Tại phiên phúc thẩm chiều 24/4, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc) tỏ ý bức xúc vì cho rằng, tài liệu các luật sư đưa ra không nhận được lời nhận xét nào của đại diện VKS.
"Tại sao các tài liệu luật sư Trần Đình Triển đưa ra không được VKS nhắc đến, phải chăng là VKS không đọc? Chúng tôi đưa ra những mâu thuẫn giữa những lời khai của bị cáo Sơn về thời gian, địa điểm đưa tiền cho bị cáo Phúc. Tại sao VKS không phản bác? Phải chăng là VKS đồng tình với quan điểm của chúng tôi?"- Luật sư Thiệp bức xúc nói.
Luật sư Trần Đình Triển nói về việc đã cung cấp văn bản của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhưng không được VKS trả lời. Ông Triển cũng lật lại, Sơn khẳng định chưa từng liên hệ với ông Goh nhưng luật sư đưa ra được 9 văn bản, mail trao đổi để cuối cùng đưa ra giá 9,1 triệu USD. Tại sao VKS không nói gì đến chi tiết này.
Luật sư Trần Đình Triển đề nghị VKS cần đánh giá đúng các tài liệu luật sư đã cung cấp từ cấp tòa sơ thẩm. Luật sư cho rằng VKS đã không đọc những nội dung quan trọng nhất trong bản tuyên thệ của ông Goh, cụ thể như việc ông Goh nói toàn bộ quá trình mua bán không hề có thương thảo với ông Phúc, ông Dũng.
Nhận xét việc các luật sư đưa ra quan điểm “hơi căng, hơi gay”, đại diện VKS cho rằng cơ quan công tố cũng là một ý kiến, sẽ được HĐXX xem xét, định đoạt cũng như ý kiến của luật sư nên tinh thần tranh tụng phải… tích cực hơn.
VKS trả lời: "Chúng tôi đã xem kỹ bản tuyên thệ của ông Goh để đưa vào vận dụng, đánh giá".
Nội dung luật sư Triển nói về công văn của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, VKS khẳng định rất cầu thị. Trước sinh mạng con người, cơ quan công tố phải rất cẩn trọng, để đảm bảo cả yêu cầu không được để lọt tội phạm càng phải cẩn trọng hơn. Công văn chỉ đạo về chỉ định thầu này của Phó Thủ tướng, VKS hiểu áp dụng trong trường hợp khác.
VKS cho biết, theo tài liệu điều tra ghi nhận, cũng theo lời tuyên thệ của ông Goh, khoản 1,666 triệu USD được trích từ số tiền thanh toán lần thứ hai là 8,1 triệu USD. 9 triệu USD Vinalines dùng để thanh toán việc mua ụ nổi là khoản tiền ký quỹ, vay của Ngân hàng Citibank. Số tiền này nằm trong số tiền mua ụ nổi, được Vinalines sử dụng từ tiền của nhà nước.
Vụ án được điều tra không quả tang. Vụ án xảy ra từ 2008 nhưng đến 2012 mới được điều tra. Trong 4 bị cáo tham ô chỉ có 2 bị cáo thừa nhận tội. Chúng tôi ghi nhận quá trình điều tra rất trung thực, khách quan, không có sự mớm cung, ép cung, nếu có việc ép cung, mớm cung thì Dũng, Phúc không thể không nhận được (ý là nếu có ép cung, mớm cung thì Dũng và Phúc đã nhận tội rồi - PV).
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi, 1,666 triệu USD là có thật nhưng khoản tiền có ở đâu, ai đàm phán, ai thỏa thuận là vấn đề bản chất cần làm rõ. Nếu không thì rất có thể có người phải chịu trách nhiệm thay cho hành vi của người khác.
Luật sư Trần Đại Thắng – luật sư thứ 3 bào chữa cho Dương Chí Dũng “bồi” thêm, ông Goh lý giải thông tin ụ nổi được bán giá 9 triệu USD là vì gồm giá vận chuyển mà việc thỏa thuận ngày 7/7/2007 này do Trần Hải Sơn thực hiện, không có sự tham gia của Dũng, Phúc.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tại phiên tòa
Còn về câu trả lời việc liên hệ tư pháp với Nga, tòa nói, nếu được sẽ làm rõ sau, luật sư Triển bức xúc, tính mạng 2 con người, sau xử phúc thẩm, án có hiệu lực ngay. Vậy nếu sau đó thi hành án rồi mới chứng minh được nhiều tình tiết phát sinh từ Nga thì có phải oan cho 2 mạng người?
“Chứng cứ đâu để nói đoàn khảo sát đi Nga biết giá của ụ nổi 83M là dưới 5 triệu USD. Chỉ đạo của Dũng, Phúc yêu cầu mua bằng được ụ nổi này qua công ty AP. Chứng cứ đâu? Ông Goh tác động với Dũng, Phúc để ủng hộ mua ụ nổi. Chứng cứ đâu?”– luật sư Triển đặt một loạt câu hỏi.
Theo Người đưa tin, 24/4/2014