Nguyên Trưởng Ban Kiểm soát PVN cho biết năm 2017 bà có nhận được điện thoại của Chủ tịch Đinh La Thăng đề nghị giúp xác nhận việc bàn bạc chủ trương PVN góp vốn vào OceanBank mặc dù thực tế không hề có cuộc họp về việc này.
Chiều 19/6, những người bị triệu tập đến phiên tòa phúc thẩm vụ án PVN 3 lần góp vốn vào OceanBank với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã trả lời các câu hỏi của HĐXX và luật sư.
Sau 3 lần góp vốn vào OceanBank để duy trì tỷ lệ sở hữu vốn 20%, PVN đã góp lần lượt 400 tỷ đồng, 300 tỷ đồng và 100 tỷ đồng, tổng số vốn góp là 800 tỷ đồng. Sau khi OceanBank bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, PVN bị mất quyền cổ đông.
Bà Phan Thị Hòa, nguyên thành viên HĐQT/HĐTV PVN, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát PVN cho biết trước cuộc họp HĐQT PVN ngày 30/9/2008 để bàn về việc PVN góp vốn 20% vào OceanBank, bà không được biết tới việc góp vốn, cũng như không biết đến thỏa thuận của Đinh La Thăng.
Bà Hòa cho biết, tất cả các thành viên HĐQT đều có mặt trong cuộc họp này, ngoài ra còn có Phó TGĐ PVN Nguyễn Ngọc Sự và Trưởng Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt, Nguyễn Xuân Sơn.
Bà Phan Thị Hòa, cựu thành viên HĐQT PVN được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Thực chất cuộc họp HĐQT PVN ngày 30/9/2008 chỉ để hoàn tất thủ tục hành chính, bởi trước đó giữa Đinh La Thăng và Hà Văn Thắm đã ký thỏa thuận để PVN góp vốn 400 tỷ đồng vào OceanBank.Đáng chú ý, ngay sau đó HĐQT PVN gửi văn bản đến Ban Tổng giám đốc PVN yêu cầu ông Nguyễn Ngọc Sự cung cấp báo cáo tài chính, tình hình phân loại nợ và trích lập dự phòng của OceanBank. Tuy nhiên HĐQT của PVN đã không nhận được công văn phúc đáp.
Trong lần góp vốn thứ hai (tháng 5/2010) khi OceanBank tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, bà Phan Thị Hòa mặc dù là Trưởng Ban Kiểm soát của PVN đã không yêu cầu Ban TGĐ, HĐTV phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về việc góp vốn vào OceanBank.
Giải thích cho việc này, bà Hòa khẳng định trước đó đã có ý kiến đồng ý của Thủ tướng.
“Trước đó 2 tháng có Nghị quyết của HĐQT PVN trong việc cân đối vốn của Tập đoàn, đó là công việc thường xuyên. Vì vậy, văn bản của Thủ tướng đề nghị rà soát cân đối vốn thì trước đó chúng tôi đã làm, và thấy không thiếu vốn”, bà Phan Thị Hòa cho hay.
Về việc PVN mất trắng 800 tỷ đồng vốn góp vào OceanBank, cựu Trưởng Ban Kiểm soát của PVN cho rằng trách nhiệm thuộc về những người có liên quan, nhưng mức độ có phần khác nhau.
“Việc PVN đầu tư vào OceanBank không phải nguyên nhân gây thất thoát tiền mà do quá trình hoạt động của ngân hàng, do người điều hành đã có những sai phạm, mà chúng tôi là cổ đông nên không biết được sai phạm đó. Việc ngân hàng bị lỗ là do hoạt động tín dụng cho vay dưới chuẩn không đúng quy định của Nhà nước, gây ra nợ xấu, dẫn đến trích dự phòng quá nhiều và báo cáo tài chính thể hiện lỗ tại thời điểm NHNN thanh tra. Nguyên nhân chính là do hoạt động cho vay không đúng của ngân hàng”, bà Hòa đổ trách nhiệm cho phía OceanBank.
Liên quan tới việc bàn bạc, thống nhất chủ trương PVN góp vốn vào OceanBank, bà Hòa cho biết năm 2017 bà có nhận được điện thoại của Chủ tịch Đinh La Thăng đề nghị giúp xác nhận việc bàn bạc chủ trương mặc dù thực tế không hề có cuộc họp về việc này.
“Do nể nang nên tôi ký”, bà Hòa cho biết.
Tiêp theo bà Hòa, một nguyên thành viên khác của HĐQT PVN là ông Hoàng Xuân Hùng cũng khẳng định ông Đinh La Thăng không tổ chức lấy ý kiến các thành viên HĐQT về việc góp vốn vào OceanBank. Và chỉ đến khi họp HĐQT ông mới được biết PVN đã ký thỏa thuận với OceanBank.
Ông Hùng cũng xác nhận vì nể Đinh La Thăng nên đã giúp nguyên Chủ tịch PVN ký xác nhận rằng có được bàn bạc về chủ trương PVN góp vốn vào OceanBank. Tuy nhiên thực tế không hề có cuộc họp nào để lấy ý kiến các thành viên HĐQT.
Ông Hoàng Xuân Hùng, nguyên thành viên HĐQT PVN được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo bản án sơ thẩm, các ông bà Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh và Phan Thị Hòa, nguyên Thành viên HĐQT PVN khai: Trước khi Đinh La Thăng ký Thỏa thuận hợp tác số 6934/TTHT ngày 18/9/2008, không tổ chức họp HĐQT để bàn về chủ trương góp vốn vào Oceanbank. Ngày 30/9/2008, trong một cuộc họp HĐQT PVN do Đinh La Thăng chủ trì, ngoài các thành viên HĐTV có Nguyễn Ngọc Sự và Nguyễn Xuân Sơn cùng tham dự. Sơn có báo cáo việc Oceanbank mời PVN tham gia góp vốn, trong đó PVN góp 20%, cán bộ công nhân viên góp 10% và Đinh La Thăng đã ký Thỏa thuận hợp tác số 6934/TTHT ngày 18/9/2008. Đến thời điểm này, các thành viên HĐTV mới biết PVN có chủ trương góp vốn vào Oceanbank.
Tháng 3/2017, Đinh La Thăng điện thoại nhờ xác nhận việc HĐQT PVN đã bàn bạc, thống nhất về chủ trương PVN góp vốn vào Oceanbank và giao cho Đinh La Thăng ký Thỏa thuận số 6934/TTHT với Oceanbank. Do cả nể nên ông Hùng, ông Cảnh, bà Hòa đã ký xác nhận cho Đinh La Thăng vào Giấy xác nhận ghi ngày 28/3/2017. Riêng ông Đỗ Văn Đạo không ký xác nhận theo đề nghị của Đinh La Thăng.
HĐXX cấp sơ thẩm nhận định: Do năng lực yếu kém của Oceanbank và những hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm, Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã bị thua lỗ nghiêm trọng không còn giá trị vốn của chủ sở hữu dẫn đến toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng vốn góp của PVN đã bị mất hoàn toàn khi Ngân hàng Nhà nước phải mua bắt buộc Ngân hàng TMCP Đại Dương để Nhà nước phải khắc phục các hậu quả thiệt hại nặng nề của ngân hàng này gây ra.
Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại số tiền 800 tỷ đồng của PVN là do các hành vi trái pháp luật của Đinh La Thăng và các bị cáo đồng phạm gây ra. Trong thời gian từ 2009 đến 2013, Ninh Văn Quỳnh đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Theo Infonet, ngày 20/6/2018