọng xem xét chứng cứ, lời khai của vụ án để đảm bảo dân chủ, thực hiện tinh thần cải cách tư pháp và tránh để oan sai.
Nói về tội cố ý làm trái của bị cáo Phúc, luật sư Thiệp đề nghị cần phân tích mục đích, động cơ của bị cáo. Ở đây, mục đích của bị cáo là tích cực trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện Nghị quyết của HĐQT. Bản thân bị cáo thiếu thông tin, mới nhận chức được 2 tháng, công việc bề bộn. Bị cáo không đủ khả năng, thời gian để cập nhật thông tin…
"Do vậy, không thể nói bị cáo cố ý trong việc làm trái. Cố ý tức là biết sai nhưng vẫn làm. Việc bị cáo thừa nhận sai sót thể hiện sự thành khẩn của bị cáo. Mong HĐXX thông cảm cho suy nghĩ, nhận thức của bị cáo"- Luật sư Thiệp nói.
Đối với tội Tham ô tài sản của bị cáo Phúc, luật sư Thiệp biện luận: "Nếu có số tiền 1,67 triệu USD, đầu tiên là chuyển tiền cho “sếp” – đó mới là lẽ thường chứ không phải cấp phát từng miếng, từng miếng cho sếp như vậy”.
Luật sư Thiệp cũng cho rằng, căn cứ tài liệu vụ án, trước khi nhận số tiền 1,67 triệu USD trước một tháng thì Công ty Phú Hà được thành lập. Vậy phải chăng việc thành lập công ty này là để thực hiện chuyển số tiền tham ô về…. Trong khi đó, ông Goh cũng khẳng định trong lời khai là hoàn toàn không biết Công ty Phú Hà. Điều này mâu thuẫn với lời khai của Trần Hải Sơn là ông Goh chỉ đạo chuyển tiền qua Công ty Phú Hà.
Từ những lập luận của mình, luật sư Thiệp đề nghị cần làm rõ, xem xét ai là người quyết định số tiền này. Luật sư Thiệp cũng đề nghị hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại.
Trong khi đó, đại diện VKSND Tối cao đề nghị tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án tử hình đã tuyên với Dương Chí Dũng và Mai văn Phúc.
đánh giá kháng cáo của 9 người, đại diện VKSND Tối cao nhận định trong việc mua ụ nổi cũ nát 83M, các bị cáo đã làm trái quy định của nhà nước, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng. Ở tội Tham ô, 4 bị cáo đã chia nhau 1,66 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) "lại quả" từ bên bán.
VKS cho rằng kháng cáo kêu oan của hai tử tù Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines, cựu Cục trưởng Hàng hải), Mai Văn Phúc (cựu Tổng giám đốc) và Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines, án 19 năm), Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, 22 năm), Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines, án 7 năm) là không có cơ sở để chấp nhận.
Việc cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Phúc 18 năm tù do Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế là cao so với vai trò của bị cáo này. Tuy nhiên, ông Phúc cùng ông Dũng, Sơn, Chiều bị đề nghị tăng mức tiền bồi thường.
Với 4 bị cáo còn lại gồm: Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam, án 7 năm), Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, án 8 năm), Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong, 8 năm), Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong kiêm phó chánh văn phòng Cục hải quan Khánh Hòa, án 8 năm), VKS cho rằng mức án và bồi thường cấp sơ thẩm tuyên là quá cao, đề nghị giảm cho họ.
Kháng cáo của ba người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có vợ và người tình của ông Dũng muốn lấy lại một phần các căn nhà bị kê biên, VKS cho rằng không có cơ sở chấp nhận.
Theo VNTimes, 23/4/2014