HOTLINE: 0913.215.264

Phiên tòa sáng 22/3: Ông Đinh La Thăng bị đề nghị mức án 18-19 năm tù

Cập nhật: 22/03/2018
Lượt xem: 1272
VKS bắt đầu luận tội
 
Sáng nay 22/3, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bước sang ngày làm việc thứ 4. HĐXX tuyên bố chuyển sang phần tranh luận.
 
Mở đầu, đại diện VKSND Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa được mời đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với 7 bị cáo gồm: Đinh La Thăng (nguyên chủ tịch PVN), các thành viên Hội đồng quản trị gồm Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trưởng ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt; Ninh Văn Quỳnh nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế hoạch.
 
Đại diện VKS cho rằng, có đủ căn cứ xác định nội dung vụ án và hành vi phạm tội của các bị cáo đối với tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
 
Bản luận tội nêu rõ, từ tháng 9/2008, bị cáo Đinh La Thăng đã quyết định và chỉ đạo việc PVN góp vốn vào Oceanbank, để trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này.
 
Triển khai chủ trương trên, các bị cáo Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh đã thực hiện tích cực 3 lần góp vốn vào Oceanbank, tổng số tiền 800 tỷ. Oceanbank sau đó làm ăn thua lỗ, khiến PVN bị mất 800 tỷ đồng.
 
Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại số tiền 800 tỷ đồng của PVN là do các hành vi trái pháp luật của bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo đồng phạm gây ra.
 
 
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 18 - 19 năm tù
 
VKSND Hà Nội đã đề nghị mức án, cụ thể:
 
-Bị cáo Đinh La Thăng - cựu Chủ tịch HĐQT PVN: 18 - 19 năm tù.
 
-Bị cáo Vũ Khánh Trường, cựu Thành viên HĐQT PVN: 7 - 8 năm.
 
-Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thành viên HĐQT PVN: 24 - 30 tháng cải tạo không giam giữ.
 
-Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, cựu Thành viên HĐQT PVN: 24 - 30 tháng tù.
 
-Bi cáo Phan Đình Đức, cựu Thành viên HĐQT: 24 - 30 tháng tù cải tạo không giam giữ.
 
-Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó tổng giám đốc PVN: 30 - 36 tháng tù.
 
-Bị cáo Ninh Văn Quỳnh, cựu Trưởng ban Kiểm toán và Kế toán PVN: 7 - 8 năm tù. Ngoài ra, bị cáo này bị đề nghị 17 - 18 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hình phạt của bị cáo Quỳnh là 24 - 26 năm tù.
 
 
Ông Đinh La Thăng nói không chối bỏ trách nhiệm nhưng mong HĐXX xem xét một cách khách quan, đúng bản chất sự việc
 
Tự bào chữa trước tòa sau khi VKS công bố bản luận tội, ông Đinh La Thăng nói rằng đề nghị HĐXX xem xét kỹ việc Ngân hàng Đại Dương bị NHNN mua 0 đồng, vì đây là nguyên căn dẫn đến sự việc hiện nay.
 
http://luatsunguyenhuythiep.com
Ông Đinh La Thăng tự bào chữa
 
Theo bị cáo, hoạt động đầu tư của PVN vào OceanBank là được phép, đúng chủ trương, đúng pháp luật, không tư lợi, không làm sai, hoàn toàn trong sạch. 
 
Khoản đầu tư của PVN là khoản đầu tư có lãi bởi từ khi PVN rót vốn vào OceanBank thì năm nào cũng được chia cổ tức, hoạt động của ngân hàng tốt lên. 
 
Trong hai lần đầu tiên đầu tư bị cáo có tham gia, nhưng sau đó ông chuyển công tác từ tháng 8/2011 nên chỉ chịu trách nhiệm với PVN đến thời điểm đó. 
 
"Bị cáo không chối bỏ trách nhiệm. Nếu có sai phạm bị cáo nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu, nhưng HĐXX cần xem xét kỹ việc ngân hàng bị mua 0 đồng một cách công minh, khách quan, đúng bản chất sự việc".
 
 
Luật sư cho rằng cần làm rõ việc PVN đầu tư vào OceanBank là được phép hay không
 
Luật sư Phan Trung Hoài, 1 trong 5 luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng phát biểu đầu tiên sau khi ông Thăng tự bào chữa.
 
Luật sư nói đã nghe rõ những lời bào chữa của ông Thăng và cũng tiếc khi chưa được tiếp cận chứng cứ mà NHNN và Bộ Tài chính nói trong các phiên trước.
 
Luật sư cho rằng, vấn đề mấu chốt nhất là PVN được đầu tư vào OceanBank là có được phép hay không. Sau đó luật sư đọc quyết định của Chính phủ về hoạt động của PVN, điều lệ của tập đoàn cho thấy có chức năng đa ngành, đầu tư, góp vốn vào các công ty con và cả đầu tư vào TCTD. Trong điều lệ cũng quy định tập đoàn không được đầu tư quá 20% vốn góp vào đơn vị được góp vốn, nếu quá phải xin ý kiến Chính phủ.
 
Về cáo buộc của VKS với ông Đinh La Thăng rằng chủ trương góp vốn mua cổ phần, lên phương án triển khai trước khi trình lên Chính phủ là sai, luật sư dẫn các lời khai của bị cáo cũng như bà Phan Thị Hòa là trưởng ban Kiểm soát của PVN, cho rằng việc này là đúng trình tự và văn bản thống nhất về chủ trương của nội bộ PVN là không có giá trị pháp lý, và rằng phải có chủ trương như vậy mới có căn cứ để trình lên và xin ý kiến Chính phủ. Thực tế việc đầu tư chuyển tiền của PVN vào ngân hàng thực hiện sau tới 3 tháng so với thời điểm chấp thuận.
 
Về kết luận của VKS đối với 3 lần góp vốn (400 tỷ năm 2008, 300 tỷ năm 2010 và 100 tỷ năm 2011) là vi phạm, theo luật sư để xem xét việc góp vốn này có vi phạm không thì cần xem xét ở hai giai đoạn.
 
Lần góp vốn đầu tiên và lần thứ hai tổng cộng 700 tỷ. "Tôi rất bất ngờ và suy nghĩ nhiều về vấn đề không biết vì sao tại phiên tòa này HĐXX lại đi hỏi ngay về khoản góp vốn 100 tỷ với các bị cáo mà không phải 700 tỷ". Là bởi vì, theo luật sư, khoản đầu tư 700 tỷ là được chấp thuận của NHNN, của Chính phủ, có sự tham mưu của Bộ Tài chính và ông Thăng không cố ý làm trái.
 
"Trong các báo cáo thanh tra của Bộ Tài chính với PVN có kết luận nào cho thấy PVN đầu tư sai trong hai lần đó hay không? Không có" – luật sư nói khi đề cập đến vai trò tham mưu của Bộ Tài chính cho Chính phủ đối với hoạt động của tập đoàn.
 
Luật sư cũng đề cập đến văn bản của VPCP đồng ý về việc cho PVN góp vốn chỉ lưu ý là tập đoàn tập trung vào các mảng cốt lõi, khoản đầu tư nếu không cần thiết thì xem xét.
 
http://luatsunguyenhuythiep.com
Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho ông Đinh La Thăng
 
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng chấp thuận cho OceanBank được tăng vốn lên 5.000 tỷ theo phương án của ĐHCĐ thông qua. Ngân hàng Nhà nước cũng không hề có bất cứ lưu ý nào với OceanBank về việc tăng vốn là sai ở chỗ nào hay phải lưu ý ở đâu.
 
Với khoản đầu tư thứ ba trị giá 100 tỷ, ông Đinh La Thăng nói rằng nếu quy buộc đó là khoản đầu tư sai thì ông với tư cách là người đứng đầu xin nhận trách nhiệm quản lý. Nhưng sau khi đại diện Bộ Tài chính, NHNN và VKS nói tại tòa, thì ông ấy nhận ra rằng nếu đơn giản chỉ áp dụng như vậy thì chưa phù hợp. Việc thoái vốn theo luật mới có hiệu lực cần phải có văn bản hướng dẫn và lộ trình thoái vốn ra sao, và phải được sự chấp thuận của Chính phủ.
 
"Ở đây có hai sự mâu thuẫn, một là luật có hiệu lực nhưng mặt khác lại được phép và nếu muốn thoái vốn phải được ý kiến của Chính phủ. Hơn nữa theo quy định của luật chứng khoán, nếu thành viên của đơn vị góp vốn nằm trong HĐQT của doanh nghiệp thì phải báo cáo trước ít nhất là 6 tháng mới được thoái vốn, mong rằng VKS đánh giá và đối đáp cho chúng tôi" – luật sư Phan Trung Hoài nói.
 
Hơn nữa đối với việc tăng vốn của OceanBank từ 3.000 tỷ lên 5.000 tỷ, trong đó có chia làm hai giai đoạn là từ 3.000 tỷ lên 4.500 tỷ và từ 4.500 tỷ lên 5.000 tỷ cũng được NHNN đồng ý. Tại văn bản trả lời cơ quan điều tra, NHNN cho biết việc tăng vốn từ 3.000 tỷ lên 5.000 tỷ là phù hợp, đúng quy định, sau khi chia làm hai đợt tăng vốn  Ngân hàng Đại Dương cũng không cần phải xin phép lại. "Như vậy là sự việc tăng vốn này đã được phép của NHNN".
 
Theo Trí thức trẻ, ngày 22/03/2018
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN HUY THIỆP VÀ CỘNG SỰ
  Add: 11/B7 Khu Đầm Trấu, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
 Hotline: 0913.215.264
  Phone0243.984.3261 / 0243.984.3262 - Fax: 0243.984.3263
  Email: vietnam@luatsunguyenhuythiep.com 
  Website: http://luatsunguyenhuythiep.com
CÁC GIẢI THƯỞNG
LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI
ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
ĐĂNG KÝ HỦY BỎ
Copyright 2015 luatsunguyenhuythiep.com. ALL RIGHTS RESERVED. Thiết kế websiteSEO - Tất Thành