Sáng 22-6, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm với ông Đinh La Thăng vì bị cáo là người đưa ra chủ trương cố ý làm trái, chỉ đạo các bị cáo khác phạm tội, hậu quả gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.
Ngày 22-6, phiên xét xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đồng phạm trong vụ án PVN mất 800 tỉ đồng khi góp vốn vào OceanBank tiếp tục diễn ra.
Ký thỏa thuận góp vốn không thông qua HĐQT
Trước khi tranh tụng, đại diện VKS giữ quyền công tố tại Tòa đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.
Theo VKS, xét kháng cáo của các bị cáo, căn cứ các tài liệu chứng thu thập được cũng như kết quả tranh luận tại tòa thấy rằng trong việc góp vốn vào OceanBank giai đoạn 2008-2011, ông Đinh La Thăng với tư cách Chủ tịch HĐQT PVN đã ký thỏa thuận về việc tham gia góp vốn vào OceanBank.
Việc ký thỏa thuận này, bị cáo Thăng chưa thông qua HĐQT PVN, trái với quy định điều lệ của PVN được ban hành, trái với chế độ làm việc tập thể của PVN.
Mặt khác, ông Thăng đã chỉ đạo góp vốn vào OceanBank trong khi chưa biết tình hình hoạt động kinh của ngân hàng này, đặc biệt là danh mục cho vay, chứng khoán, trích lập các quỹ dự phòng… Điều này trái tinh thần của công văn Bộ Tài chính yêu cầu cần báo cáo rõ tình hình tài chính của OceanBank để tránh rủi ro.
VKS: "Bị cáo Thăng làm trái ý kiến của Chính phủ"
Đối với lần góp vốn thứ 3, luật tổ chức tín dụng đã có hiệu lực nhưng ông Thăng vẫn cho chủ trương góp vốn.
Đầu tháng 5-2011, bị cáo giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank cũng như không quán triệt, khống chế nghị quyết tăng vốn đợt 2 lên 5.000 tỷ đồng… là vi phạm luật tổ chức tín dụng.
Không những thế, lần góp vốn này các bị cáo cũng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù ở lần góp vốn 2, PVN có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lộ trình tăng vốn.
Tuy nhiên, với tinh thần chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực, PVN phải hết sức thận trọng trong lần tăng vốn, có nghĩa là việc tăng vốn lần 2 cũng phải xin ý kiến của Thủ tướng.
VKS đánh giá trong ba lần góp vốn bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm làm trái ý kiến của Chính phủ có tính hệ thống. Việc các bị cáo báo cáo Chính phủ xin chủ trương chỉ mang tính thủ tục, thể hiện việc góp vốn của các bị cáo rất bàng quan với thực trạng của OceanBank.
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng việc góp vốn 3 lần, PVN có được 244 tỷ, đầu tư có lãi, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương còn đánh giá OceanBank xếp loại A, nhưng theo kết luận lợi nhuận là ảo, thực chất số tiền này chính là tiền gốc của các cổ đông góp vào. Việc trả cổ tức này chỉ là che giấu việc làm ăn thua lỗ, kêu gọi đầu tư của OceanBank.
Theo nhận định của đại diện cơ quan giữ quyền công tố, việc OceanBank mất vốn chủ sở hữu chỉ là vấn đề thời gian, trước sau cũng mất vốn.
Không có cơ sở xem xét kháng cáo
Theo đại diện VKS, việc xét xử các bị cáo về tội cố ý làm trái, riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị xét xử thêm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.
Xét hình phạt và bồi thường thấy rằng tính chất vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo xâm phạm tới tài sản của nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng niềm tin quần chúng nhân dân, hậu quả các bị cáo gây ra rất rất nghiêm trọng.
Trong đó, bị cáo Thăng là người đưa ra chủ trương cố ý làm trái, chỉ đạo các bị cáo khác phạm tội với hậu quả đặc biệt lớn.
Bản án sơ thẩm cũng đã xem xét, đánh giá đến quá trình đóng góp của bị cáo Thăng cho xã hội, bị cáo thành khẩn khai báo về hành vi, được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo vị đại diện VKS, bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật, bị cáo Thăng không có tình tiết nào mới nên cần giữ nguyên án sơ thẩm 18 năm tù.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh là đồng phạm giúp sức tích cực, hành vi gây ra hậu quả đặc biệt lớn cho PVN.
Bị cáo là kế toán, hiểu biết rõ các quy định về kinh doanh, yêu cầu của Bộ Tài chính, hiểu thực trạng của OceanBank. Không những thế, bị cáo nhận 20 tỷ đồng do Nguyễn Xuân Sơn đưa cho nên có vai trò quan trọng sau bị cáo Thăng.
Tòa sơ thẩm đã cho bị cáo Quỳnh hưởng các tình tiết giảm nhẹ là có căn cứ đúng pháp luật, án sơ thẩm cơ bản phù hợp, không nặng.
Ngoài ra bị cáo Quỳnh còn lạm dụng chức vụ chiếm đoạt số tiền lớn, xâm phạm tính thanh liêm của cán bộ công chức. Án sơ thẩm tuyên bị cáo 16 năm tù dưới mức thấp nhất là phù hợp, không nặng nên không có cơ sở giảm nhẹ.
Tương tự, đối với kháng cáo của các bị cáo khác, theo nhận định của đại diện VKS, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ bởi mức án cấp sơ thẩm tuyên là phù hợp…
Đối với kháng cáo dân sự của các bị cáo, đại diện VKS cũng cho rằng không có cơ sở chấp nhận. Cũng trong phần phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, cơ quan giữ quyền công tố đề nghị HĐXX ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với Nguyễn Xuân Sơn do ông Sơn rút kháng cáo.
Từ những phân tích nêu trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo kêu oan, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin miễn trách nhiệm dân sự của các bị cáo.
Theo Tuổi trẻ, ngày 22/6/2018