VKS đối đáp các ý kiến bào chữa của luật sư và bị cáo
Sáng nay thứ Bảy ngày 24/3, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) khi đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương (OJB – OceanBank) gây thiệt hại cho PVN 800 tỷ đồng tiếp tục diễn ra.
Hôm nay VKS sẽ tham gia đối đáp lại các ý kiến bào chữa của luật sư và bị cáo trong hai ngày qua.
Trước đó trong hai phiên vừa qua, các luật sư đã đưa ra các luận điểm, chứng cứ để bào chữa cho thân chủ của họ rằng không cố ý làm trái. Các bị cáo cũng tự bào chữa rằng họ không sai, tất cả việc đầu tư của PVN vào ngân hàng là được phép và mang về lợi nhuận. Gốc rễ của vấn đề phải là việc mua 0 đồng một ngân hàng không yếu kém như OceanBank (không được cảnh báo, không được đưa vào diện kiểm soát đặt biệt). Hơn nữa, nếu được bán vốn cho các đối tác năm 2014 thì đã không có chuyện thất thoát xảy ra, vì trước khi NHNN vào mua lại 0 đồng thì có 1 công ty Singapore ngỏ ý mua 15% và một công ty trong nước muốn mua 5% phần vốn của PVN ở OceanBank.
Riêng bị cáo Phan Đình Đức và nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo này khẳng định không đủ bằng chứng để buộc tội cho bị cáo, mong HĐXX xem xét kỹ lời khai của các bị cáo và người làm chứng, đồng thời tuyên ông Đức không có tội.
Về tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bị cáo Ninh Văn Quỳnh, bị cáo khẳng định chỉ nhận của Nguyễn Xuân Sơn 20 tỷ trong khi Sơn khai 180 tỷ có cả căn hộ cao cấp ở dự án Star City tại Hà Nội. VKS đề nghị tuyên ông Quỳnh trả lại PVN số tiền 20 tỷ nhưng PVN không nhận vì cho rằng đó là mối quan hệ riêng của ông Sơn và ông Quỳnh. Ngân hàng OceanBank đề nghị trả lại 20 tỷ cho ngân hàng vì ông Sơn lấy tiền từ ông Thắm, ông Thắm lấy từ ngân hàng để mang đưa cho ông Quỳnh.
VKS cho rằng bị cáo Đinh La Thăng đã cố tình che giấu sự việc
Theo đại diện VKS, việc luật sư Phan Trung Hoài cho rằng các thành viên HĐQT mặc nhiên biết được chủ trương đầu tư vào ngân hàng là không đúng.
Bản thân bị cáo Đinh La Thăng ý thức được điều này nên năm 2017 đã có xác nhận lại với các ông bà gồm ông Cảnh, bà Hòa…về việc đã biết chủ trương này từ trước, tuy nhiên chỉ có 3 người vì cả nể ông Thăng nên ký vào, còn một người không ký. Như vậy là bị cáo đã cố tình che giấu.
VKS cho rằng đủ căn cứ để cấu thành tội cố ý làm trái với Phan Đình Đức
Lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra đều thừa nhận đã ký trên văn bản 124 của Phó Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn về đợt tăng vốn đợt 2 là bị cáo đã ký biểu quyết đồng ý. Nhưng tại tòa bị cáo lại thay đổi lời khai.
Với những lời khai của nhân chứng và các chứng cứ về các văn bản lưu trữ, VKS cho rằng không có chứng cứ nào cho thấy các văn bản đó đã thay đổi.
Theo quy định của PVN thì thành viên HĐQT mặc nhiên ký vào các văn bản của HĐQT thì mặc nhiên đồng ý với các nội dung trong văn bản đó.
Hơn nữa cũng theo quy định và điều lệ của PVN, các thành viên HĐTV phải chịu trách nhiệm trước tập đoàn và Thủ tướng, nên việc ký kết vào văn bản 124 mặc nhiên là bị cáo phải chịu trách nhiệm.
Do vậy quan điểm của VKS là hành vi của bị cáo Phan Đình Đức đã cấu thành tội cố ý làm trái, đồng phạm với các bị cáo khác trong việc ký vào văn bản 124 để HĐQT ban hành nghị quyết đầu tư vào OceanBank.
VKS cho rằng không có văn bản nào quy định cơ quan quản lý phải cảnh báo các bị cáo không được làm sai
Bị cáo Đinh La Thăng và các luật sư cho rằng công văn trả lời của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng chỉ là gửi PVN để biết, không phải yêu cầu thực hiện.
Theo quan điểm của VKS là không đúng, vì trong đó có đề cập đến việc đề nghị PVN báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện.
Về việc các bị cáo không biết sai luật TCTD sau khi luật đã có hiệu lực 5 tháng.
Theo VKS, các bị cáo không biết và không có hướng dẫn, không có cảnh báo nào rằng mình đã làm sai thì điều này là không đúng vì không có văn bản nào quy định là cơ quan quản lý phải cảnh báo với các bị cáo không được làm sai. Đây là tư duy không phù hợp.
VKS cho rằng đủ căn cứ để cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với Ninh Văn Quỳnh
Về ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh nói bị cáo không chiếm đoạt vì không có động cơ nào. Tuy nhiên VKS khẳng định hành vi của bị cáo Quỳnh đã đủ căn cứ chiếm đoạt tài sản, hơn nữa bị cáo chiếm đoạt tài sản khi đang giữ chức vụ kế toán trưởng ở PVN, nếu không giữ chức vụ này thì bị cáo Sơn và ông Thắm đã không có chủ trương đưa tiền cho ông Quỳnh nên đủ để cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm...
VKS cho rằng ông Đinh La Thăng đã cố ý làm trái, các biện minh là không có căn cứ
Về ý kiến bị cáo Đinh La Thăng không cố ý làm trái.
Theo đại diện VKS, trong cáo trạng đã nêu rõ, kết quả điều tra tại tòa cũng rất rõ, trong bài phát biểu luận tội trước tòa VKS cũng đã nói rõ nội dung, phân tích đánh giá hành vi làm trái của bị cáo, nên không cần nhắc lại.
VKS chỉ khái quát lại các hành vi của các bị cáo đã cố ý làm trái bao gồm: Ký thỏa thuận 6934 năm 2008 không thông qua hội đồng quản trị; nghị quyết 7289 năm 2010 góp vốn khi chưa có ý kiến Chính phủ; không thực hiện theo văn bản của Bộ Tài chính; ký góp vốn để oceanbank tăng vốn điều lệ năm 2010 không xin ý kiến Chính phủ; góp vốn năm 2011 tăng vốn thêm 100 tỷ vượt quá quy định của luật TCTD. Các hành vi này vi phạm điều lệ của PVN, vi phạm luật TCTD…
Với nhóm vấn đề về ý thức chủ quan, các bị cáo đều là những người nắm nhiều chức vụ cao thì buộc phải nắm được pháp luật. Trong vụ án này VKS thông cảm các bị cáo thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng. Nhưng trong HĐQT có nhiều người nhưng ý thức tuân thủ pháp luật khác nhau, điển hình trong số các thành viên HĐQT có ông Hoàng Xuân Hùng đã không ký vào văn bản vì cho rằng đó là chủ trương không phù hợp, vì thế đã không biểu quyết mà phê vào văn bản là yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra lại và ông Hùng không ký. Các bị cáo không thể biện minh cho mình là không cố ý làm trái được.
Về việc các bị cáo cho rằng không có ý kiến nào quy định phải có ý kiến rồi mới thực hiện, mà cần phải có chủ trương nội bộ rồi mới xin ý kiến Thủ tướng và việc này không sai, VKS cho rằng các bị cáo đều là người nắm vị trí cao, từng kinh qua nhiều vị trí, đặc biệt là bị cáo Đinh La Thăng. Các bị cáo biết rõ nguyên tắc của pháp luật là với công chức những gì phải xin chủ trương thì phải xin ý kiến về chủ trương trước khi thực hiện, nhưng các bị cáo đã không làm như vậy.
Nếu Đinh La Thăng không cho phép Ban Tổng giám đốc đi đánh giá tìm hiểu Oceanbank thì các bị cáo Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh không dám đi tìm hiểu. Muốn làm được gì thì phải có ý kiến của người lãnh đạo. VKS chứng minh rằng bị cáo Thăng đã làm trước rồi mới xin chủ trương sau. Do đó VKS cho rằng đây là biện minh không có căn cứ.
Quyết định mua 0 đồng với OceanBank vẫn nguyên giá trị
Về việc NHNN mua 0 đồng với OceanBank. VKS cho biết hôm nay NHNN đã gửi văn bản 1861 đến HĐXX và các luật sư cũng đã nhận được.
VKS cho rằng quyết định mua 0 đồng vẫn còn nguyên giá trị. NHNN đã phải mua lại OceanBank là đòi hỏi tất yếu. Nhiều ý kiến cho rằng mua 0 đồng là không thỏa đáng. Bởi trước đó OceanBank đã âm vốn điều lệ âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần, NHNN đã yêu cầu cổ đông nộp tiền vào nhưng cổ đông không nộp, việc mua lại 0 đồng khiến Nhà nước đã phải chịu tổn thất.
VKS khẳng định việc mua lại bắt buộc 0 đồng là có cơ sở pháp lý. Tại thời điểm này cũng không có căn cứ bác lại việc mua 0 đồng. Ý kiến của luật sư và bị cáo, người làm chứng đưa ra là không có cơ sở.
Sau lưng là bản án 13 năm, trước mắt là bản án 18-19 năm, ông Thăng đề nghị HĐXX xem xét công bằng
Bị cáo Đinh La Thăng lên bào chữa đối đáp lại ý kiến của VKS.
Ông Đinh La Thăng tự bào chữa bổ sung sáng 24/3
Ông Thăng nói rằng cả đời ông gắn bó với ngành dầu khí, làm việc phục vụ cho ngành, không thể cố ý làm trái. Bị cáo đầu tư vào ngân hàng Đại Dương là đã được chấp thuận và đây cũng không phải chủ trương chiến lược của tập đoàn mà là để giải quyết hệ lụy của việc không được thành lập ngân hàng Hồng Việt. Hơn nữa, việc đầu tư này đã được chấp thuận.
Sau lưng bị cáo là bản án 13 năm, phía trước là mức án đề nghị kịch khung, mong HĐXX xem xét một cách khách quan tại thời điểm lịch sử đó để có bản án công minh khách quan, công bằng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng và Phan Đình Đức bào chữa bổ sung
Sau ông Thăng, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng và Phan Đình Đức lên bào chữa bổ sung.
Hai bị cáo đề ghị HĐXX xem xét vì các bị cáo không cố ý làm trái (lặp lại các nội dung đã tự bào chữa ở các phiên trước).
Bị cáo Phan Đình Đức (bị đề nghị 24-30 tháng cải tạo không giam giữ) vẫn khẳng định văn bản 124 mà bị cáo ký không phải là phê duyệt chủ trương đầu tư mà đó là văn bản trả lời lấy ý kiến của HĐQT. Hơn nữa văn bản này được ký vào ngày 17/5 sau khi thời hạn lấy ý kiến của văn bản HĐQT gửi đã hết hiệu lực (15/5), và cũng có sau khi tập đoàn có quyết định đầu tư vào ngày 16/5.
Luật sư cho rằng ông Ninh Văn Quỳnh chỉ là chiếm giữ tài sản trái phép
Luật sư bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh lên bào chữa bổ sung.
Luật sư cho rằng việc cáo buộc Ninh Văn Quỳnh lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là không hợp lý. Ông Quỳnh là cấp dưới, nhận tiền của ông Sơn thì không thể có chuyện lạm dụng chức vụ được. Hơn nữa, PVN cũng nói đó là quan hệ cá nhân của ông Quỳnh và ông Sơn. Luật sư cho rằng đó là hành vi chiếm giữ tài sản trái phép chứ không phải lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Luật sư mong HĐXX xem xét, nếu phạt tội ông Quỳnh thì áp mức phạt nhẹ nhất.
Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị làm rõ 4.000 tỷ vốn điều lệ của NH TNHH MTV Đại Dương là ghi cho có hay là vốn thật
Luật sư Phan Trung Hoài đại diện nhóm 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng lên bào chữa bổ sung đối đáp lại quan điểm của VKS.
Theo luật sư, một trong những điểm cơ bản để phán tội là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội. Đề nghị VKS và HĐXX xem xét kỹ.
Ngoài các ý kiến phúc đáp của NHNN và VKS thì còn nhiều điểm mà VKS chưa đối đáp lại quan điểm bào chữa của ông Đinh La Thăng và VKS, đề nghị VKS đối đáp.
Có hai vấn đề lớn mà luật sư đặt ra cũng chưa được giải đáp thỏa đáng. Đó là trách nhiệm của NHNN về việc chấp thuận cho tăng vốn với OceanBank, và việc Oceanbank chia làm 2 lần tăng vốn có cần xin phép lại hay không. Vì theo văn bản trả lời ở vụ án trước của NHNN thì NHNN Hải Dương nói việc tăng vốn đó không cần xin phép.
Luật sư cũng đề nghị VKS đối đáp thêm rằng, vì sao sau khi NHNN mua lại 0 đồng với OceanBank lại ghi vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng? Đó là hình thức hay là bắt buộc NH thương mại TNHH Đại Dương phải có 4.000 tỷ vốn. Đây là điều quan trọng vì dẫn đến việc mất vốn của PVN. Ngoài ra, khi quyết định mua 0 đồng thì NHNN nói các cổ đông mất tư cách cổ đông chứ không nói PVN mất 800 tỷ. Xin VKS cho biết quyết định 663 chỉ là chấm dứt tư cách, còn 800 tỷ đó chỉ chuyển từ PVN sang NHNN quản lý do vốn điều lệ của NH Đại Dương sau này vẫn là 4.000 tỷ?
Theo Trí thức trẻ, ngày 24/3/2018