Sáng 20/3, VKS tiếp tục xét hỏi các bị cáo và người liên quan
Sáng nay ngày 20/3, phiên tòa xét xử vụ án Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) khi đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) gây thiệt hại 800 tỷ đồng tiếp tục diễn ra.
Trong ngày đầu tiên xét xử, cả 7 bị cáo gồm Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch PVN, các thành viên Hội đồng thành viên gồm Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Thức, Nguyễn Xuân Thắng, Vũ Khánh Trường; bị cáo Ninh Văn Quỳnh – nguyên Kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán PVN và Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc, trưởng ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt đã thực hiện khai báo trước tòa.
Các bị cáo là thành viên HĐTV của PVN đều cho rằng vì không biết việc duy trì 20% vốn sở hữu ở OceanBank sau 2011 là sai quy định, nếu biết sai thì đã không làm. Bị cáo Đinh La Thăng thì nói rằng bị cáo cũng có chỉ đạo thoái bớt vốn khỏi PVN.
Về cáo buộc các bị cáo đã thực hiện ký vào chủ trương đầu tư góp vốn vào OceanBank trước khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, các bị cáo nói rằng không có quy định nào cấm ký trước khi xin ý kiến, mà chỉ có việc đầu tư cần phải được phép của Chính phủ. Và các bị cáo cũng chỉ thực hiện chuyển tiền góp vào OceanBank sau khi đã nhận được ý kiến.
Các bị cáo một mực cho rằng đã không làm sai, rằng chuyển tiền mới là đầu tư ra khỏi công ty mẹ, còn ký văn bản và họp về chủ trương trong nội bộ Hội đồng thành viên trước khi xin ý kiến là không sai.
Về phía nguyên đơn dân sự là PVN, đại diện tập đoàn này khi được mời lên ý kiến thì cho biết đề nghị HĐXX xem xét, xét xử thấu tình đạt lý, nếu vụ án là có sai phạm thì đề nghị đảm bảo quyền lợi cho PVN.
Đại diện OceanBank là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đề nghị liên quan đến khoản tiền 20 tỷ đồng bị cáo Ninh Văn Quỳnh chiếm đoạt từ việc nhận chi lãi ngoài từ Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm là tiền của ngân hàng thì đề nghị hoàn trả cho OceanBank số tiền đó.
Đại diện NHNN và Bộ Tài chính hôm qua được triệu tập nhưng không ai có mặt.
Sáng nay, VKS tiếp tục xét hỏi các bị cáo, sau khi hỏi bị cáo Vũ Khánh Trường cuối phiên xét xử chiều hôm qua.
Đại diện NHNN xin trả lời sau, đại diện Bộ Tài chính vẫn vắng mặt
Sáng nay, Tòa hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước, đại diện NHNN đã có mặt. HĐXX hỏi về có hay không công văn trả lời PVN, đại diện NHNN nói xin trả lời sau.
Trong khi đó tòa hỏi đại diện Bộ Tài chính thì đại diện cơ quan này vẫn vắng mặt.
Sau đó VKS tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh phủ nhận lời khai của ông Đinh La Thăng và cho rằng việc tham mưu, giúp việc góp vốn vào OceanBank cho ban trù bị, HĐTV thì ban kế toán tài chính soạn thảo trình Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn ký.
Trước đó trong phiên chiều hôm qua, ông Thăng thừa nhận có ký thỏa thuận 6934 góp vốn vào OceanBank, nhưng chỉ là để giải quyết hệ lụy của việc thành lập trù bị Ngân hàng Hồng Việt không thành. Việc ký thỏa thuận không nhất thiết phải thông qua Hội đồng quản trị, mà theo điều lệ của PVN, chỉ có các quyết định, nghị quyết, quyết nghị mới phải thông qua HĐQT.
Tuy nhiên qua đối chất với các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng và bà thư ký Hội đồng Thành viên là bà Nguyễn Thị Thủy Tiên thì ông Thăng nhận trách nhiệm của người đứng đầu, người ủy quyền trong vụ việc.
Liên quan việc tăng vốn điều lệ, theo các bị cáo những lần tăng vốn sau chỉ là việc làm tiếp theo giúp cho OceanBank mở rộng hoạt động, để số tiền PVN đầu tư vào ngân hàng hiệu quả hơn. Các bị cáo cho rằng không biết việc này là sai, chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết đã vi phạm khoản 2 điều 55 Luật Tổ chức tín dụng.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng khẳng định, các thành viên HĐTV phải hiểu biết pháp luật, là người giám sát Tổng giám đốc cho nên phải chịu trách nhiệm.
Ngoài OceanBank thì PVN còn tìm hiểu cả NH Kiên Long và Hàng Hải
Sau phần xét hỏi của luật sư với bị cáo Ninh Văn Quỳnh, Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng mời ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó Tổng giám đốc lên hỏi.
Ông Sự cho biết giai đoạn đó (2008), các cán bộ nhân viên rất lo lắng khi Ngân hàng Hồng Việt không được thành lập.
Theo quy định Chính phủ chỉ đạo mỗi tập đoàn được sở hữu hơn 50% vốn ở một ngân hàng.
Ngoài OceanBank thì lãnh đạo PVN còn gặp gỡ nhiều ngân hàng như Kiên Long, Hàng Hải để xem có đáp ứng yêu cầu không để đầu tư. Có ngân hàng yêu cầu giá cổ phiếu quá cao, họ đưa ra quy định PVN không được tham gia vào điều hành, quản trị. Ví dụ Maritime Bank yêu cầu giá rất cao, PVN không thể đầu tư.
Việc đánh giá năng lực của Ngân hàng Đại Dương là được giao cho ban trù bị thành lập NH Hồng Việt, có thẩm định qua Ban kế toán trình lên, chứ không có ban riêng nào thẩm định đánh giá.
Căn cứ vào báo cáo của Ban trù bị thành lập NH Hồng Việt đã có bức tranh đánh giá toàn cảnh về OceanBank. Theo ông Sự, trách nhiệm của ông là đánh giá chứ không có quyết định.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc vì sao lại chọn OceanBank, ông Sự nói giai đoạn đó, nhiều ngân hàng mong muốn tìm được đối tác để tăng tiềm lực, và OceanBank được đánh giá là ngân hàng trung bình khá. Việc đánh giá này do Ban trù bị thành lập NH Hồng Việt sau khi nghiên cứu hồ sơ của OceanBank.
Ông Nguyễn Ngọc Sự tại tòa sáng 20/3
"Trong báo cáo tôi ghi rằng, OceanBank là ngân hàng có quy mô nhỏ, họ đang tìm cổ đông chiến lược để phát triển ngân hàng theo chiến lược họ đề ra. Họ đang tìm cổ đông tầm cỡ như PVN". Ông Sự nhấn mạnh chữ tầm cỡ và thêm rằng ông không nói nhất định phải là PVN.
Trong quá trình tham gia góp vốn lần đầu, sau khi có báo cáo ngày 30/9 trong đó theo yêu cầu đánh giá thêm về hoạt động của OceanBank.
Cũng theo ông Sự, PVN sau khi đã đánh giá OceanBank thì ông có yêu cầu phải thêm thông tin về ngân hàng này, và sau đó cũng có văn bản đề nghị lên Chính Phủ, Ủy ban chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước. Sau đó 17/10 nhận được văn bản của Văn phòng chính phủ truyền đạt ý kiến chấp thuận.
Về việc cử người tham gia vào ngân hàng, ông Sự nói ông là người đề xuất có người tham gia vào ngân hàng do khi đó ông là người phụ trách mảng này, và nói thêm ông chỉ tham gia ở PVN từ 2009 đến tháng 10/2010 thì được điều động đi nơi khác.
Ông Sự cho biết thêm khi ông có báo cáo đánh giá về OceanBank thì tổng tài sản ngân hàng chỉ hơn 5.000 tỷ nhưng đến khi ông chuyển công tác thì đã tăng lên trên 10.000 tỷ cho thấy tình hình ngân hàng đã tốt lên. Ngoài ra, năm 2009 OceanBank cũng đã chia cổ tức và 2010 cũng vậy.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn: Các ngân hàng đòi giá cao quá nên PVN không thể đầu tư
Sau khi hỏi ông Nguyễn Ngọc Sự, Luật sư Phan Trung Hoài mời bị cáo Nguyễn Xuân Sơn lên xét hỏi.
Bị cáo Sơn cho biết đúng là có nhiều ngân hàng PVN tham gia tìm hiểu, trong đó nhiều ngân hàng đòi giá rất cao, hầu hết là "trên một chấm" nên không đáp ứng được.
OceanBank là ngân hàng đang cần tìm đối tác chiến lược, muốn tăng vốn, còn PVN thì tìm kiếm ngân hàng để đầu tư. "Tôi nhớ rằng khi đó Chính phủ không cho lập ngân hàng nữa mà cho phép đầu tư góp vốn vào ngân hàng khác" – bị cáo Sơn nói khi được hỏi về quyết định đầu tư vào ngân hàng của PVN.
Hà Văn Thắm nói PVN đầu tư giúp OceanBank tốt lên chứ không phải thua lỗ
Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng mời ông Hà Văn Thắm – nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank lên hỏi.
Trả lời câu hỏi của luật sư rằng vì sao OceanBank lại quan tâm đến PVN, ông Hà Văn Thắm nói do OceanBank đang có nhu cầu tăng vốn, và đã được tiếp xúc với ông Nguyễn Xuân Sơn.
Ông Thắm nói có gặp ông Mạnh Hà của PVN. Ông Hà cũng nói rằng hồ sơ của PVN có đi làm việc với nhiều ngân hàng khác.
Sau đó ông Thắm có gặp ông Thăng và ông Thăng yêu cầu là giá chỉ có một chấm thôi chứ không có giá hai chấm như trên thị trường, và một yêu cầu nữa là phải tiếp nhận toàn bộ cán bộ nhân viên, cùng cơ sở của ban trù bị NH Hồng Việt. Sau đó ông Thăng yêu cầu phải ký biên bản thỏa thuận ghi nhớ để còn có cơ sở sau này còn báo cáo lên Chính phủ chứ không thể là "trò đùa".
Ông Thắm nói rằng việc PVN đầu tư vào OceanBank là rất tốt vì đã giúp ngân hàng tốt lên rất nhiều chứ không phải là thua lỗ.
"Ngày hôm qua VKS có thông báo kết quả thanh tra OceanBank tại thời điểm 2012 cho thấy các ngân hàng Việt Nam trong 10 năm nữa sẽ áp dụng các quy định mới là quy định AAA, và nếu áp dụng lúc này thì OceanBank sẽ thua lỗ. Nhưng tôi biết rằng cho đến bây giờ tiêu chuẩn AAA đó vẫn chưa được áp dụng. Cơ quan thanh tra khuyến cáo như vậy nhưng không yêu cầu ngân hàng buộc phải điều chỉnh báo cáo theo hay là phải hoàn trả cổ tức" – ông Thắm nói khi được hỏi về việc kết quả thanh tra có phải chỉ ra ngân hàng thua lỗ và phải hoàn trả cổ tức hay không.
Ông Thắm nói các đợt tăng vốn và góp vốn của PVN đều được ngân hàng trình và báo cáo đầy đủ lên cơ quan hữu quan như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán và được cả Sở kế hoạch đầu tư cấp phép thay đổi vốn điều lệ.
Ông Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch OceanBank đến phiên tòa trong vai trò người làm chứng Luật sư hỏi về việc PVN vì sao không thoái vốn, ông Thắm cho biết, theo luật của TCTD và chứng khoán, thì nếu một thành viên của Tập đoàn tham gia vào hoạt động của TCTD thì không được bán vốn mà phải xin phép trước ít nhất 6 tháng. Đó cũng là câu trả lời của cơ quan chức năng.
"Thời điểm đó, bà Vũ Thị Thanh Hương đã nói rằng, nếu muốn thoái vốn thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Còn phía PVN thì tôi không biết" – ông Thắm nói.
Ông Thắm nói thêm rằng việc PVN đầu tư vào OceanBank là rất hiệu quả. OceanBank chấp nhận cái giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường vì đánh giá rằng PVN là tập đoàn lớn, sẽ hỗ trợ được nhiều trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
"Thời điểm 2011, tôi đã làm việc với cơ quan thanh tra, tôi lo rằng duy trì mức 20% vốn của PVN là sai nên đã đề nghị với họ cho thông báo để trả lại vốn cho cổ đông, hoặc là cho nộp phạt giống như xây dựng vượt tầng để yên tâm" – ông Thắm nói trước tòa.
Ông Thắm cũng nói rằng ông được biết có chủ trương đồng ý cho PVN thoái vốn bằng việc đấu giá nhưng Ngân hàng Nhà nước nói rằng không nên bán như thế vì sẽ thiệt thòi cho Nhà nước nhưng vài tháng sau NHNN lại mua 0 đồng.
Cựu chủ tịch OceanBank cũng đề cập đến việc OceanBank đòi 20 tỷ của ông Ninh Văn Quỳnh, theo ông Thắm nếu OceanBank đòi 20 tỷ của ông Quỳnh thì sẽ không còn tội tham ô của ông Nguyễn Xuân Sơn như trong bản án trước đã tuyên. Và 20 tỷ này nằm trong số 246 tỷ mà kết luận điều tra nói ông Sơn chiếm đoạt của PVN và các cổ đông khác, thì không thể trả cho OceanBank mà phải trả cho PVN và các cổ đông khác trong đó có cả ông Thắm.
Theo Trí thức trẻ, ngày 20/3/2018