Bị cáo Đinh La Thăng xin nhận trách nhiệm thay cho tất cả bị cáo
Chiều nay ngày 20/3, Phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) khi đầu tư vào OceanBank gây thiệt hại 800 tỷ.
Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về vai trò quản lý của NHNN đối với các ngân hàng thương mại cũng như chuyện tăng vốn của OceanBank.
Sau đó ông Hoài mời bị cáo Đinh La Thăng lên xét hỏi.
Bị cáo Đinh La Thăng cho biết, PVN là tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Việc đầu tư của PVN là được sự đồng ý và theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài các văn bản pháp luật còn phải thực hiện theo quy định. PVN phải xử lý tồn tại liên quan đến việc thành lập NH Hồng Việt và đã xin phép Chính phủ, cơ quan hữu quan cho đầu tư vào ngân hàng OceanBank.
Trước đó, khi có chủ trương các tập đoàn được đầu tư vào ngân hàng, PVN cũng chủ trương lập Ngân hàng Hồng Việt nhưng sau đó xin chủ trương không thành lập nữa, và đứng trước thách thức là giải quyết các vấn đề tồn tại như là con người, cơ sở vật chất đã chuẩn bị cho thành lập ngân hàng...
Tại thời điểm đó, PVN đã tiếp cận vài ngân hàng để giải quyết các tồn tại này. Bị cáo đã giao cho Ban trù bị, giao cho Tổng giám đốc đi tìm hiểu, sau khi làm việc với các ngân hàng khác không thành thì đến lượt OceanBank đã chấp thuận phương án của Tập đoàn.
"Trong vai trò là chủ tịch PVN, bị cáo thấy rất mừng khi có được đối tác như vậy" – ông Thăng nói.
Ông Thăng nói thêm rằng, nghị quyết đã ký mà chưa có ý kiến của Thủ tướng là nghị quyết của thành viên HĐQT về chủ trương thống nhất đi đầu tư. Việc đầu tư chỉ thực hiện sau khi chuyển tiền và thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận của Chính phủ. Bản thân bị cáo nhận thức rằng việc làm của mình là không sai.
Cũng theo bị cáo, trong hai lần đầu tư lần một và lần hai là có hiệu quả, còn lần thứ 3 bị cáo ủy quyền cho cấp dưới, nhưng với trách nhiệm của người đứng đầu, bị cáo xin nhận trách nhiệm thay cho các bị cáo ở đây như bị cáo Vũ Khắc Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức...
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc bị cáo có biết nắm giữ 20% vốn là sai hay không, bị cáo Đinh La Thăng trả lời rằng: "Thời điểm đó đang giữ 20% mà người quản lý chỉ ký có 15% thì ai là người quản lý? Giả sử nếu không bị NHNN mua lại 0 đồng thì phần vốn đó vẫn thuộc về PVN và người quản lý phải có trách nhiệm với tất cả phần vốn đầu tư, chứ không phải là bị cáo ký để tăng tỷ lệ sở hữu, mong HĐXX xem xét rõ chỗ này".
Liên quan đến việc vì sao không thoái vốn, theo bị cáo Thăng, việc thoái vốn của PVN là phải được sự đồng ý của Chính phủ, cũng giống như khi được đồng ý cho góp vốn, chứ không phải cứ muốn là được.
Ông Hà Văn Thắm đề nghị xem xét kỹ lại việc mua OceanBank giá 0 đồng
Sau phần xét hỏi của luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Lê Văn Thiệp bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng mời ông Hà Văn Thắm – nguyên chủ tịch OceanBank lên hỏi.
Luật sư hỏi ông Thắm các câu hỏi liên quan đến việc OceanBank đã tiếp nhận đầu tư của PVN như thế nào, rồi việc NHNN mua lại 0 đồng ra sao.
Ông Hà Văn Thắm nói, OceanBank khi ấy rất cần phải tăng vốn nên rất nhiệt tình để đáp ứng các yêu cầu của bên đối tác. Khi ấy PVN có văn bản sang hỏi về việc đầu tư chứng khoán ra sao thì OceanBank không đầu tư.
Về việc nói OceanBank yếu kém thì ông Thắm nói ngân hàng không yếu kém. Theo quy định nếu yếu kém thì phải được giám sát đặc biệt rồi sau đó mới tiến hành các bước khác, nhưng ngân hàng không hề nhận được quyết định nào như vậy. Thậm chí sau khi NHNN mua lại Oceanbank giá 0 đồng đến gần 1 năm sau ông mới được biết. "Tôi nói với cán bộ điều tra rằng cho em xin đi thu nợ cho ngân hàng, thì cơ quan điều tra nói ngân hàng bị mua 0 đồng rồi còn đâu".
Cựu chủ tịch OceanBank cho biết thêm, về tài sản chắc chắn OceanBank sở hữu một lượng rất lớn bất động sản. Với đặc thù của OceanBank là có cổ đông lớn PVN góp vốn, theo ông Thắm, phải là Thủ tướng ký chứ không phải là Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng như vậy.
Việc mua bán bất cứ tài sản nào, theo ông Thắm, phải được định giá và bàn bạc hai bên, nhưng kết quả kiểm toán của NHNN và kết quả định giá chỉ phục vụ cho bên mua và chỉ có NHNN sử dụng.
Hơn nữa, ông Thắm nói rằng tại đại hội cổ đông để mua 0 đồng năm 2015 bản thân ông là cổ đông lớn nhất lại không được biết, nghị quyết tại đại hội cũng không được thông qua, vì thế đề nghị HĐXX xem xét kỹ về quyết định mua 0 đồng để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông cũng như cho PVN.
"Nếu đã tính tài sản bằng 0 để mua lại ngân hàng 0 đồng thì phải trả lại toàn bộ các tài sản cho cổ đông để không thiệt thòi cho các cổ đông trong đó có PVN" – ông Thắm nói.
Bị cáo Đinh La Thăng vẫn một mực khẳng định việc đầu tư của PVN vào OCeanBank là hiệu quả
Luật sư Lê Văn Thiệp bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng mời ông Thăng lên hỏi.
Xoay quanh các câu hỏi về việc đầu tư vào OceanBank, bị cáo Đinh La Thăng vẫn khẳng định rằng hoạt động đầu tư vào OceanBank là rất hiệu quả. Thời gian sau khi bị cáo chuyển khỏi PVN thì OceanBank vẫn trả cổ tức đều đặn từ năm 2011, 2012 đến năm 2013.
Việc đầu tư của PVN giúp ngân hàng có thêm vốn để tăng thanh khoản, mở rộng hoạt động và sinh lời. Do đó bị cáo khẳng định việc đầu tư này không chỉ hiệu quả với tập đoàn, với Ngân hàng Đại Dương mà với cả hệ thống tài chính tiền tệ nói chung.
Luật sư Thiệp mời bị cáo Nguyễn Xuân Sơn lên hỏi.
Luật sư hỏi bị cáo Sơn rằng Hội đồng thành viên có nắm được chủ trương đầu tư vào OceanBank hay không, bị cáo nói có biết.
Về tình hình của OceanBank ra rao, bị cáo Sơn nói đó là ngân hàng có quy mô nhỏ, xếp hạng trung bình khá. Sau khi được PVN đầu tư vào thì ngân hàng tốt lên, cổ tức chia đều đặn qua các năm.
Về việc bán vốn, thoái vốn ra sao, bị cáo Sơn nói rằng theo đúng quy định thì khi thoái vốn phải tiến hành đấu giá. Hơn nữa việc thoái vốn cũng phải được Chính phủ cho phép. Vì thế nếu thực hiện theo đúng quy định có lẽ khoản đầu tư này đã không bị thiệt hại do bị mua 0 đồng.
Ông Hà Văn Thắm nói việc tăng vốn của OceanBank được 3 cơ quan chấp thuận; NHNN mua 0 đồng là không thỏa đáng
Sau giờ nghỉ giải lao buổi chiều, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng mời ông Hà Văn Thắm lên để hỏi thêm về việc tăng vốn điều lệ của OceanBank.
Ông Thắm nói việc OceanBank tăng vốn đã được các cơ quan thẩm quyền cho phép. Nếu nói rằng việc tăng vốn này sai thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về Sở Kế hoạch đầu tư.
Sau khi Luật TCTD có hiệu lực, ngân hàng OceanBank có ý kiến với NHNN thì NHNN nói sẽ có văn bản hướng dẫn cho luật này, thế nhưng theo ông Thắm được biết thì đến tận năm 2015 NHNN mới có văn bản hướng dẫn về việc thực hiện luật TCTD.
"Khi ấy tôi có hỏi cơ quan thanh tra rằng xin hướng dẫn hoặc không thì phạt cho yên tâm. Tôi còn nói đùa giống như xây nhà cao tầng vượt phép, anh cứ phạt để em yên tâm nộp phạt và làm" – ông Thắm nói, và cho biết thêm vị ở cơ quan thanh tra khi ấy nói rằng cứ yên tâm không làm sai.
Khi được luật sư hỏi căn cứ nào mà OceanBank bị định giá bằng 0, ông Hà Văn Thắm nói rằng, đại diện Ngân hàng Nhà nước hôm nay trả lời tại tòa rằng căn cứ vào việc lỗ và âm của ngân hàng tại báo cáo của công ty kiểm toán quốc tế.
"Nhưng tôi không biết đó là báo cáo của công ty kiểm toán quốc tế nào, nhưng tôi chắc chắn rằng nếu kiểm toán quốc tế họ sẽ không trả lời đó là báo cáo phục vụ cho việc mua bán. Và tôi nhớ rằng trong vụ án lần trước cơ quan kiểm toán có nói báo cáo đó phục vụ cho NHNN".
Ông Thắm cũng cho rằng căn cứ đó là vô lý. Theo các công ty kiểm toán quốc tế thì rất nhiều doanh nghiệp lỗ nặng nhưng vẫn được mua giá cao chứ chẳng ai mua 0 đồng như thế.
Bị cáo Đinh La Thăng: Nếu không ký vào chủ trương đầu tư nội bộ thì lấy đâu căn cứ để trình lên Chính phủ
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng hỏi thêm bị cáo Đinh La Thăng
Bị cáo Thăng nói, việc ký thỏa thuận giữa PVN với OceanBank là để hai bên có căn cứ báo cáo với HĐQT, cũng như báo cáo với cơ quan thẩm quyền. Biên bản này ký không có chế tài, không có giá trị pháp luật, không có số văn bản. Và trên thực tế, việc đầu tư chỉ được thực hiện sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Và cũng theo bị cáo, nếu Hội đồng quản trị không có văn bản đề xuất, không ký vào đó (văn bản đồng thuận của các thành viên Hội đồng thành viên về việc đầu tư vào OceanBank – PV) thì không có căn cứ để trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định, để xem xét đầu tư vào một doanh nghiệp thì phải xem xét đơn vị đó làm ăn có hiệu quả. Và thực tế OceanBank có lãi từ năm 2007 đến 2009, nhưng do quy mô còn nhỏ nên ngân hàng cần thêm vốn để mở rộng và phát triển (như thành lập bao nhiêu chi nhánh, mở rộng hoạt động thế nào…). Bị cáo là người nắm rõ hoạt động của OceanBank và tự tin rằng đầu tư vào đây sẽ có kết quả, có hiệu quả. Và thực tế đã được chứng minh bằng việc ngân hàng sau đó trả cổ tức đều đặn.
Về việc NHNN mua lại 0 đồng vào năm 2015 là nhiều năm sau khi PVN đầu tư vào, vì thế nếu nói rằng việc mua lại 0 đồng là do các bị cáo gây thất thoát thì là oan ức cho bị cáo cũng như các bị cáo ngồi ở đây.
Theo Trí thức trẻ, ngày 20/3/2018