Lúc 17h30 phút ngày 16-12-2013, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP.Hà Nội đã đọc phần quyết định, tuyên mức án cao nhất là tử hình cho 2 hai bị cáo đầu vụ Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Trong giây phút nghe tuyên án, Dương Chí Dũng đã suy sụp, không còn giữ được nét mặt bình thản như trong những ngày xét xử.
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án Tòa kết luận, hành vi của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đã phạm tội tham ô tài sản, các bị cáo Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn với vai trò đồng phạm giúp sức. VKS truy tố các bị cáo về tội danh này là đúng pháp luật.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc là người có thẩm quyền quyết định vụ án, đã trực tiếp chỉ đạo tham gia, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Các bị cáo bị áp dụng tình tiết tăng nặng khi xét tội cố ý làm trái. Riêng bị cáo Dương Chí Dũng đã cố ý bỏ trốn, định trốn sang Mỹ nhưng không được nhập cảnh nên bị trục xuất. Đây là hình thức trốn tránh trách nhiệm, phạm vào tình tiết tăng nặng khi xét cả 2 tội danh.
Dũng có nhiều thành tích, được tặng nhiều bằng khen, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bị cáo có bố mẹ là cán bộ cách mạng, có nhiều thành tích, được khen thưởng nên cũng được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ở mục này.
Bị cáo Mai Văn Phúc cũng được xác định có nhiều thành tích trong quá trình công tác, là quá trình xem xét giảm nhẹ trách nhiệm của bị cáo trong vụ án.
Trần Hữu Chiều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã nhờ gia đình nộp lại đủ 340 triệu đồng đã chiếm hưởng để góp phần khắc phục hậu quả. Trần Hải Sơn cũng được nhận định đã thành khẩn khai báo, có bố đẻ là cán bộ tham gia cách mạng.
HĐXX cho rằng, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có vai trò ngang nhau, cần nghiêm trị với tính chất người chủ mưu cầm đầu. Bị cáo Trần Hữu Chiều là người sau Dũng, Phúc, tham gia có mức độ. Trần Hải Sơn tuy không có vai trò quyết định nhưng có tính chất tham gia rất tích cực. Ý thức của Chiều cao hơn Sơn.
Nhóm bị cáo phạm tội tham ô, Dũng và Phúc đều không nhận tội; việc chiếm hưởng mỗi người 10 tỷ đồng là số tiền đặc biệt lớn, cần nghiêm trị. Chiều chỉ nhận 1 số tiền nhỏ trong số 1,666 triệu USD tham ô. Trần Hải Sơn tham gia với vai trò tích cực, chiếm hưởng 7,8 tỷ đồng, gia đình đã nộp lại 2 tỷ đồng nhưng mức trách nhiệm vẫn cao hơn Chiều. Cần buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền chiếm hưởng và buộc bồi thường số tiền gây thiệt hại.
Với vật chứng, 3 căn hộ đang kê biên của Dương Chí Dũng có 2 căn hộ mang tên chị T., trong khi theo lời khai, các căn bộ này chủ yếu Dương Chí Dũng bỏ tiền mua hoặc mua toàn bộ, vậy nên không có căn cứ lời khai của bà Phạm Mai Phương (vợ Dũng) khai là đúng nên tiếp tục kê biên 2 căn hộ này để đảm bảo thi hành án.
Với căn nhà của Dũng ở phố Nguyên Hồng, xác định thuộc sở hữu của vợ chồng Dũng – Phương, tiếp tục kê biên để đảm bảo trách nhiệm thi hành án. Với nhà ở Quảng Ninh thuộc sở hữu của vợ chồng Mai Văn Phúc, tiếp tục kê biên để đảm bảo trách nhiệm thi hành án của Mai Văn Phúc.
Đối với Bộ GTVT, để Vinalines xảy ra nhiều sai phạm có trách nhiệm của Bộ này, tòa kiến nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định. Với Bộ Tài chính, trong thời gian dài triển khai dự án của Vinalines, bộ không thanh kiểm tra để xảy ra sai phạm lớn. Ngân hàng Citibank làm thủ tục khiến thất thoát số tiền lớn của nhà nước, kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra.
Với nhóm bị cáo Dương Chí Dũng và các đồng phạm là lãnh đạo tại TCty Hàng hải Vinalines, HĐXX nhận định, đủ căn cứ kết tội các bị cáo về hành vi tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định quản lý của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tòa quyết định tuyên phạt Dương Chí Dũng án tử hình về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt tử hình. Tương tự, Mai Văn Phúc nhận án tử hình về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt tử hình.
Khi 2 án tử hình cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc được tuyên, tiếng gào thét thảm thiết vang lên giữa phòng xử án... Riêng, Dương Chí Dũng vẫn giữ được nét mặt bình thản, không phản ứng.
Chủ tọa phiên tòa buộc phải dừng giữa chừng yêu cầu lực lượng bảo vệ phiên tòa đưa người phụ nữ kêu khóc thảm thiết ra ngoài để tiếp tục phần tuyên án.
Tòa tiếp tục tuyên án. Cựu Phó Tổng GĐ Trần Hữu Chiều bị tuyên 10 năm tù về tội tham ô tài sản, 9 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 19 năm tù.
Nguyên Trưởng BQLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam Trần Hải Sơn nhận 14 năm tù về tội tham ô tài sản, 8 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt năm tù 22 năm tù.
Mai Văn Khang - Trưởng Ban đóng mới tàu biển Vinalines bị phạt 7 năm tù về tội cố ý làm trái. Cựu Đăng kiểm viên Lê Đăng Dương nhận án 7 năm tù vì cố ý làm trái. Cựu kế toán trưởng Bùi Thị Bích Loan 4 năm tù tội cố ý làm trái.
Nhóm 3 bị cáo là lãnh đạo, cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong “bỏ lọt” cho khối sắt phế liệu khổng lồ 83M được thông quan vào Việt Nam là Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện cùng chia nhau án phạt 8 năm tù về tội cố ý làm trái.
Ngoài ra, tòa cũng tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường khoản thiệt hại 367 tỷ đồng gây ra do thương vụ mua bán ụ nổi “cao niên” 83M. Cụ thể, chia theo tính chất, mức độ hành vi phạm tội, 2 bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc phải bồi thường 110 tỷ đồng/người; Trần Hữu Chiều 39 tỷ 340 triệu đồng; Trần Hải Sơn 42 tỷ đồng; Bùi Thị Bích Loan 6 tỷ đồng; Lê Văn Dương 15 tỷ đồng; Mai Văn Khang 12 tỷ đồng; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng mỗi người 9 tỷ đồng.
Theo Dân trí, ngày 16/12/2013